Không gian công cộng đang ngày càng thu hẹp

Mặc dù nhu cầu về không gian công cộng để vui chơi, thư giãn, thể dục thể thao... của người dân Hà Nội là rất lớn, rất bức thiết và ngày càng tăng (cùng với việc tăng dân số và các khu nhà ở mới), song không gian công cộng tại Thủ đô lại ngày càng bị thu hẹp vì phải 'nhường chỗ' cho nhiều dịch vụ khác...

Không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm chật kín người đến vui chơi (Ảnh: PV)

Vào những ngày nghỉ hay các buổi chiều tối, tại công viên Bách Thảo, Cầu Giấy, Thống Nhất, Nghĩa Đô và không gian đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm... thường chật kín người. Thực tế này cho thấy người dân đô thị luôn khao khát các không gian công cộng phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, thư giãn...

HÀNG QUÁN, BÃI GỬI XE "MỌC" LÊN NHƯ NẤM

Theo một số cư dân sinh sống khu vực Phúc Tân, Hàm Tử Quan, Chương Dương, hồ Hoàn Kiếm là địa điểm rộng rãi để người dân Thủ đô có thể tới hóng mát nhưng lượng người đổ về đây quá đông, lại kéo theo hàng quán, bãi gửi xe mọc lên như nấm vào dịp cuối tuần, khiến không gian sinh hoạt chung của cả trẻ con lẫn người lớn vốn chật hẹp lại càng trở nên ngột ngạt. Do vậy, nhiều người thường tỏa đi kiếm nơi khác thoáng đãng hơn.

“Nhiều hôm thời tiết nóng nực, không ít người bất chấp cảnh báo mà tụ tập vui chơi dọc lan can cầu Long Biên, gây cản trở giao thông và rất nguy hiểm đối với người đi đường”, bà Lưu Thanh, cư dân sống trên đường Hồng Hà, phường Phúc Tân kể.

Vào dịp cuối tuần, các điểm trông xe "mọc" lên như nấm (Ảnh: PV).

Không chỉ hồ Hoàn Kiếm mà ở khu vực hồ Tây, đặc biệt trên con phố Nguyễn Đình Thi, cứ đến tối, một số hàng quán sắp ghế “xí chỗ” tràn lên cả khu vực người dân tập thể dục, hay ghế đá vườn hoa. Ông Thành, bà Liên sống ở đường Thụy Khuê chia sẻ: “Đây là chuyện thường ngày ở “huyện”. Tối nào chả vậy, người dân tập thể dục quanh hồ đôi khi phải đi tràn xuống lòng đường. Nhất là những ngày lễ, “các thượng đế” được trải chiếu ngồi la liệt. Có người tập mệt, nhỡ ngồi ghế đá còn bị đuổi”.

Những chiếc ghế được chủ quán đặt sẵn để "xí chỗ" trong không gian chung ven hồ Tây (Ảnh: PV).

Tương tự, khu vực phố Nguyễn Công Trứ, phố Tạ Quang Bửu, đường Thành Công… cũng có hiện tượng sân chơi chung ở một số khu tập thể bị một nhóm người sử dụng vào mục đích riêng. Chỗ chơi cho trẻ em, chỗ tập dưỡng sinh cho người già, hay đơn giản khoảng không gian để dăm ba chiếc ghế đá cũng bị lấn chiếm. Chị Thu Thủy, một người sống ở khu tập thể quanh phố Nguyễn Công Trứ, chia sẻ rằng thiếu khoảng không gian vui đùa, bọn trẻ đi học về lại ngồi xem tivi, chơi điện tử. Vài cháu không có sân đá bóng liền mang bóng lên vỉa hè gần mặt đường để chơi. “Hoạt động thể thao không đúng nơi đúng chỗ, không chỉ tiềm ẩn nguy cơ cho chính các cháu mà còn có thể gây hại tới người khác”, chị Thủy bình luận.

Đánh giá thực trạng không gian công cộng của đô thị hiện nay, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng phải xem xét đồng bộ tất cả các mục tiêu. Một là, không gian khai thác thường xuyên hàng ngày bao gồm sân chơi, vườn hoa với quy định ít nhất phải 2m2/người. Hai là, không gian của khu vực và thành phố sử dụng định kỳ. Căn cứ vào quy hoạch thì qua kiểm tra sơ bộ các dự án cho thấy, không gian cấp khu vực và cấp thành phố ít được quan tâm, chú ý. Nếu người dân muốn khai thác để tập thể dục thể thao còn có thể được, chứ khai thác định kỳ tổ chức sự kiện, hoặc không gian vui chơi giải trí sẽ rất khó.

