Không hiểu biết pháp luật hay cố tình khiếu kiện kéo dài?

Mặc dù sự việc diễn ra từ năm 2016, 2017, đã được cơ quan chức năng và UBND huyện, tỉnh xem xét, kết luận rõ ràng, song đến nay trên địa bàn huyện Lục Nam (Bắc Giang) vẫn có 3 công dân thường xuyên gửi đơn thư khiếu nại đến nhiều nơi, gây mất an ninh trật tự. Phải chăng, 3 công dân này không hiểu biết pháp luật hay cố tình khiếu kiện kéo dài, gây áp lực cho chính quyền để được giải quyết theo ý muốn cá nhân?.

Bà Dương Thị Du thông tin với phóng viên về thửa đất bà cho rằng đang bị người khác lấn chiếm.

Bà Dương Thị Du thông tin với phóng viên về thửa đất bà cho rằng đang bị người khác lấn chiếm.

Sự việc đã rõ

Từ năm 2017 đến nay, bà Dương Thị Du (SN 1959), trú tại thôn Mã Tẩy, xã Nghĩa Phương (Lục Nam) thường xuyên có đơn khiếu kiện với các nội dung: Gia đình ông Vũ Quốc Việt (cùng thôn) lấn chiếm đất của gia đình bà đã mua của UBND xã Nghĩa Phương từ năm 2005. Theo bà Du, phần diện tích này UBND huyện Lục Nam cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho gia đình ông Việt năm 2015 là trái quy định (hiện thửa đất này đã được vợ chồng ông Việt tặng lại cho vợ chồng con trai là Vũ Quốc Tiệp); đề nghị thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ để trao trả diện tích đất đã lấn chiếm cho gia đình bà và bố trí đường đi vào diện tích đất này.

Những kiến nghị của bà Du đã được UBND tỉnh, huyện Lục Nam và Tòa án Nhân dân tỉnh có văn bản trả lời không đủ cơ sở để giải quyết. Bởi vì, không có chuyện hộ ông Việt lấn chiếm đất của bà Du; xã Nghĩa Phương vẫn để lối vào thửa đất này từ trước, không thể mở mới lối đi qua hộ khác.

Bà Du còn có đơn đề nghị UBND huyện Lục Nam xem xét giải quyết cho hộ ông Phạm Đăng Thảo (con trai bà Du) được chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở tại thôn Mã Tẩy mà không phải nộp tiền sử dụng đất. Bà Du cho rằng, đây là đất hoang hóa nên không phải nộp tiền sử dụng. Thực tế, diện tích đất này được hộ bà Du mua lại của một hộ dân ở cùng thôn vào năm 2017. Trong khi đó, năm 2014, thửa đất đã được UBND huyện cấp giấy chứng nhận QSDĐ chuyển đổi từ đất hoang hóa sang đất trồng cây lâu năm rồi. Vì thế, không thể nói thửa đất của con trai bà Du hiện là đất hoang hóa.

Cũng như bà Du, từ năm 2016 đến nay, bà Trần Thị Lâm (SN 1964), trú tại thôn Ry, xã Vô Tranh thường xuyên gửi đơn đến cơ quan chức năng kiến nghị việc UBND huyện Lục Nam thu hồi 3 thửa đất của gia đình bà để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 293, tuyến nhánh 2 (Vô Tranh - Đông Triều) không đúng quy định. Bà Lâm đề nghị huyện tính giá bồi thường cao hơn cho cả 3 thửa đất trên bằng việc áp theo loại đất ở chứ không tính theo đất nông nghiệp trồng cây lâu năm.

Ông Vũ Xuân Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện Lục Nam cho biết: “Qua xem xét thực tế và căn cứ vào quy định của pháp luật, các cấp chính quyền đã điều chỉnh hỗ trợ bồi thường GPMB một thửa theo mức đất ở. Hai thửa đất còn lại của bà Lâm không thể tính theo giá đất ở bởi một thửa chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, vẫn là đất hoang hóa; một thửa đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ ghi rõ là đất nông nghiệp trồng cây lâu năm”.

Thửa đất có nhà ở của con trai bà Dương Thị Du đang được bà kiến nghị cấp giấy chứng nhận từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở nhưng không thu tiền.

Thửa đất có nhà ở của con trai bà Dương Thị Du đang được bà kiến nghị cấp giấy chứng nhận từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở nhưng không thu tiền.

