Không được thương mại hóa Hội đua bò Bảy Núi

Với số tiền thưởng dành cho nhà vô địch lên đến 30 triệu đồng, có thể nói Hội đua bò Bảy Núi tranh Cúp Truyền hình An Giang lần thứ 24 - 2017 đã vượt trội về giá trị kinh tế so với cách tổ chức truyền thống. Nhưng đằng sau sự hào nhoáng, không ít người lo ngại, giá trị của loại hình văn hóa thể thao lâu đời của đồng bào Khmer Bảy Núi (huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, tỉnh An Giang) có thể bị mai một nếu bị thương mại hóa.

“Xấu lạ” với đường đua dưới mặt ruộng tại Hội đua bò Bảy Núi tranh cúp Truyền hình An Giang lần thứ 24-2017.

Cần giữ lại nét văn hóa quý

Sau một ngày tranh tài, Hội đua bò Bảy Núi lần thứ 24 - 2017 đã kết thúc với phần thưởng giải vô địch lên đến 30 triệu đồng. Đây được xem như “bước tiến vật chất” so với sân chơi truyền thống do nhà chùa tổ chức với phần thưởng chỉ là sợi dây cà tha (dùng để đeo lên cổ đôi bò).

Tuy nhiên, đằng sau sự phú quý này là sự giật lùi giá trị văn hóa truyền thống. “Xốn mắt” nhất chính là sự “hạ cấp” sân chơi đua bò theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Theo truyền thống, sân đua bò là mặt ruộng trên nền đất cát núi ngập nước khoảng 0,2m. Điều này không chỉ là sự tái hiện cội nguồn của môn chơi: Vào ngày mùa, chủ các đôi bò trong phum, sóc đến cày ruộng cho nhà chùa, rồi thi nhau xem đôi nào nhanh hơn..., mà còn giúp đôi bò có thể lướt bừa nhẹ nhàng vừa tạo ra những chùm hoa nước lấp lánh, vừa đẹp mắt người xem.

Tuy nhiên, điều này đã hoàn toàn biến mất tại Hội đua bò Bảy Núi năm 2017. Do năm nay không tổ chức trên sân đua truyền thống ở chùa Tà Miệt (xã Lương Phi, Tri Tôn), mà tận dụng sân vận động huyện Tri Tôn, Ban Tổ chức đã cho đào sâu xuống cả mét xung quanh khu vực sân để tạo đường đua thay cho việc gia cố sân, giữ nước. Vì vậy, nhìn từ bên ngoài đã có sự khác biệt rất xa.

Mặt khác, việc đào đắp chỉ mới được thực hiện không lâu trước ngày khai mạc, nền thiếu sự ổn định cần thiết và hậu quả là độ ngập trên đường đua không đồng đều: Nơi ngập sâu, nơi cạn trơ đất. Đặc biệt là chỉ sau vài vòng đấu đã xuất hiện nhiều hố sâu nguy hiểm, các đôi bò liên tiếp xảy ra sự cố buộc Ban Tổ chức phải bỏ hẳn đoạn sân từ góc sân rộng bò đến góc sân xuất phát. Điều này càng khiến cho cuộc đua theo phương thức “rút gọn mới”: Thực hiện cả vòng “hô” (chạy chậm) và vòng “thả” (chạy với tốc độ cao) chỉ còn trong 3/4 sân đấu, trở nên xa lạ với truyền thống.

Ông Phạm Tấn Đức - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm VHTT huyện Tri Tôn - người có nhiều năm trực tiếp tổ chức Giải đua bò Bảy Núi - bức xúc: Theo truyền thống, từng đôi bò thi đấu theo phương thức loại trực tiếp sau 3 vòng sân. Trong đó gồm 2 vòng “hô”, 1 vòng “thả”. Con số này được nhiều thế hệ trải nghiệm, đúc kết và công nhận vì tính khoa học, hợp lý của nó. Bởi tuy có tốc độ khác nhau, nhưng mỗi vòng có giá trị đặc thù.

