Không để trẻ em nghèo thất học

Sinh sống trên hai tuyến biên giới của tỉnh Nghệ An đa số là những người dân tộc thiểu số nghèo. Bởi vậy, ngoài việc bám rừng, bám đất để chạy ăn từng bữa, các bậc phụ huynh ít có điều kiện để chăm sóc việc học hành cho con em mình. Nhiều em khi đến tuổi đi học đã phải theo cha mẹ làm nương rẫy. Trong nhiều năm qua, một chương trình hành động vì các em đã được những người lính mang quân hàm xanh trên hai tuyến biên giới tỉnh Nghệ An chăm chút thực hiện. Mỗi đơn vị có một cách làm khác nhau, nhưng cùng chung một mục đích: Không để trẻ em nghèo thất học.

Cán bộ Đồn BP Nậm Cắn tặng quà cho học sinh nghèo.

Nhiều năm nay, vườn cây thanh niên của Đồn BP Quỳnh Thuận chính là công trình gây quỹ vì học sinh nghèo. Mỗi tuần một lần, vào ngày nghỉ, phiên chợ của làng xuất hiện thêm những người lính Biên phòng. Các anh đến đây để bán những sản vật mà chính mình làm ra. Không chút ngại ngần bởi những người lính Biên phòng thấy niềm vui của các em học sinh đằng sau công việc của họ.

Chúng tôi gặp Binh nhất Nguyễn Văn Phương khi đang bán xoài, na, hồng xiêm... thu hái được trong vườn cây thanh niên, để lấy tiền gây quỹ "Nâng bước em tới trường". Anh chia sẻ: Việc làm của chúng tôi tuy nhỏ, nhưng cảm thấy rất có ý nghĩa, đã góp một phần nhỏ để tiếp sức cho các em học sinh nghèo tiếp tục được đến trường.

Từ ngày Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phát động chương trình "Nâng bước em tới trường", Đoàn Thanh niên Đồn BP Quỳnh Thuận nhận thấy, trong khuôn viên của đồn có rất nhiều các loại cây ăn quả lâu năm, từ đấy đã nảy ra sáng kiến nhận chăm sóc vườn cây ăn quả và thu hoạch bán để lấy tiền gây quỹ giúp đỡ học sinh nghèo.

Thế nên, chỉ trong vòng 3 tháng, tiền bán các loại hoa quả thu hoạch trong vườn, chi đoàn đã thu được gần 4 triệu đồng. Số tiền này dành để giúp đỡ 2 em học sinh nghèo trong địa bàn đến trường. Sự giúp đỡ của các anh đã góp phần nuôi dưỡng giấc mơ học tập của các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở vùng biển Quỳnh Lưu.

Rời Quỳnh Thuận, chúng tôi tìm đến gia đình anh Lê Văn Chiến, thôn 3, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An khi hai bố con anh đang chăm sóc vườn rau của gia đình. Từ ngày mẹ mất, hai đứa con trai của anh Chiến mất hẳn một điểm tựa tinh thần. Giờ đây, trong ngôi nhà nhỏ ở một vùng biên giới, các em đã bắt đầu phải làm quen với công việc của người lớn.

Mong muốn lớn nhất của hai em là được đến trường như bạn bè cùng trang lứa, nhưng đã bị dập tắt, bởi bao khó khăn cơm áo gạo tiền. Tuy nhiên, cuộc sống của 3 bố con không đơn độc, bởi cán bộ, chiến sỹ Đồn BPCK Thanh Thủy đã chung tay giúp đỡ.

Thiếu tá Nguyễn Tư Hóa, Chính trị viên phó Đồn BPCK Thanh Thủy chia sẻ: Để giúp đỡ các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cấp ủy, chỉ huy đơn vị đã triển khai các cuộc vận động như "Hũ gạo tiết kiệm" và "Quỹ Học bổng vì chủ quyền an ninh biên giới" tặng các em học sinh nghèo mua sách vở, giấy bút, đồ dùng học tập.

