Không quân Ukraine thừa nhận bom lượn mới của Nga 'không phải dạng vừa'

Hồi đầu năm nay, Nga đã công bố các loại bom dẫn đường mới, về cơ bản là bom thông thường được nâng cấp để thả từ máy bay ném bom đa năng, nhằm tiến hành các cuộc tấn công chính xác và nguy hiểm vào cứ điểm đối phương ở tiền tuyến và phía sau tiền tuyến.

Ngoài các loại bom thông minh được thiết kế đặc biệt, Nga cũng sử dụng phiên bản sửa đổi của các loại bom thả từ trên không có trọng lượng 500kg mà nước này đang có trong kho dự trữ với số lượng lớn. Giới phân tích cho rằng, điều đó đã đặt ra mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng đối với Ukraine. Bằng cách biến những quả bom đơn giản thành bom dẫn đường, Nga đang phát triển một loại vũ khí chiến thuật có giá thành rẻ, khá hiệu quả, với số lượng lớn hơn nhiều so với tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo vốn đang cạn kiệt trong kho vũ khí của họ. Ít nhất, việc sử dụng các loại bom này có thể hỗ trợ một phần cho các hoạt động dưới mặt đất của Nga khi họ thiếu sự yểm trợ trên không.

Bom FAB-500 M-62 có sức công phá khủng khiếp của Nga. (Nguồn: Vitaly)

Bom FAB-500 M-62 có sức công phá khủng khiếp của Nga. (Nguồn: Vitaly)

Việc sử dụng bom dẫn đường đã phần nào mang lại lợi thế cho Nga dọc tiền tuyến, đặc biệt là khi đối phó với hệ thống phòng thủ của Ukraine tại khu vực Avdiivka ở tỉnh Donetsk. Trong khi đó, không quân Ukraine gọi đây là một tình huống nguy hiểm. Bom dẫn đường của Nga thường được phóng bên ngoài phạm vi hoạt động của hệ thống phòng không Ukraine và Kiev có rất ít biện pháp để chống lại chúng.

Không quân Nga một lần nữa hối thúc phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu và tên lửa không đối không tầm xa hiện đại để ngăn chặn các cuộc tấn công của máy bay Nga mang theo bom dẫn đường bay cách xa tiền tuyến.

Những loại bom lượn mà Nga đang sử dụng tại Ukraine

Vào đêm 24/3/2023, quân đội Ukraine nói rằng Nga đã tiến hành cuộc không kích lớn ở vùng Sumy. Các máy bay của Nga đã thả 11 quả bom thông thường nặng 500kg được gắn thêm thiết bị cải tiến UMPK (mô đun dẫn đường và lượn).

Thiết bị này được cho là sẽ cung cấp cho bom FAB-500М-62 có từ thời Liên Xô hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh đơn giản và một “đôi cánh”. Theo các nguồn tin của Nga, chi phí sản xuất thiết bị UMPK vào khoảng 2 triệu rúp (tương đương 24.000 USD). Sau khi được lắp đặt UMPK, một quả bom thông thường sẽ trở thành bom lượn giá thành rẻ có thể thay thế cho tên lửa dẫn đường đắt đỏ mang đầu đạn nặng 390kg. Giá của một tên lửa hành trình Kalibr mang đầu đạn nặng 450 kg với tầm bắn tới 1.500 km lên đến gần 6,5 triệu USD.

Theo đánh giá của lực lượng không quân Ukraine, những quả bom gắn UMPK khi được phóng từ độ cao lớn, di chuyển với tốc độ cao có tầm bắn hiệu quả trên 50km, có thể giáng đòn nặng nề vào các phòng tuyến và hậu phương của Ukraine. Dù độ chính xác của chúng chưa được xác định rõ nhưng giá thành rẻ và sự sẵn có của các loại bom như FAB-500М-62 trong kho dự trữ sẽ giúp Nga phần nào giải quyết vấn đề thiếu hụt vũ khí. Không quân Ukraine cho biết, Nga đã sử dụng máy bay chiến đấu Su-34 và Su-35 thả 20 quả bom dẫn đường cải tiến dọc theo chiến tuyến mỗi ngày.

