Không quân Qatar: Từ cậu bé tí hon hóa người khổng lồ Trung Đông

Từ một lực lượng không quân yếu nhất khu vực Trung Đông, nhưng với sự đầu tư 'không tiếc tay', Không quân Qatar vụt trở thành người 'khổng lồ' khu vực với những chiến đấu cơ hiện đại nhất thế giới.

Các hợp đồng mua máy bay chiến đấu toàn cầu, thường chứng kiến sự cạnh tranh từ máy bay tàng hình F-35 với Rafales, Eurofighter Typhoons, F-15EX và nhiều loại khác. Dù sở hữu bất kỳ một loại máy bay chiến đấu nào như trên, cũng đủ để làm cho lực lượng không quân trở nên hùng mạnh; nhưng nếu ai đó có cả bốn loại thì sao?

Một quốc gia Trung Đông, trong bối cảnh căng thẳng khu vực, đang dẫn đầu các nỗ lực hiện đại hóa lớn để thay thế phi đội máy bay chiến đấu Mirage 2000 đã già cỗi của mình. Hàng tỷ USD đã được đầu tư để mua 96 máy bay siêu hiện đại.

Trong nỗ lực thay thế phi đội 12 chiếc Mirage 2000, Qatar đã bắt đầu chương trình hiện đại hóa lực lượng không quân của họ vào năm 2015. Mỹ, Anh và Pháp là những nước nhận được hợp đồng chính từ Doha, những chiến đấu cơ mà không quân các quốc gia mơ ước, đều “tụ hội” về đây; từ F-35, F-15EX của Mỹ, Rafale của Pháp và Eurofighter Typhoon của châu Âu.

Doha đã ký một hợp đồng trị giá 6 tỷ USD với Dassault Aviation để mua 24 chiến đấu cơ đa năng Rafale. 12 chiếc nữa đã được đặt hàng vào năm 2018, nâng phi đội Rafale lên 36 chiếc (bằng của Ấn Độ). Hơn nữa, Qatar có quyền lựa chọn mua thêm 36 chiếc Rafales nữa.

Chiến đấu cơ Rafale là loại máy bay chiến đấu đa nhiệm vụ, hai động cơ; được thiết kế cho Không quân và Hải quân Pháp. Rafale có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ tầm gần và tầm xa, bao gồm tấn công mặt đất và trên biển, trinh sát, tấn công chính xác cũng như răn đe hạt nhân. Rafales đã được thử nghiệm trên chiến trường như Afghanistan, Mali, Libya, Syria và Iraq.

Rafale bay thử lần đầu vào 7/1986 và có thể mang theo một loạt các loại vũ khí thông minh do Pháp chế tạo, dựa trên tính chất nhiệm vụ. Một số loại vũ khí cao cấp mà Rafale tự hào là tên lửa MICA, METEOR, HAMMER, SCALP, AM39 và EXOCET.

Sự linh hoạt của Rafale được hỗ trợ bởi sự kết hợp đa cảm biến-dữ liệu, khiến nó có khả năng ngăn chặn hiệu quả, để chống lại các mối đe dọa truyền thống và phi đối xứng. Tính đến năm 2020, Qatar đã nhận được 15 chiếc Rafale. Phi đội đầu tiên của họ đóng tại Căn cứ Không quân Tamim ở Dukhan.

Năm 2017, Qatar đã ký hợp đồng trị giá 12 tỷ USD với hãng Boeing để mua 36 máy bay chiến đấu F-15QA (Qatar Advanced), được thiết kế riêng cho các yêu cầu hoạt động của Không quân Qatar (QAF). Boeing gần đây đã giao lô F-15QA đầu tiên cho Qatar.

F-15QA được cho là biến thể tiên tiến nhất của dòng F-15 nổi tiếng; phiên bản QA dựa trên F-15SA đang được sản xuất cho Ả Rập Xê Út và có cùng hệ thống điều khiển bay bằng phần mềm.

Mặc dù F-15QA là một thiết kế ra đời từ thập niên 1970, nhưng đây được coi là phiên bản hàng đầu của dòng máy bay này. Biến thể F-15QA đi kèm với các cảm biến được nâng cấp và tăng khả năng mang và sử dụng vũ khí và được đánh giá có khả năng tấn công mặt đất tầm xa vượt trội, làm tăng thêm khả năng sát thương của nó.

