Không để tội phạm truy nã ngoài vòng pháp luật

Liên tục thay tên, đổi họ; cư trú tại những vùng hẻo lánh hay tìm mọi cách để vượt biên sang nước ngoài… là một số phương thức, thủ đoạn mà tội phạm truy nã thường sử dụng để trốn tránh sự truy tìm của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, với sự mưu trí, dũng cảm của các mũi trinh sát, Công an tỉnh đã lập nhiều chiến công xuất sắc trong vây bắt, vận động đối tượng trốn truy nã ra đầu thú.

Nhiều thủ đoạn trốn tránh

Ngày 3/3/2022, hành vi giết người rồi bỏ trốn của đối tượng Lý Văn Thành ở thôn Dân Chủ, xã Phương Khoan, huyện Sông Lô khiến cuộc sống người dân ở vùng quê nghèo bỗng chốc trở nên xáo trộn.

Lực lượng Công an tỉnh thường xuyên gặp gỡ, khuyến khích người dân tích cực cung cấp tin báo, tố giác tội phạm, đảm bảo ANTT trên địa bàn. Ảnh: Trường Khanh

Lực lượng Công an tỉnh thường xuyên gặp gỡ, khuyến khích người dân tích cực cung cấp tin báo, tố giác tội phạm, đảm bảo ANTT trên địa bàn. Ảnh: Trường Khanh

Từ sáng đến tối, nhà ai cũng cửa đóng, then cài. Từ người già đến trẻ nhỏ đều nơm nớp một nỗi lo khi kẻ thủ ác vẫn chưa bị bắt giữ, có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và gây nguy hiểm cho mọi người xung quanh. Ngay sau đó, đối tượng Lý Văn Thành có lệnh truy nã.

Để ổn định tâm lý của người dân, Công an tỉnh đã huy động lực lượng, chia thành nhiều mũi trinh sát tập trung phân tích, nhận định tình hình, tiến hành xác minh từ nhiều nguồn thông tin. Chỉ sau 1 ngày gây án, Lý Văn Thành đã bị lực lượng chức năng khống chế, bắt giữ khi đang lẩn trốn ở Điện Biên để tìm cách vượt biên sang Lào.

Hầu hết tội phạm truy nã thường là đối tượng giang hồ cộm cán, liên quan đến các tội danh như giết người, lừa đảo, cố ý gây thương tích… Khi bỏ trốn, thường tìm cách vượt biên; thay tên, đổi họ để che giấu tung tích, đánh lạc hướng điều tra, xác minh của cơ quan công an.

Ở mỗi địa điểm lẩn trốn, chỉ cần có người lạ xuất hiện, hay nghi ngờ bị phát hiện, các đối tượng sẽ chuyển đến nơi ở khác, cắt đứt mọi liên lạc, thông tin, khiến việc truy tìm, bắt giữ của cơ quan chức năng luôn gặp nhiều khó khăn, vất vả.

Chưa kể, khi trực tiếp đối mặt, tội phạm truy nã thường chống trả quyết liệt, ra tay liều lĩnh và sẵn sàng uy hiếp tính mạng của người khác để tẩu thoát.

Hành trình vây bắt mưu trí, dũng cảm

Trong những năm qua, trên mỗi hành trình phá án, dù gặp phải không ít những khó khăn, thử thách, song, với quyết tâm không để tội phạm truy nã ở ngoài vòng pháp luật, lực lượng công an tỉnh đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, công an các địa phương kịp thời nắm bắt, xác minh thông tin, tiến hành bắt giữ đối tượng truy nã trong thời gian sớm nhất.

Để công tác truy bắt tội phạm truy nã đạt được hiệu quả cao, Công an tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác vận động để đối tượng truy nã tự nguyện ra đầu thú nhằm tiết kiệm sức người, sức của và thể hiện tính nhân văn của pháp luật, cho dù đây là nhiệm vụ không hề đơn giản và cần một quá trình lâu dài.

Vận động được một đối tượng, cơ quan công an phải kết hợp nhiều biện pháp vừa mềm mỏng, khéo léo lại không thiếu phần kiên quyết, dứt khoát.

Mỗi cán bộ làm công tác vận động đều là người có kinh nghiệm, có tính kiên trì, nhẫn nại, khả năng tổng hợp, phân tích, đưa ra những lý lẽ thuyết phục, tạo được niềm tin đối với đối tượng cũng như bạn bè, người thân trong gia đình của họ.

Với những trường hợp ngoan cố, không chịu đầu thú, lực lượng công an quyết tâm truy bắt đến cùng để xử lý theo đúng quy định, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.

Trên tinh thần đó, từ đầu năm 2022 đến nay, Công an tỉnh đã bắt, vận động được 10 đối tượng truy nã, trong đó, có những trường hợp là đối tượng giang hồ cộm cán, mang nhiều tiền án, tiền sự. Qua đó, góp phần ổn định ANTT, trấn an dư luận, tạo được niềm tin với chính quyền và quần chúng nhân dân.

Nhằm giữ vững ANTT, kiềm chế sự gia tăng các hành vi vi phạm pháp luật, Công an tỉnh tiếp tục triển khai các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh hiệu quả các loại tội phạm, trong đó, quyết tâm không để bất cứ đối tượng truy nã ngoài vòng pháp luật.

Để thực hiện thành công mục tiêu này, bên cạnh nỗ lực của ngành Công an, cần sự chung tay hỗ trợ của toàn xã hội, nhất là vai trò của các tầng lớp nhân dân trong việc tích cực tham gia tố giác tội phạm.

Thông tin về các đối tượng truy nã được cơ quan công an thông báo rộng rãi, do đó, khi phát hiện đối tượng khả nghi, nhân dân cần nhanh chóng cung cấp thông tin để phối hợp cùng lực lượng chức năng truy bắt tội phạm, góp phần đem lại sự bình yên cho xã hội.

Lê Minh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/an-ninh-quoc-phong/75429/khong-de-toi-pham-truy-na-ngoai-vong-phap-luat.html