Không gửi bản tự công bố tới cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp bị xử phạt ra sao

Theo Điều 20 Nghị định 115/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp không nộp bản tự công bố sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Hiện nay, cụm từ thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe,… đã không còn xa lạ với người dân khi trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều mặt hàng này. Thế nhưng, để một mặt hàng nói chung và mặt hàng thực phẩm nói riêng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào được bán và lưu thông trên thị trường đều cần phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, chứng minh được cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm về sản phẩm đó. Đây được coi là những điều kiện cần thiết về cơ sở pháp lý đầu tiên phải có.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong thủ tục pháp lý đồng thời vẫn phải đảm bảo sức khỏe người dân, người tiêu dùng Nghị định số 15/2018/NĐ-CP đã ra đời. Nghị định này nhằm xác nhận là sản phẩm có chất lượng tốt, không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Đồng thời sản phẩm được đưa ra thị trường sẽ nhanh chóng tiếp cận, lấy được sự tin tưởng từ khách hàng. Từ đó, doanh nghiệp tạo dựng được uy tín, tăng khả năng cạnh tranh với đối thủ, đẩy mạnh doanh số bán hàng, tăng doanh thu. Để đạt được điều này, bắt buộc doanh nghiệp phải có đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc doanh nghiệp tự công bố sản phẩm theo quy định pháp luật.

Vậy làm thế nào để phân biệt Tự công bố sản phẩm và Đăng ký bản công bố sản phẩm?

Căn cứ Điều 4, Điều 6 Nghị định 15/2018/NĐ-CP đối tượng Tự công bố sản phẩm sẽ áp dụng cho: Thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn; các loại phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến sản phẩm; dụng cụ chứa thực phẩm; vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

Còn các đối tượng sản phẩm phải Đăng ký bản công bố sản phẩm gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ từ 0-36 tháng tuổi; phụ gia thực phẩm có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định.

Theo phản ánh của Pháp luật Plus ở kỳ trước, Công ty cổ phần thương mại quốc tế HT Natural (Công ty HT Natural) do bà Phạm Thanh Hằng và bà Lê Thị Ánh Tuyết đồng sáng lập đã và đang bán lưu hành một số sản phẩm Tự công bố ra thị trường.

Trước thực tế, theo điều 5 của Nghị định 15/2018/NĐ-CP hai sản phẩm Cốm giảm cân Hanzikii và Thực phẩm bổ sung viên uống Zikii do Công ty HT Natural đang phân phối phải tự Công bố chất lượng sản phẩm thông qua sự chấp thuận của cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt mới được lưu thông sản phẩm ra thị trường.

Thông tin với Pháp luật Plus, đại diện Cục An toàn thực phẩm cho biết: "Từ khi Nghị định 15 có hiệu lực Cục An toàn thực phẩm chưa cấp sản phẩm nào có tên như Phóng viên phản ánh”.

Để chắc chắn thêm thông tin, Pháp luật Plus đã liên hệ với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, đơn vị này xác nhận: “Qua rà soát trên hệ thống quản lý Tự công bố sản phẩm của Chi cục chưa có bất cứ sản phẩm nào có tên như phóng viên thông tin. Theo nguyên tắc doanh nghiệp Tự công bố sản phẩm sẽ phải gửi (hồ sơ) lên cơ quan chức năng nắm bắt và quản lý được, đối với sản phẩm chưa gửi công bố lên cơ quan chức năng có nghĩa doanh nghiệp đó chưa công bố sản phẩm và chưa được phép đưa sản phẩm ra thị trường”.

Theo Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh cho biết:

- Liên quan đến việc bán, lưu hành phân phối đối với sản phẩm tự công bố Căn cứ điểm b, Điều 7 Nghị định 15/2018/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 và khoản 1 Điều 3 Nghị định 155/2018/NĐ-CP) quy định về hồ sơ đăng ký tự công bố sản phẩm cũng chỉ rõ: “Ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức, cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó.