Trong đó, vòng “hô” là để khẳng định khả năng khéo léo của người điều khiển đôi bò. Bởi ở vòng này, nếu đôi bò đi sau đạp lên hoặc vượt lên đôi bò đi trước là xem như phạm quy, bị loại, nên người điều khiển phải hết sức tinh mắt và bình tĩnh xử lý tình huống... Còn vòng “thả” lại thể hiện khả năng điều phối sức bò của người điều khiển. Nếu tăng tốc quá sớm, bò sẽ đuối sức ở điểm về đích. Ngược lại, tăng tốc chậm sẽ không theo kịp đối phương. Vì vậy theo ông Đức, việc rút ngắn vòng đấu có thể đáp ứng được nhu cầu truyền hình quảng bá của nhà tài trợ, nhưng lại không chuyển tải được giá trị văn hóa truyền thống cũng như nhu cầu hưởng thụ của người xem.

Đó là chưa kể đến sự bất tiện của khán giả khi phải xem bò đua từ đường đua nằm sâu dưới mặt sân, không chỉ khó thưởng ngoạn những cảnh tăng tốc đẹp, mà còn như mù tầm nhìn khi đôi bò di chuyển sang bên kia sân.

Đừng để kinh tế thế dần văn hóa

Diễn ra trong dịp lễ Dol-ta (Lễ thờ cúng ông bà), thoạt nhìn, Hội đua bò Bảy Núi lần thứ 24 - 2017 rất có ý nghĩa với đồng bào Khmer Bảy Núi. Tuy nhiên, nếu nhìn vào chuỗi sự việc thì vấn đề hoàn toàn khác...

Từ năm 2013, Báo Lao Động đã có bài “Đua bò Bảy Núi bên bờ vực mất trắng” phản ánh nạn khai thác áp đặt đã để các yếu tố kinh tế “thế dần” chất văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi, từ lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer trong dịp lễ Dol-ta bỗng dưng bị biến thành Giải tranh cúp của Đài truyền hình An Giang với nhiều hệ lụy từ quảng cáo của nhà tài trợ...

Ngay sau đó, UBND tỉnh An Giang đã có văn bản yêu cầu các cơ quan hữu quan chấn chỉnh với thông điệp: “Không được thương mại hóa...”. Đến ngày 11.6.2014, văn phòng UBND tỉnh An Giang tiếp tục ký Công văn số 1896/VPUBND-VX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Việt Hiệp chấn chỉnh việc tổ chức Hội đua bò Bảy Núi: “Việc tổ chức đua bò gắn với lễ Dol-ta ở huyện Tri Tôn, Tịnh Biên hằng năm do huyện phối hợp với các chùa Nam tông Khmer thực hiện. Việc tổ chức lễ hội đua bò cấp tỉnh sẽ tổ chức vào dịp chào mừng ngày thành lập QĐND Việt Nam, hoặc Lễ hội Vía Bà Núi Sam”. Thế nhưng..

Một lần nữa chúng tôi lại phải gửi đến nhà chức trách thông điệp: Ở Hội đua bò Bảy Núi, đừng để kinh tế thế dần văn hóa!

Việc tiếp tục bố trí “đồng phục đại trà” của nhà tài trợ cho người tham gia thi đấu không chỉ làm “biến dạng” sắc màu truyền thống, mà còn trực tiếp lấn át tinh thần tôn trọng bản sắc văn hóa độc đáo, đặc thù của cộng đồng Khmer vùng Bảy Núi trong dịp lễ rất có ý nghĩa trong năm của đồng bào. Đáng lo hơn là việc làm này diễn ra như “phớt lờ” ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh An Giang.

THANH MAI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa/khong-duoc-thuong-mai-hoa-hoi-dua-bo-bay-nui-566838.ldo