Tương tự, từ năm 2017 đến nay, bà Nguyễn Thị Minh (SN 1970), trú tại tổ dân phố Thanh Bình, thị trấn Đồi Ngô cũng thường xuyên gửi đơn và đến các cơ quan chức năng khiếu kiện một số nội dung. Trong đó có việc không nhất trí với đơn giá bồi thường GPMB đã phê duyệt để thực hiện dự án Khu đô thị Đồng Cửa; đồng thời đề nghị giao cho bà 1 lô đất tại dự án này. Cả 2 nội dung này đều không có cơ sở để xem xét, giải quyết.

Gây áp lực, đòi hỏi vô lý

Ông Nguyễn Văn Song, Phó Chánh Thanh tra huyện Lục Nam cho biết: “Những nội dung kiến nghị của 3 công dân trên, đến nay đã được các cơ quan chức năng của địa phương xem xét giải quyết và trả lời bằng văn bản theo quy định, do đó sẽ không xem xét, giải quyết khác ”.

Theo thông tin từ Công an tỉnh, từ năm 2020 đến nay, nhất là lợi dụng khoảng thời gian diễn ra đại hội đảng bộ các cấp, bà Trần Thị Lâm và Dương Thị Du cùng với số công dân khiếu kiện trên địa bàn tỉnh thường xuyên tụ tập thành nhóm đông người lên tỉnh và Hà Nội gửi đơn, trương băng rôn, khẩu hiệu với mục đích tạo sự chú ý, gây sức ép với chính quyền để được giải quyết vụ việc theo ý kiến cá nhân.

Gần đây nhất, ngày 22/2/2022, tại hội nghị công khai kết quả kiểm tra việc thực hiện Kết luận số 3537/KL-UBND ngày 16/7/2021 và Thông báo số 303/TB-UBND ngày 15/7/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh được UBND huyện Lục Nam tổ chức tại thôn Mã Tẩy (xã Nghĩa Phương), bà Du đã lôi kéo số công dân khiếu kiện trên địa bàn, trong đó có bà Trần Thị Lâm và Nguyễn Thị Minh để gây áp lực, không đồng ý với việc triển khai hội nghị, tự ý bỏ về nhưng sau đó tuyên truyền với người dân trong thôn là bị đuổi về.

Từ tháng 8/2021 đến nay, bà Nguyễn Thị Minh cùng với các công dân khiếu kiện nhiều lần tập trung tại khu vực trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh để gửi đơn khiếu kiện. Trong quá trình đeo bám khiếu kiện ở trụ sở UBND tỉnh và tại các phiên tiếp dân tỉnh, bà Minh đã có lần không tuân thủ nội quy, quy định tại địa điểm tiếp công dân, mục tiêu bảo vệ và hướng dẫn của lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, có lời nói to tiếng, gây mất trật tự.

Tác giả làm việc với bà Nguyễn Thị Minh tại trụ sở UBND thị trấn Đồi Ngô.

Tác giả làm việc với bà Nguyễn Thị Minh tại trụ sở UBND thị trấn Đồi Ngô.

Ông Đặng Văn Nhàn, Chủ tịch UBND huyện Lục Nam khẳng định, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát các vụ việc khiếu kiện của 3 công dân trên nhiều lần, tích cực tuyên truyền, vận động và xem xét vận dụng quy định pháp luật để giải quyết theo hướng có lợi nhất đối với công dân nhưng 3 công dân này vẫn không đồng thuận.

Theo Luật Khiếu nại năm 2011, việc khiếu nại là quyền của mỗi công dân để đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, Luật cũng nghiêm cấm công dân cố tình khiếu nại sai sự thật; kích động, xúi giục, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác tập trung đông người khiếu nại, gây rối an ninh trật tự công cộng…

Thực tế cho thấy, cả 3 công dân trên đều đã được các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và các tổ chức chính trị xã hội nhiều lần đối thoại, tuyên truyền, vận động, giải thích về những chính sách, chế độ liên quan. Tiếc thay, đến nay các công dân này vẫn tiếp tục có đơn thư khiếu kiện, không thực hiện các kết luận của cơ quan có thẩm quyền. Không những vậy, còn có biểu hiện lôi kéo người khác tham gia khiếu kiện… Những hành vi này cần bị lên án và cơ quan chức năng có biện pháp xử lý cương quyết, dứt điểm, tạo sự răn đe, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Bài, ảnh: Nam Bình

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/chinh-tri/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/381707/khong-hieu-biet-phap-luat-hay-co-tinh-khieu-kien-keo-dai-.html