Thầy giáo Lê Hồng Sơn, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở xã Thanh Thủy chia sẻ: Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn tới lực lượng BĐBP, đặc biệt là Đồn BPCK Thanh Thủy đã có việc làm rất ý nghĩa. Mong rằng, tiếp tục nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa từ phía đơn vị để học sinh nghèo có cơ hội đến trường.

Cách đây gần 10 năm, Trung đội phó Trung đội dân quân tự vệ xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn Và Tổng Khư đã ngã xuống khi thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Anh mất đi để lại người vợ trẻ cùng đàn con thơ đang tuổi ăn tuổi lớn. Nếu chỉ một mình chị Xồng Y Tồng cáng đáng việc gia đình, có lẽ việc học tập của các cháu đã phải dừng lại. Thế nhưng, tri ân gia đình Anh hùng liệt sỹ Và Tổng Khư, đồng đội, đồng chí của anh đã cùng gánh vác chia sẻ công việc với gia đình.

Thiếu vắng tình cảm, thiếu vắng sự săn sóc của người bố, nhưng em Và Bá Dũng không cô đơn. Những chiếc áo ấm trong mùa lạnh, những tập sách, vở, bút mực đến trường em đều được các chú BĐBP mang đến tận nhà. Năm nay, Dũng đang học lớp 5. Em hiểu hơn ai hết, sự giúp đỡ của các chú BĐBP là động lực để giúp em học tập tốt hơn, xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của bố Và Tổng Khư.

Đến nay, các đơn vị trên hai tuyến Biên phòng tỉnh Nghệ An đã trực tiếp nhận đỡ đầu, giúp đỡ 42 cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong địa bàn. Hằng tháng, mỗi đơn vị hỗ trợ các cháu ít nhất là 500 ngàn đồng. Hoạt động này sẽ được duy trì đến khi các cháu học xong chương trình Trung học cơ sở. Việc làm của cán bộ, chiến sỹ các đồn BP đã góp phần thắp sáng ước mơ, cổ vũ các em vượt qua khó khăn, đến trường học chữ.

Các em, mỗi người một hoàn cảnh, một số phận khác nhau. Em Lương Thị Phi Yến, học sinh lớp 3C, trường Tiểu học Châu Khê, huyện Con Cuông, là một trong những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Bố mẹ Yến mất từ khi em còn rất nhỏ, em sống với bà ngoại và người cậu trong ngôi nhà xập xệ ở bản Bu, xã Châu Khê, huyện Con Cuông. Những người thân yêu của Yến phần vì quá nghèo túng, phần không biết chữ nên bỏ ngỏ việc học hành của em. Đồn BP Châu Khê đã nhận đỡ đầu Lương Thị Phi Yến, không để em phải từ bỏ ước mơ đến trường của mình.

Hằng tháng, đơn vị hỗ trợ em Yến 500 ngàn đồng và cử cán bộ đồn trực tiếp giúp đỡ em trong việc học tập. Việc làm này sẽ được đơn vị thực hiện đến khi em Yến học hết trung học cơ sở. Đáp lại sự quan tâm của các chú Đồn BP Châu Khê, cô học trò 9 tuổi đã viết nên một thành tích đặc biệt, em luôn là học sinh giỏi của nhà trường suốt từ năm lớp 1 tới tận bây giờ. Một thành tích học tập của Yến mà ai cũng phải nể phục.

Cô giáo Lê Thị Hồng Nhị, Chủ nhiệm lớp 3C, trường Tiểu học Châu Khê, huyện Con Cuông cho biết: Cán bộ, chiến sỹ Đồn BP Châu Khê thường xuyên lui tới, giúp đỡ về vật chất và tinh thần không chỉ cho Yến, mà còn cho nhiều học sinh khác có hoàn cảnh khó khăn, đây là động lực lớn để giúp các em vươn lên tiếp tục đến trường học tập.

Hải Thượng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/khong-de-tre-em-ngheo-that-hoc/