F-15QA có khả năng cất cánh đường băng ngắn, cũng như khả năng chịu tải của máy bay lên tới 9G, cho phép phi công thực hiện những động tác cơ động phức tạp, mà không hề ảnh hưởng đến cấu tạo của khung thân máy bay.

Theo Tạp chí quốc phòng nổi tiếng Janes, F-15 QA sẽ được trang bị nhiều loại vũ khí, bao gồm tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9X Sidewinder, tên lửa không đối không tầm trung AIM-120; tên lửa chống hạm AGM-84A Harpoon và bom dẫn đường chính xác Boeing GBU-31 (JDAM).

Qatar có lẽ là lực lượng không quân duy nhất trên thế giới, sẽ sớm có bộ đôi Rafale và Eurofighter Typhoon trong lực lượng không quân của mình. Năm 2017, Doha đã ký hợp đồng trị giá 6 tỷ USD với Anh để mua 24 chiếc Typhoon. Đây là sản phẩm hợp tác của Anh, Đức, Ý và Tây Ban Nha.

Typhoon là loại máy bay chiến đấu đa năng hạng nặng, tầm xa, có khả năng chiếm ưu thế trên không, tấn công trên mặt đất và khả năng bay “siêu hành trình”, khi Typhoon duy trì tốc độ trên Mach 1, mà không cần sử dụng chế độ đốt sau.

Eurofighter Typhoon được trang bị pháo hàng không ổ quay Mauser BK27mm gắn bên trong để không chiến tầm gần và có 13 mấu treo vũ khí dưới cánh và thân, với khả năng mang trọng tải vũ khí lên tới 8 tấn. Chiếc Eurofighter Typhoon đầu tiên dự kiến sẽ được biên chế cho Không quân Qatar vào năm 2022.

Năm ngoái Qatar đã đệ trình yêu cầu chính thức lên Washington về việc mua máy bay chiến đấu tàng hình F-35. Yêu cầu được đưa ra sau một thỏa thuận vào tháng 8/2020 giữa Mỹ và UAE, trong đó Washington đồng ý xem xét cho phép một số quốc gia vùng Vịnh, là đồng minh thân cận mua F-35.

Hợp đồng mua bán tiềm năng của F-35A với Qatar hoặc UAE, được dựa trên thỏa thuận hàng thập kỷ của Mỹ với Israel; trong đó bất kỳ vũ khí nào của Mỹ bán cho các quốc gia Trung Đông, đều không được ảnh hưởng đến “sức mạnh quân sự hàng đầu” của Israel trong khu vực.

Trong khi Mỹ, Anh và Pháp đã cam kết sẽ đào tạo phi công cho Qatar và xử lý các vấn đề về công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật. Nhưng một câu hỏi đặt ra đó là, việc sử dụng quá nhiều loại chiến đấu cơ hiện đại, dẫn đến yêu cầu bảo đảm kỹ thuật rất cao và có thể gặp nhiều thách thức hơn dự đoán.

Hơn nữa, nhiều loại máy bay chiến đấu đến từ các quốc gia khác nhau, có thể là con dao hai lưỡi và có thể dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, Doha không chỉ đối mặt với vấn đề hậu cần mà còn là vấn đề nhân sự.

Với quy mô dân số chỉ khoảng 2,78 triệu người, Qatar sẽ khó khăn khi huy động quân số nếu đất nước có tình huống chiến tranh xảy ra. Với tiềm năng kinh tế và mối quan hệ, việc Qatar sở hữu máy bay chiến đấu hiện đại là không hề khó khăn; nhưng việc khai thác và sử dụng hiệu quả như thế nào số máy bay này, mới là vấn đề khó khăn và phức tạp của QAF. Nguồn ảnh: Pinterest.

Sức mạnh của quân đội Qatar trong cuộc duyệt binh của lực lượng này diễn ra hồi năm ngoái.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/khong-quan-qatar-tu-cau-be-ti-hon-hoa-nguoi-khong-lo-trung-dong-1593510.html