Không khí lạnh tăng cường, vùng núi phía bắc rét đậm, rét hại

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư cho biết: Trong khi thời tiết các tỉnh Bắc Bộ chưa được cải thiện thì ngày hôm nay (18-1), một bộ phận không khí lạnh đang bổ sung thêm, cho nên khu vực này trời tiếp tục rét, vùng núi rét đậm, có nơi rét hại. Bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh vùng núi phía bắc và khu đông bắc Bắc Bộ khiến nhiệt độ giảm nhẹ 1 đến 20C.

Nông dân xã Nam Trung (Nam Đàn, Nghệ An) phủ ni-lông chống rét cho mạ. Ảnh: QUỲNH LAN

Tại các tỉnh miền trung từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh không khí lạnh tăng cường gây mưa rải rác cho các tỉnh trung Trung Bộ. Gió đông bắc mạnh cấp 2 - 3, vùng ven biển cấp 3 - 4. Tại Nam Bộ thời tiết se lạnh với nền nhiệt 18 đến 200C, một số nơi ở Ðồng Nai có lớp sương mù mỏng bao phủ, nhiệt độ giảm xuống dưới 180C. Trên biển, không khí lạnh tăng cường tác động khiến gió đông bắc tăng cường độ hoạt động. Vịnh Bắc Bộ gió đông bắc mạnh lên cấp 5, sau tăng lên cấp 6, giật cấp 7; biển động. Khu vực Biển Ðông, bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vùng biển ngoài khơi Trung Bộ và Nam Bộ từ chiều nay có gió mạnh lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh.

Theo Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN), sau những ngày lấy nước đổ ải đợt một từ các hồ thủy điện, đã có gần 170 nghìn ha đất nông nghiệp, chiếm hơn 26% tổng diện tích gieo cấy vụ đông xuân của các tỉnh đồng bằng sông Hồng được lấy nước, đổ ải. Cụ thể, các địa phương có nhiều diện tích được lấy nước đổ ải là tỉnh Nam Ðịnh lấy được 71,7% diện tích cấy lúa. Người dân tỉnh Phú Thọ đã lấy được 65% diện tích. Còn tại Hải Phòng, 48% diện tích ruộng đã có nước cho vụ đông xuân. Riêng tại tỉnh Ninh Bình người dân đã lấy được 34,3% diện tích. Tỉnh Hà Nam mới lấy được 24%. Ðến ngày 17-1, diện tích lấy nước đổ ải đợt một phục vụ sản xuất lúa xuân của tỉnh Thái Bình đạt hơn 10 nghìn ha/80.500 ha. Ðịa phương sẽ tập trung vào đợt lấy nước đổ ải lần hai (từ 25-1 đến 6-2) để cấp nước cho toàn bộ diện tích gieo cấy. Còn đợt nước thứ ba được dự trữ trong các hồ chứa phục vụ cho khâu chăm sóc lúa trong tháng 3 và tháng 4. Các địa phương như tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh cũng đã bắt đầu lấy nước đổ ải trong đợt một, tuy nhiên, diện tích được lấy nước còn thấp. Hiện nay, mực nước sông Hồng tại Hà Nội vẫn được duy trì ở mức từ 2,3 đến 2,6 m và tổng lượng nước xả từ các hồ thủy điện về cuối hạ du đạt khoảng 1,4 tỷ m3, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương bơm nước đổ ải.

Ðợt rét vừa qua tỉnh Ðiện Biên đã có 139 con trâu, bò bị chết. Giá rét cũng làm 26 ha lúa vụ đông xuân bị chết, hơn 480 ha bị ảnh hưởng. Cây cà-phê trên địa bàn không bị chết mà chỉ bị ảnh hưởng héo lá non với diện tích 150 ha ở khu vực không có cây che bóng tại huyện Mường Ảng.

Ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang phối hợp với các ngành chức năng hữu quan kiểm tra, xử lý phân bón lá nhãn hiệu NOGI 36 SUPER-ROOT ra rễ cực nhanh, loại 500 ml/chai đang bán trên thị trường là loại phân giả, không có giá trị sử dụng. Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có Quyết định số 640/QÐ-TT-ÐPB, về việc loại bỏ 6 loại phân bón đã được công nhận trước đó. Cụ thể: Phân bón lá PROFIT NPK (33-11-11); phân bón lá PROFIT NPK (30-20-10); phân bón lá PROFIT NPK (20-30-20); phân bón lá PROFIT NPK (10-60-10); phân VSV sinh hóa (TRACATU) chuyên rau; phân bón lá VT-TEPRO cho cây ngắn ngày.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/22173802-khong-khi-lanh-tang-cuong-vung-nui-phia-bac-ret-dam-ret-hai.html