Ngoài loại bom này, Nga cũng sử dụng các loại bom dẫn đường hạng nhẹ khác như KAB-20L hoặc KAB-50S, thả từ máy bay không người lái Forpost để tấn công cứ điểm của Ukraine.

Moscow cũng sở hữu một số bom lượn thông minh nguy hiểm không kém so với bom thông minh JDAM-ER mà Mỹ cung cấp cho Ukraine với tầm bắn hiệu quả lên đến 72km. Hồi tháng 3 vừa qua, các lực lượng Nga được cho là đã sử dụng bom dẫn đường UPAB-1500B nặng 1.500 kg ở Avdiivka – nơi giao tranh đang diễn ra ác liệt.

Bom thông minh UPAB-1500B của Nga được giới thiệu từ năm 2019. Theo nhà sản xuất, phiên bản xuất khẩu của loại bom này có khả năng mang đầu đạn 1.010 kg. Bom được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính, hệ thống điều hướng. UPAB-1500B có thể được thả ở độ cao 15km, cách mục tiêu khoảng 50km, giúp máy bay mang chúng không bị hệ thống phòng không tầm xa của đối phương phát hiện và nhắm bắn.

UPAB-1500B có thể được sử dụng cho các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 ++ hoặc thứ 5. Theo Defense Express, số lượng bom UPAB-1500B cùng với phiên bản nhỏ hơn của chúng là UPAB-500V trong kho dự trữ của Nga không nhiều.

Ukraine đau đầu tìm giải pháp ứng phó

Không quân Ukraine đã nhiều lần báo động về mối đe dọa từ bom lượn của Nga và nỗ lực tìm kiếm giải pháp đối phó. Người phát ngôn của lực lượng vũ trang Ukraine, Đại tá Yuriy Hnat cho biết, ngay cả khi bom lượn của Nga được thả ở khoảng cách từ 20km đến 30km, nó vẫn gây nguy hiểm đối với hệ thống phòng thủ của Ukraine. Theo ông Yuriy Hnat, cách khả thi nhất để ngăn chặn mối đe dọa này là chống lại các máy bay mang bom lượn của Nga.

Nhưng các máy bay chiến đấu MiG-29 và Sukhoi Su-27 của Ukraine khá lỗi thời. Chưa kể, chúng thiếu tên lửa không đối không tầm xa hiện đại, thiếu hệ thống radar tinh vi, vì thế không thể đối đầu với máy bay chiến đấu hiện đại của Nga cùng các hệ thống phòng không của nước này.

Kể từ khi xung đột nổ ra, quân đội Ukraine đã duy trì một mạng lưới phòng không nhiều lớp trên mặt đất. Vấn đề nằm ở chỗ phạm vi hoạt động của chúng khá hạn chế. Phạm vi phòng thủ của các hệ thống S-300 lên tới 75 km, còn của hệ thống Buk-M1 lên tới 35 km. Ngay cả khi được triển khai ở các khu vực phía sau, cách chiến tuyến từ 10 đến 15km, những hệ thống này có thể vẫn bị thiết bị trinh sát điện tử của Nga phát hiện và bị tấn công.

Ukraine đang thiếu trầm trọng các hệ thống phòng không tầm xa. Những hệ thống phòng thủ như IRIS-T do Đức cung cấp được cho là khá hiệu quả nhưng phạm vi hoạt động của nó chỉ giới hạn 25km, vì thế không thể chống lại các loại bom dẫn đường có tầm hoạt động 50km. Không quân Ukraine cho rằng, các hệ thống MIM-104 Patriot của Mỹ và SAMP -T, do tập đoàn liên doanh Pháp-Italy Eurosam phát triển, có thể cung cấp một giải pháp giúp họ đối phó với bom lượn của Nga. Tuy vậy, nếu Ukraine triển khai những hệ thống này gần các khu vực tiền tuyến, ít có sự bảo vệ của mạng lưới phòng không xung quanh, chúng cũng có thể trở thành mục tiêu tấn công hoặc gây nhiễu của Nga./.

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/khong-quan-ukraine-thua-nhan-bom-luon-moi-cua-nga-khong-phai-dang-vua-post1013257.vov