Không được phê bình học sinh trước lớp, trường

Từ 1/11/2020, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về điều lệ trường THCS, THPT có hiệu lực, giáo viên không còn được phê bình học sinh THCS, THPT trước lớp, trước trường. Theo đó, nếu như trước đây, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện, tùy theo mức độ vi phạm, giáo viên có thể nhắc nhở, phê bình hoặc thông báo với gia đình. Thì nay, tùy theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỷ luật như nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn, hay thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.

Phê bình học sinh trước trường, lớp đã tồn tại trong nhiều năm qua với những hình thức kỷ luật “thép” kinh điển từ các thầy, cô giáo như bắt quỳ, phạt roi, chép phạt hay thậm chí có những hình thức xử phạt phản cảm gần đây gây bức xúc dư luận. Đây không phải là một giải pháp hay để giúp những đứa trẻ có thể ngoan hơn. Do đó, nhiều người hy vọng quy định không phê bình học sinh trước lớp, trước toàn trường có thể mang đến sự thay đổi tích cực trong quá trình giáo dục, bồi dưỡng các kỹ năng cho học sinh.

Có thể nhiều thầy cô giáo sẽ bức xúc với quyết định về điều lệ nhà trường này và cho rằng không còn cách để học sinh sợ. Điều này cũng dễ hiểu vì có không ít nhà giáo sử dụng việc phê bình và khiển trách trước tập thể là một vũ khí để trấn áp “học sinh cá biệt”. Tuy nhiên, tại thời điểm môi trường giáo dục đang có những thay đổi rất lớn, các bậc phụ huynh và đặc biệt các thầy cô đang đặt ra rất nhiều câu hỏi về phương pháp giáo dục mới và cách kết hợp giữa nhà trường với phụ huynh sao cho hiệu quả để điều chỉnh hành vi và thái độ của con em kịp thời nhất, nên có thể coi quy định không phê bình học sinh trước lớp, trước toàn trường là một giải pháp hướng đến sự trưởng thành cả kiến thức, tâm hồn, nhân cách và kỹ năng cho học sinh trung học.

Giáo dục không chỉ dạy kiến thức mà còn góp phần hình thành đạo đức và nhân cách cho học sinh. “Bản thân các giáo viên đều mong muốn học sinh ngoan hiền, dễ dạy nhưng khi các em chưa ngoan, lại thêm áp lực bị phê bình nơi đông người sẽ rất dễ làm học sinh cảm nhận mình không được tôn trọng. Như thế càng làm cho tâm lý các em dễ bị tổn thương hơn. Thay vì phê bình học sinh chưa ngoan trước lớp, trước toàn trường, thì bây giờ giáo viên nhắc nhở, giúp đỡ, động viên các em khắc phục khuyết điểm, là cầu nối giúp tình cảm thầy trò ngày càng khắng khít, giúp học sinh mắc lỗi đỡ cảm thấy tự ti cũng như cảm nhận được tình thương và sự quan tâm, tôn trọng các em của thầy cô giáo”, ông Dương Bình Luyện, Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT) chia sẻ.

MẠNH THÚY

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/248600/khong-duoc-phe-binh-hoc-sinh-truoc-lop-truong.html