Không để 'một hộ chăn nuôi, cả làng chịu trận'

Mặc dù chính quyền, ngành chức năng đã tuyên truyền song thời gian qua, nhiều cơ sở chăn nuôi nằm ngay trong khu dân cư vẫn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt của các hộ dân khu vực lân cận.

Chậm khắc phục

Hiện nay, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện và các mức xử phạt do ô nhiễm môi trường nhưng việc thực thi tại cơ sở còn thiếu kiên quyết. Điều này dẫn tới nhiều trường hợp vi phạm chây ỳ, không khắc phục hậu quả, dư luận nhân dân bức xúc. Cơ sở chăn nuôi lợn, chim bồ câu của ông Nguyễn Văn Hậu, tổ dân phố Vụ Bản, thị trấn Bắc Lý (Hiệp Hòa) gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập của hàng trăm học sinh Trường Tiểu học Bắc Lý số 2.

Nước thải từ cơ sở chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Hậu, tổ dân phố Vụ Bản, thị trấn Bắc Lý (Hiệp Hòa).

“Tình trạng này kéo dài từ năm 2019 đến nay, không ít lần trường tiếp khách về làm việc mà không khí hôi hám khiến chủ nhà và khách đều thấy bất tiện. Trường đã phản ánh, kiến nghị về việc này đến chính quyền song đến nay vẫn không có chuyển biến", lãnh đạo nhà trường cho biết."Mục sở thị" khu chăn nuôi này, phóng viên nhận thấy, nước thải từ cơ sở này chảy ra mương có màu đen, mùi xú uế tỏa vào trường học và các hộ dân sống xung quanh.

Không riêng ở thị trấn Bắc Lý, ngay tại tổ dân phố Trung Đồng, thị trấn Thắng (Hiệp Hòa) cũng có hộ ông Dương Văn Thùy chăn nuôi ngựa với quy mô hàng chục con gây ô nhiễm. Tháng 2/2023, qua ý kiến người dân phản ánh, chính quyền địa phương kiểm tra, yêu cầu chủ hộ cam kết, áp dụng các biện pháp xử lý môi trường. Thế nhưng chỉ sau một thời gian rồi "đâu lại đóng đấy". Bà L.T.H bức xúc nói: "Những hôm thời tiết nồm ẩm, mùi hôi từ chuồng nuôi bốc ra càng nặng hơn. Ruồi nhặng bu bám trên tường, vật dụng sinh hoạt của gia đình tôi".

Tại thôn An Phú 1, xã Mỹ An (Lục Ngạn) trước đây, người dân bức xúc làm đơn kiến nghị đến chính quyền cấp huyện, xã đề nghị xử lý vi phạm đối với hai cơ sở chăn nuôi lợn của hộ ông Nguyễn Văn Tuyến và Nguyễn Văn Hiền nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm. Ngày 21/1, ông Lê Văn Lũy, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Cả hai hộ chăn nuôi trên xây dựng trang trại trước thời điểm Luật Chăn nuôi năm 2018 có hiệu lực nên không thể phá bỏ, dừng ngay hoạt động mà sẽ thực hiện từ năm 2025.

Qua theo dõi, đến nay hộ ông Nguyễn Văn Tuyến đã giảm đàn, chờ xuất bán hết lứa lợn và cam kết dừng chăn nuôi. Về trường hợp ông Nguyễn Văn Hiền chưa nộp phạt 22,5 triệu đồng cũng như khắc phục hậu quả theo Quyết định xử phạt hành chính của Chủ tịch UBND huyện, UBND xã đang tích cực phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chức năng của huyện tổ chức cưỡng chế, kiên quyết xử lý không để vi phạm kéo dài”.

Hiện nay, UBND xã giao cho cán bộ chuyên môn phối hợp với lãnh đạo thôn An Phú 1, các hộ dân sống khu vực lân cận giám sát, nếu phát hiện các hộ trên tiếp tục tái đàn, gây ô nhiễm môi trường sẽ báo cáo Chủ tịch UBND huyện xử lý nghiêm.

