Không quy hoạch, tuyển sinh sư phạm rối như mớ bòng bong

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2016 - 2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017 - 2018 của ngành giáo dục mới diễn ra hôm 21.8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã “điểm mặt” một trong những vấn đề nóng nhất hiện nay là chuyện “thừa - thiếu giáo viên”.

Thày và trò Trường PTTH Quang Trung Nguyễn Huệ (TPHCM). Ảnh: Trường QTNH

“Câu chuyện môn này thừa giáo viên, môn kia lại thiếu; trường này thừa trong khi trường kia thiếu đã xảy ra rất lâu rồi, nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Trong khi đó, những giáo viên thừa trong các trường học, đôi khi các đồng chí lại ngại đụng đến, ngại chuyển đổi, dẫn đến tình trạng thiếu cứ thiếu, còn thừa cứ thừa. Để xảy ra điều này là có trách nhiệm của cả Bộ GDĐT và các tỉnh”.

Thực trạng giáo viên ra trường “chạy việc khó”, tới mức các em phải “mai phục” dạy hợp đồng trong trường để chờ suất vào biên chế đã dẫn đến chuyện ngành sư phạm “khát sinh viên”, cạn đầu vào. Giải quyết vấn đề này như thế nào?

Từ chuyện hạ điểm vét thí sinh!

Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều trường ĐH Sư phạm lớn như: ĐH Sư phạm Hà Nội 2, ĐH Sư phạm TPHCM, khoa Sư phạm ĐH Vinh vẫn còn hàng trăm chỉ tiêu đợt 2 chờ thí sinh. Trong khi đó, các trường cao đẳng sư phạm địa phương từ Thái Nguyên, Thái Bình, Hải Dương, Lào Cai, Bắc Ninh… chỉ lấy 9-10 điểm/3 môn mà vẫn thiếu thí sinh trầm trọng.

Tương tự tình trạng trên, mặc dù điểm chuẩn “rớt giá”, Cao đẳng Sư phạm Gia Lai chỉ có một thí sinh trúng tuyển vào ngành Sư phạm Vật lý theo diện thi THPT quốc gia năm 2017. Cá biệt hơn, ngay cả một trường ĐH Sư phạm Huế cũng hạ mức điểm sàn xuống 12,75 điểm để tìm kiếm thí sinh.

Thế nhưng nghịch lý ở chỗ, trong khi các trường địa phương ra sức “chiêu mộ” thì lâu nay xã hội đã báo động tình trạng thừa giáo viên. Theo thống kê của Bộ GDĐT, cả nước hiện thừa khoảng 26.700 giáo viên chủ yếu ở thành phố, dự kiến năm 2020 sẽ thừa trên 70.000 cử nhân sư phạm. Vậy nhưng bất cập chưa dừng lại ở đó, bên cạnh con số thừa đang càng tăng kia là một thống kê về số lượng thiếu giáo viên cũng đáng lo ngại giữa các bậc học.

Hiện nay bậc mầm non cả nước đang thiếu 32.641 giáo viên, trong khi bậc THCS có nơi thừa 21.000 giáo viên. Đơn cử, ở Nghệ An đang thiếu 3.328 giáo viên mầm non trong khi thừa 1.742 giáo viên THCS.

Như vậy nói sư phạm đang thừa cũng đúng mà thiếu cũng chẳng sai. Nguyên nhân là bởi việc đào tạo sư phạm không có quy hoạch và nếu tình trạng này tiếp diễn thì hàng năm vẫn có hàng nghìn người thầy thừa, thiếu lẫn lộn.

Tuyển sinh không có quy hoạch, không liên kết với địa phương khiến hàng vạn cử nhân sư phạm mỗi năm đang có nguy cơ thất nghiệp. Ảnh: T.T

Sẽ có chuẩn riêng cho ngành sư phạm

Theo thống kê, cả nước có 14 trường đại học chuyên về sư phạm, 58 cơ sở đại học có đào tạo sư phạm và 33 trường sư phạm chuyên ngành. Tuy nhiên, ở các trường sư phạm cũng có cả chỉ tiêu đào tạo các ngành khác, không phải chỉ có sư phạm.