Ông Nghiêm nhận xét quỹ đất phục vụ không gian công cộng của thành phố đang thấp so quy định. Trong 12 quận nội thành, chỉ khoảng 5m2 cây xanh/người. Trong khi yêu cầu tối thiểu với đô thị loại đặc biệt như Thủ đô là 7m2 cây xanh/người, ngay trong các quy hoạch, chúng ta đều phấn đấu từ 11-15 m2 cây xanh/người nhưng thực hiện được là một thách thức lớn.

PHÁT TRIỂN MẠNH CÔNG VIÊN CẤP KHU VỰC VÀ THÀNH PHỐ

Theo ông Nghiêm, cần rà soát lại tất cả dự án tại khu dân cư hiện hữu gồm vườn hoa, cây xanh kèm tiêu chí 2m2/người. Đẩy mạnh công viên cấp khu vực, cấp thành phố nhằm đảm bảo thành phố xanh văn hiến, văn minh.

“Năm 2016, thành phố có quy hoạch về công viên cây xanh với hàng loạt chỉ tiêu. Trong đó đưa ra chỉ tiêu hơn 7.000 ha làm công viên cây xanh. Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện gặp nhiều khó khăn. Gần đây nhất, để giải quyết yêu cầu trước mắt, thành phố đã có kế hoạch chỉnh trang lại công viên, xây dựng kết hợp chỉnh trang công viên hiện có như công viên Thống Nhất, công viên Hòa Bình, công viên Tuổi trẻ nhằm tạo thuận lợi cho người dân", ông Nghiêm cho biết, đồng thời nhận định rằng để đẩy mạnh không gian xanh, Thành phố nên có ưu đãi về nguồn vốn ngân sách. Ngoài ra, cũng phải huy động nguồn lực xã hội cùng sức mạnh của hệ thống chính trị, đoàn thể… tham gia xây dựng đường phố xanh, sân chơi cho người dân.

Còn theo KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra Hội Kiến trúc sư Hà Nội, để bảo đảm cho mạng lưới khu vui chơi công cộng thật sự là địa điểm văn minh, sạch đẹp, an toàn, trật tự, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh thực hiện những biện pháp khả thi trong quản lý, sử dụng, bảo vệ các công trình.

Đồng thời tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân đối với việc chấp hành quy chế, nội quy sinh hoạt ở nơi công cộng, mặt khác tăng cường biện pháp, chế tài xử phạt người vi phạm nếp sống văn minh. Có như vậy, diện mạo của hệ thống công viên, vườn hoa, nơi vui chơi công cộng của Thủ đô Hà Nội mới thật sự thay đổi, chất lượng đời sống của người dân được nâng cao.

Cũng theo KTS Ánh, "trẻ con luôn thiếu chỗ để chơi" - điệp khúc được nói đi nói lại nhiều năm nhưng vẫn không có gì thay đổi. Chúng ta biết rằng, trong khi trẻ con ít chỗ chơi thì một số tuyến phố đi bộ làm ra lại biến thành chợ, nhưng chúng đang trở nên vắng vẻ, ế ẩm. Vậy, hãy nghĩ đến việc biến một phần các chợ này thành không gian cho trẻ.

“Tất cả những phố như Trịnh Công Sơn, phố ẩm thực Trần Nhân Tông… kể cả phố sắp mở ở Cát Linh, Văn Miếu… nếu một phần nơi đây thành sân chơi, những cuộc hội thao, những sân đá bóng nhỏ cho trẻ với sự tham gia của người lớn… sẽ làm giảm áp lực tập trung vào một chỗ và người dân không phải di chuyển xa, phương tiện đến trung tâm cũng bớt đi. Như thế chắc chắn hạn chế phần nào sự nhốn nháo. Bên cạnh đó, với một số công viên đã giao cho chủ đầu tư, nếu quá thời hạn thì xem xét, giao lại tổ chức xã hội nhằm phát triển không gian xanh cho người dân Thủ đô”, chuyên gia nêu.

Thanh Xuân

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/khong-gian-cong-cong-dang-ngay-cang-thu-hep.htm