Không khí lạnh mạnh tràn về đúng dịp tiết Đại hàn, khả năng rét đậm kéo dài

Khoảng ngày 21/1, một đợt không khí lạnh có cường độ mạnh có thể tràn xuống nước ta. Đây cũng là ngày bắt đầu vào tiết Đại hàn nên khả năng đợt rét này kéo dài nhiều ngày, có mưa nhỏ.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đêm qua và sáng sớm nay (17/1), ở khu vực Tây Bắc và Việt Bắc đã có mưa rào và giông, cục bộ có mưa to. Lượng mưa tính từ 19h tối qua đến 7h sáng nay có nơi trên 25mm như: Chăn Nưa 2 (Lai Châu) 52.2mm, Chung Chải (Điện Biên) 26.2mm, Tả Giàng Phình (Lào Cai) 26.4mm, Nguyễn Trãi (Hà Giang) 28mm,…

Dự báo ngày và đêm nay, ở khu vực Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang tiếp tục có mưa rào và rải rác có giông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 50mm. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.

Trong khi đó, khu vực đồng bằng Bắc Bộ đã giảm mưa. Từ đêm 17 đến 18/1, có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều hửng nắng. Sáng sớm và đêm trời rét.

Tuy nhiên, hình thái thời tiết trên sẽ không kéo dài lâu khi khoảng cuối tuần này, ngày 21/1, sẽ có đợt không khí lạnh có cường độ mạnh tràn xuống nước ta.

Cơ quan khí tượng cho biết, do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh này nên ở Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An, từ đêm 20-23/1 có mưa. Từ đêm 20/1 trời chuyển rét, từ khoảng 22/1 có khả năng rét đậm, rét hại; vùng núi cao có thể xảy ra băng giá, mưa tuyết.

Đáng lưu ý, đợt không khí lạnh mạnh này có thể kéo nền nhiệt tại Bắc Bộ xuống ngưỡng thấp, có nơi dưới 12 độ tại đồng bằng.

Thời tiết 10 ngày tới tại thủ đô Hà Nội. Nguồn: NCHMF

Theo bảng trên có thể thấy, thời tiết thủ đô Hà Nội sẽ rét nhất vào ngày 23/1 khi nền nhiệt hạ còn ở mức 9-11 độ, sau đó tăng dần lên 14 độ.

Ngoài ra, khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định, từ khoảng 21-25/1 cũng có mưa, mưa rào rải rác. Từ 21/1, phía Bắc trời chuyển rét.

Đợt không khí lạnh lần này xuất hiện đúng vào tiết Đại hàn (21/1), nên được dự báo nhiều khả năng sẽ có cường độ mạnh và kéo dài nhiều ngày.

Theo các chuyên gia, tiết khí Đại hàn năm 2024 bắt đầu vào thứ 7 ngày 20/1 (nhằm ngày 10/12 âm lịch). Tiết khí này kéo dài đến khoảng thứ 7 ngày 3/2 (nhằm ngày 24/12 âm lịch). Tiết khí Đại hàn là khoảng thời gian lạnh lẽo nhất trong năm.

Nhận định về tình hình rét, Trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, đợt không khí lạnh từ khoảng ngày 21-22/1 mang tính chất lạnh khô nhiều hơn ẩm nhưng vẫn gây mưa làm nhiệt độ giảm, trời rét.

Theo các chuyên gia, đợt không khí lạnh tràn về đúng dịp tiết Đại hàn nhưng chỉ gây lạnh ở phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Nhiệt độ ở khu vực Nam Trung Bộ, đặc biệt các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Nam Bộ không bị ảnh hưởng bởi đợt không khí lạnh này. Đây là một điển hình thời tiết trong năm có El-Nino.

Trước đó, Trưởng phòng dự báo thời tiết Nguyễn Văn Hưởng cũng cho biết, từ nay đến Tết Nguyên Đán 2024 là nằm trong chu kỳ chính Đông nên không khí lạnh sẽ gia tăng về cường độ và tần suất.

Nhưng theo nhận định, hoạt động của không khí lạnh thời kỳ này có khả năng yếu hơn so với trung bình nhiều năm nên số ngày rét đậm, rét hại ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Các chuyên gia vẫn cảnh báo, cần đề phòng các đợt không khí lạnh có cường độ mạnh (đặc biệt trong nửa cuối tháng 1-2/2024) gây rét đậm, rét hại trên diện rộng và băng giá, sương muối ở khu vực vùng núi khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Ngoài ra, số ngày mưa nhỏ, mưa phùn ở khu vực Bắc Bộ trong mùa Đông Xuân 2023-2024 có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm. Các tỉnh ven biển từ Tiền Giang tới Kiên Giang cần đề phòng hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra ngay sau Tết âm lịch.

Bảo Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/khong-khi-lanh-manh-tran-ve-dung-dip-tiet-dai-han-kha-nang-ret-dam-keo-dai-2240303.html