Không nên tịch thu phương tiện vi phạm

Khai mạc hôm 10/4, tuần vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIII đã họp phiên thứ 7, với nội dung chủ yếu là công tác xây dựng pháp luật.

Phiên họp dự kiến diễn ra trong thời gian 10 ngày.

Ngay buổi làm việc đầu tiên, UBTVQH tiếp tục cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự án Luật xử lý vi phạm hành chính. Đây là dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2.

Về mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính, Ủy ban pháp luật của Quốc hội đề xuất lựa chọn phương án: Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính là từ 50.000 đồng đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân, đến 2 tỷ đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại luật khác.

Ủy ban Pháp luật cũng đề xuất phương án giữ nguyên như dự thảo Luật về quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng tối đa không quá hai lần mức phạt tiền chung được áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường, quản lý đô thị tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương. Một số ý kiến đề nghị mở rộng khu vực đô thị áp dụng mức phạt tiền cao hơn nhưng tối đa không quá hai lần mức phạt tiền chung. Một số ý kiến đề nghị tăng nặng hơn mức phạt tiền tối đa trong xử lý vi phạm hành chính.

Liên quan đến vấn đề tịch thu tang vật, giải trình tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, đại diện cơ quan soạn thảo dự án Luật cho rằng, việc tịch thu tang vật vi phạm hành chính cần được xem xét đến bởi phương tiện bị tịch thu là phương tiện bị chiếm đoạt sử dụng trái phép mà chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp có lỗi trong việc để người vi phạm sử dụng.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý đề nghị bỏ phương án tịch thu phương tiện vì sẽ không phù hợp với hàng loạt các quy định trước đây của pháp luật liên quan đến việc sở hữu tài sản. Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu thống nhất phương án không nên quy định tịch thu tang vật mà nên bổ sung quy định khác để vẫn đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật đồng thời đủ sức răn đe đối tượng vi phạm.

Tiếp đó, sáng 11/4, UBTVQH thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật dự trữ quốc gia.

Điều 1 của Dự thảo luật quy định mục tiêu dự trữ quốc gia nhằm phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; hỏa hoạn, dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội, bình ổn thị trường, an sinh xã hội...

Tuy nhiên, qua thảo luận, đa số các thành viên UBTVQH đều cho rằng mục tiêu mà dự án luật đề ra là quá rộng so với nguồn lực dự trữ quốc gia và chưa phù hợp với bản chất của dự trữ quốc gia.

Chiều 11/4, tiếp tục phiên họp lần thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự án Luật Giá và dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Đối với dự án Luật Giá, về hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá (Điều 19), nhiều thành viên UBTVQH đề nghị quy định cụ thể các tiêu chí và xác định ngay trong Luật Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng ban soạn thảo cần tiếp tục thảo luận, rà soát và thống nhất lại danh mục những mặt hàng bình ổn giá và danh mục Nhà nước định giá.

z

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khai mạc Phiên họp thứ Bảy của UBTVQH - ảnh: ĐBND

Đối với dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đa số các thành viên UBTVQH đồng ý với dự thảo Luật về các loại quy hoạch tài nguyên nước, bao gồm quy hoạch tài nguyên nước chung của cả nước, quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh và quy hoạch tài nguyên nước của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Tuy nhiên có ý kiến đề nghị quy định cụ thể các trường hợp, đối tượng phải nộp tiền, không phải nộp tiền khi khai thác tài nguyên nước; cần quy định nguyên tắc, khai thác nước dưới đất hoặc nước mặt ở những nơi khan hiếm nước để kinh doanh thì phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, điều chỉnh dự án Luật để sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngay trong kỳ họp này.

Cùng ngày, Thường trực UB Kinh tế họp phiên mở rộng tại Hà Nội, thẩm tra Báo cáo bổ sung đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT - XH năm 2011; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KT – XH những tháng đầu năm 2012 và Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2011- 2015 và định hướng đến năm 2012.

Tại Phiên họp, các đại biểu cho rằng, Báo cáo cần làm rõ những vấn đề cấp bách đang nổi lên trong những tháng đầu năm 2012, như khả năng đình trệ sản xuất; thanh khoản của nền kinh tế được cải thiện nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn, tín dụng tăng trưởng âm...; từ đó, đưa ra dự báo về tốc độ tăng trưởng năm 2012 và có chính sách điều hành phù hợp để ổn định kinh tế vĩ mô.

Chiều cùng ngày, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã thẩm tra Báo cáo về Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2011- 2015 và định hướng đến năm 2020.

Sáng 12/4, UBTVQH đã nghe Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công với cách mạng.

Đa số ý kiến tán thành với việc UBTVQH ban hành Nghị quyết về chuyên đề giám sát này để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chính sách, pháp luật về người có công trong thời gian tới.

Sắp tới, UBTVQH sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Theo Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, khi đưa ra những chính sách mới, cần tính toán hài hòa giữa những đối tượng đang hưởng chính sách hiện tại với những đối tượng mới được bổ sung vào diện được hưởng chính sách ưu đãi dành cho người có công, nhằm tránh phát sinh những tâm tư, bức xúc giữa những người cùng được hưởng chính sách.

Buổi chiều, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau của dựán Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Một số Ủy viên UBTVQH cho rằng, quy định về giáo dục pháp luật trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác trong hệ thống giáo dục quốc dân như dự thảo Luật là quá cứng và quá nặng, nhất là đối với cấp học mầm non và tiểu học. Do đó, cần bổ sung, sửa đổi những quy định về nội dung giáo dục pháp luật để có thể bảo đảm sẽ cung cấp đủ kiến thức cơ bản cần có với mỗi công dân, cũng như phù hợp với mục tiêu giáo dục, ngành nghề đào tạo.

Ngày 14/4, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tổ chức phiên họp giải trình về việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo trợ xã hội.

Cơ bản nhất trí với báo cáo giải trình của Bộ trưởng, song nhiều thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội còn băn khoăn về các giải pháp thực hiện chính sách pháp luật về bảo trợ xã hội trong thời gian tới.

Phát biểu tại Phiên giải trình, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng khẳng định: chính sách bảo trợ xã hội là hoàn toàn đúng đắn. Song, việc thực hiện chính sách này còn chưa kịp thời; mạng lưới cơ sở hạ tầng thực hiện chính sách bảo trợ xã hội còn yếu... Phó chủ tịch QH đề nghị, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội rà soát lại các văn bản pháp luật về đối tượng được thụ hưởng chính sách bảo trợ xã hội; rà soát, nghiên cứu xây dựng quy chế phối hợp giữa ngành, các tổ chức và đoàn thể nhân dân trong việc thực hiện chính sách này; đồng thời, cần rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chính sách để có giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng thực hiện chính sách bảo trợ xã hội.

Mỹ Hạnh

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/vn/doi-thoai/van-de-hom-nay/426_286708/khong_nen_tich_thu_phuong_tien_vi_pham.html