- Đối với trường hợp vi phạm quy định về tự công bố sản phẩm theo Điều 20 Nghị định 115/2018/NĐ-CP sẽ bị:

1. Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không thực hiện thông báo, đăng tải, niêm yết bản tự công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật; không nộp 01 bản tự công bố sản phẩm đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; không lưu giữ hồ sơ đã tự công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật; tài liệu bằng tiếng nước ngoài trong hồ sơ tự công bố sản phẩm không được dịch sang tiếng Việt và không được công chứng theo quy định.

2. Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây về sử dụng phiếu kết quả kiểm nghiệm để tự công bố sản phẩm: Phiếu kết quả kiểm nghiệm đã hết hiệu lực; phiếu kết quả kiểm nghiệm không đầy đủ chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; phiếu kết quả kiểm nghiệm có ít nhất một trong các chỉ tiêu an toàn thực phẩm không phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn tương ứng hoặc không phù hợp quy định của pháp luật; phiếu kết quả kiểm nghiệm được cấp bởi phòng kiểm nghiệm không được chỉ định hoặc không được công nhận phù hợp ISO 17025; phiếu kết quả kiểm nghiệm không phải là bản chính hoặc bản sao chứng thực.

3. Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm có ít nhất một trong các chỉ tiêu an toàn thực phẩm không phù hợp với mức quy định tại quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định của pháp luật tương ứng hoặc mức công bố hoặc mức ghi trên nhãn đối với sản phẩm không có bản tự công bố sản phẩm; nội dung yêu cầu về an toàn thực phẩm tự công bố không phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn tương ứng hoặc không phù hợp quy định của pháp luật.

4. Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm mà không có bản tự công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật; tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện phải đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật.

5. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, nhập khẩu thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại các khoản 3 và 4 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi thực phẩm đối với vi phạm quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này; buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều này; buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với vi phạm quy định tại khoản 2, điểm b khoản 3 và điểm b khoản 4 Điều này.

Nhiều cơ sở spa, dược sĩ các hiệu thuốc đang bày bán, đăng tải sản phẩm nhãn hiệu Zikii lên mạng xã hội.

Như hình ảnh nêu trên, có thể thấy một số nhân vật mặc áo blouse cầm trên tay sản phẩm của Công ty HT Natural để giới thiệu quảng bá sản phẩm.

Vậy tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, có quy định về việc này hay không?

Tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định rõ: “Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.

Việc các cơ sở bán lẻ thuốc được phép kinh doanh thực phẩm chức năng, nhưng phải bày ở khu vực riêng là thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư 46/2011/TT-BYT. Thế nhưng, trong trường hợp thực phẩm chức năng bán tại cơ sở bán lẻ thuốc mà không có giấy công bố sản phẩm, nguồn gốc sản phẩm trước khi bán, kinh doanh theo quy định của pháp luật về kinh doanh thực phẩm chức năng nếu xảy ra sự cố thì ai sẽ chịu trách nhiệm?

Về vấn đề này, đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết: “Theo quy trình sẽ xác minh vụ việc, căn cứ vào quy định mới quy trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân nào”.

Từ sự việc nêu trên, Pháp luật Plus đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc kiểm tra các sản phẩm nhãn hiệu Zikii đang được Công ty HT Natural lưu hành trên thị trường.

Để tránh những hệ lụy gặp phải khi kinh doanh, sử dụng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đầy đủ giấy tờ người bán, cũng như người tiêu dùng có thể truy cập vào https://nghidinh15.vfa.gov.vn tìm kiếm thông tin tên công ty và sản phẩm mình trước khi quyết định, nếu không tìm thấy thông tin sản phẩm hoặc phát hiện các trường hợp làm giả hoặc hàng không đảm bảo có thể liên hệ tới cơ quan chức năng nơi gần nhất để được hỗ trợ.

Xuân Thành

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/khong-gui-ban-tu-cong-bo-toi-co-quan-quan-ly-nha-nuoc-doanh-nghiep-bi-xu-phat-ra-sao-d187867.html