Không để thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất hiện dịp Tết Nguyên đán

Những ngày giáp Tết Nhâm Dần 2022, các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) của tỉnh và các huyện, thành phố đã tăng cường công tác kiểm tra đối với các mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết như các loại thực phẩm tươi sống, bánh mứt kẹo, rượu bia... Qua đó đã xử phạt một số cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm và tiêu hủy hàng tạ thực phẩm không rõ nguồn gốc, góp phần đảm bảo an toàn sức khỏe nhân dân trong thời điểm dịch bệnh.

Kiểm tra ATTP tại một cơ sở kinh doanh thực phẩm phục vụ Tết.

Đồng chí Nguyễn Thị Hường, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành số 1 tỉnh cho biết: Sau hơn nửa tháng (5/1-25/1/2022) triển khai thực hiện kế hoạch bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân năm 2022, toàn tỉnh đã thành lập 288 đoàn kiểm tra và có 79 đoàn đã triển khai công tác kiểm tra.

Kết quả, tính đến ngày 25/01/2022, các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về ATTP trên địa bàn toàn tỉnh đã kiểm tra được 266 cơ sở. Trong đó, có 227 cơ sở đạt yêu cầu, phát hiện 39 cơ sở có vi phạm. Đã xử lý bằng hình thức phạt tiền 19 cơ sở, với số tiền phạt trên 70 triệu đồng.

Cùng với đó, buộc tiêu hủy tại 6 cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh, với các sản phẩm không đảm bảo ATTP. Gồm 15kg thịt lợn, 30kg xương lợn và 90kg nội tạng động vật bị ôi thiu, biến đổi màu sắc, mùi vị; 200kg thịt lợn xay, 170 kg xương lợn; 10kg khô gà, 48kg các loại hạt khô không rõ nguồn gốc xuất xứ. Phòng Cảnh sát môi trường kiểm tra 6 vụ vận chuyển thịt bò không qua kiểm dịch, buộc kiểm dịch lại 1.840kg thịt bò...

Kết quả xét nghiệm mẫu, các đoàn kiểm tra đã tiến hành làm xét nghiệm nhanh đối với nguyên liệu, thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm (hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu đối với các loại rau; foocmon đối với bánh cuốn; hàn the đối với bánh cuốn, giò, chả; methanol đối với rượu; axit vô cơ đối với dấm ăn; nitrat đối với hải sản; độ ôi khét dầu mỡ; hồ tinh bột đối với bát, âu đựng cơm....). Kết quả không phát hiện hóa chất độc hại có trong nguyên liệu, thực phẩm.

Các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành tuyến tỉnh và tuyến huyện đã kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các lỗi vi phạm, góp phần chấn chỉnh và đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, ngăn ngừa thực phẩm không bảo đảm an toàn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ lưu thông trên thị trường, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm, đảm bảo an toàn sức khỏe người dân.

Đánh giá bước đầu, đa số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã có ý thức chấp hành các quy định của Nhà nước về bảo đảm ATTP. Cụ thể là có thủ tục hành chính về ATTP theo quy định; điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ và con người cơ bản đáp ứng theo yêu cầu; thực phẩm bao gói sẵn có tem nhãn, còn hạn sử dụng; sử dụng phụ gia trong danh mục cho phép của Bộ Y tế để sản xuất, chế biến thực phẩm...

Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, vì vậy chính quyền địa phương và đơn vị y tế các tuyến (đặc biệt tuyến huyện, tuyến xã) phải tập trung nhân lực tham gia công tác phòng chống dịch, nên việc tổ chức kiểm tra tại cơ sở sản xuất, kinh doanh còn thực hiện được ít hoặc chưa thực hiện được.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Thị Hường, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, thời gian sau Tết Nguyên đán là lễ hội mùa Xuân, các đoàn kiểm tra tiếp tục công tác kiểm tra, trọng tâm đối với các cơ sở dịch vụ ăn uống trong mùa lễ hội. Trong quá trình kiểm tra, chú ý bảo đảm các yêu cầu về phòng chống dịch COVID-19. Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý về ATTP đối với UBND xã, thị trấn; các phòng ban và tổ chức chính trị - xã hội có liên quan tới công tác bảo đảm ATTP.

Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, quần chúng trong việc tuyên truyền, vận động, giám sát, phát hiện các vi phạm của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn về ATTP. Tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có dấu hiệu vi phạm, kịp thời ngăn chặn thực phẩm không đảm bảo lưu thông trên thị trường..., đảm bảo sức khỏe nhân dân, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm.

Bài, ảnh: Mỹ Hạnh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/khong-de-thuc-pham-khong-ro-nguon-goc-xuat-hien-dip-tet/d20220127220523687.htm