Xử lý kiên quyết, tăng tính răn đe

Luật Bảo vệ môi trường nêu rõ, một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường là xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật ra môi trường. Quy định đã rõ song các cơ sở chăn nuôi nằm trong khu dân cư nêu trên vẫn gây ô nhiễm môi trường kéo dài trong nhiều năm nhưng chưa được xử lý triệt để. Trách nhiệm để xảy ra tình trạng này trước hết là do chính các chủ cơ sở chăn nuôi không tuân thủ nghiêm quy định về bảo vệ môi trường; cơ quan chức năng, chính quyền địa phương dù nắm được vụ việc song chưa kiên quyết xử lý.

Cơ sở nuôi ngựa của hộ ông Dương Văn Thùy, thị trấn Thắng (Hiệp Hòa) nằm giữa khu dân cư.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Bắc Lý cho biết: “Chúng tôi đã phân công cán bộ xuống cơ sở kiểm tra, yêu cầu hộ ông Hậu giảm đàn, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi. Hiện số lượng vật nuôi tại cơ sở không nhiều”. Như vậy, thị trấn Bắc Lý cũng chưa có biện pháp đủ mạnh đối với hộ ông Hậu mà chủ yếu là tuyên truyền, nhắc nhở nên bất chấp sự phản ánh, kiến nghị của người dân, cơ sở này vẫn tiếp tục hoạt động, gây ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Xuân Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết sẽ yêu cầu các phòng: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với UBND thị trấn Bắc Lý kiểm tra, báo cáo vụ việc. Quan điểm của huyện là tạo điều kiện cho các hộ sản xuất, kinh doanh song phải chấp hành quy định pháp luật, nhất là bảo vệ môi trường. Sau kiểm tra, huyện sẽ căn cứ mức độ sai phạm xử lý nghiêm khắc.

Toàn tỉnh có hơn 2,2 nghìn cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại và 154 nghìn cơ sở chăn nuôi nông hộ với hai đối tượng vật nuôi chủ lực là lợn và gà. Hầu hết cơ sở chăn nuôi là mô hình nông hộ, nằm xen kẽ trong khu dân cư, khu đô thị, hình thành từ trước năm 2020.

Ông Lê Văn Dương, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT) nói: “Bắc Giang là một trong những tỉnh có tổng đàn vật nuôi lớn nhất cả nước. Lĩnh vực này có đóng góp tới 46% trong tổng giá trị sản xuất chung của ngành nông nghiệp tỉnh, là sinh kế, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho nhiều người, nhất là lao động trung tuổi. Theo Luật Chăn nuôi năm 2018, các cơ sở này sẽ phải giảm quy mô, tiến tới đến năm 2025 dừng hoạt động, di dời theo lộ trình. Trong thời gian này, các hộ vi phạm quy định về bảo vệ môi trường vẫn bị xử lý".

Không phủ nhận lợi ích từ các cơ sở chăn nuôi mang lại song những năm gần đây, mật độ dân số tăng nhanh, hoạt động chăn nuôi trong khu đô thị, khu dân cư đông đúc không còn phù hợp do gây ô nhiễm không khí, nguồn nước, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ động vật sang người. Trong khi đó, việc xử lý vi phạm đối với các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường tại nhiều nơi chưa đồng nhất, có nơi quyết liệt, rốt ráo, nơi lại làm ngơ, nể nang, ngại va chạm.

Bám sát quy hoạch phát triển chăn nuôi của tỉnh và quy định pháp luật hiện hành, thời gian tới, ngành Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý cơ sở chăn nuôi cố tình chây ỳ vi phạm môi trường, không để kéo dài tình trạng "một hộ chăn nuôi, cả làng chịu trận".

Các hộ sản xuất tiếp tục quan tâm thực hiện giải pháp xử lý chất thải chăn nuôi bằng bể biogas, sử dụng chế phẩm sinh học, chăn nuôi trên đệm lót hoặc áp dụng quy trình tuần hoàn nhằm xử lý tốt vấn đề ô nhiễm môi trường, chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng dừng hoạt động, di dời khi tỉnh có quy định cụ thể.Đi đôi với giải pháp trên, chính quyền địa phương, ngành chức năng cần xử lý kiên quyết, tăng sức răn đe đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm môi trường trong lành ở khu dân cư.

Bài, ảnh: Hải Vân

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/418566/khong-de-mot-ho-chan-nuoi-ca-lang-chiu-tran-.html