Bà Dung nhìn nhận, trong thời gian qua, chúng ta chưa thực hiện quy hoạch mạng lưới được do chưa ban hành được bộ tiêu chuẩn để đánh giá các trường sư phạm. Vì thế, chưa kiện toàn hệ thống, tuyển sinh chưa kiểm soát được trình độ đầu vào. Đầu ra vẫn để dư thừa nhiều, dẫn đến có những bức xúc trong dư luận.

Đối với các trường sư phạm, chúng ta phải đánh giá rằng, với quy mô dân số như vậy, với nhu cầu học tập như vậy thì nhu cầu sử dụng giáo viên đến đâu. Và nhu cầu giáo viên đến đâu chúng ta đào tạo đến đó.

Đầu tư vào các trường sư phạm là đầu tư cho cả hệ thống giáo dục nên vấn đề nâng cao chất lượng phải được xem trọng. Vì vậy, trong năm học tới, bên cạnh xây dựng quy chuẩn trường đại học nói chung, chúng tôi cũng sẽ có chuẩn riêng của các trường sư phạm để đánh giá.

Trên cơ sở chuẩn đó sẽ rà soát lại hệ thống trường sư phạm hiện nay. Trường nào đạt chuẩn sẽ tiếp tục đầu tư, tồn tại. Trường nào chưa đạt chuẩn nhưng ở vị trí trọng yếu thì vẫn phải đầu tư và có thể hợp nhất với trường lớn, chất lượng đã tốt rồi, để lan tỏa chất lượng. Và tất nhiên, trường nào yếu, chất lượng quá thấp, xã hội không lựa chọn, sẽ phải đóng cửa. Đó là những định hướng chính trong dự thảo mà chúng tôi đang xây dựng.

Phải “đặt hàng” đào tạo, đảm bảo chất lượng đầu ra

Trước nguyên nhân dẫn đến thí sinh không muốn học sư phạm là do vấn đề đầu ra tìm việc khó, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - cho hay, trong dự thảo quy hoạch với các trường sư phạm, chúng tôi cũng dự định toàn khối sư phạm sẽ phân khúc, phân loại. Những trường đạt chuẩn sẽ có “đặt hàng” đào tạo, đảm bảo có đầu ra. Sinh viên có thành tích học tập tốt sẽ có những ưu đãi về việc làm.

Trước mắt sẽ tập trung vào khối trường chất lượng nhất và khối sinh viên chất lượng nhất. Khi nào có khảo sát của toàn hệ thống thì có thể sẽ tiến tới quy hoạch chất lượng hơn từ chỉ tiêu cho đến đầu ra.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cũng tiết lộ, Đề án quy hoạch các trường sư phạm, đào tạo giáo viên đang được xây dựng sẽ trình Chính phủ thẩm định và phê duyệt. Trong đó, sẽ xác định trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc thực hiện chủ trương này chứ không chỉ riêng Bộ GDĐT vào cuộc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Nếu chúng ta làm nghiêm túc, xác định nhu cầu tuyển dụng, có chương trình đào tạo lại giáo viên phù hợp với nhu cầu thực tế trên địa bàn… thì không xảy ra tình trạng này. Bộ GDĐT cũng như các địa phương cần nghiên cứu giải pháp các trường cao đẳng sư phạm ở địa phương không đào tạo mới giáo viên nữa. Nhưng nếu cắt chỉ tiêu, thì các trường cao đẳng sẽ lâm cảnh khó khăn, vì vậy cần đặt hàng các trường cao đẳng đào tào chuyển đổi, bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên cũ. Tôi đề nghị các đồng chí ở tỉnh phải báo cáo các cấp có thẩm quyền, có chương trình thực hiện vấn đề này.

Nguyễn Huyên - Thuỳ Trang - Mỹ Linh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/khong-quy-hoach-tuyen-sinh-su-pham-roi-nhu-mo-bong-bong-550744.ldo