Không để lỗ hổng lây lan dịch bệnh tại các chợ

Các khu chợ tập trung luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm được coi là biện pháp hữu hiệu trong phòng, chống dịch ở những nơi này.

Chủ động ứng phó

TP Bắc Giang là một trong những địa phương có số chợ dân sinh nhiều nhất tỉnh Bắc Giang với số lượng người bán, mua tấp nập, điển hình như các chợ: Thương, Tiền Môn, Hà Vị, Ngô Quyền, Quán Thành, Song Mai…

Người dân đi chợ Ngô Quyền, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) đều có ý thức đeo khẩu trang phòng, chống dịch Covid-19.

Tìm hiểu tại chợ Tiền Môn, phường Lê Lợi hiện có hơn 100 hộ kinh doanh, chủ yếu là thực phẩm (thịt, cá, rau, củ, quả). Hằng ngày, từ 7 đến 10 giờ, người dân đến chợ mua hàng rất đông. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban Quản lý chợ tuyên truyền các hộ đeo khẩu trang, khi nhận tiền của khách nên rửa tay sát khuẩn, đồng thời bố trí biển chỉ dẫn cổng ra, vào riêng.

Tại chợ Ngô Quyền, từ ngày 8/5 đến nay, đại diện Đoàn Thanh niên, cán bộ văn hóa, một số đoàn thể của phường đi bộ, xe máy tới các nơi công cộng, trong đó có chợ phát bản tin tuyên truyền qua loa cầm tay nhằm nâng cao ý thức người dân về phòng, chống dịch.

Chị Nguyễn Thị Hương, một hộ bán hàng tại chợ Ngô Quyền chia sẻ: "Hình thức tuyên truyền này rất hiệu quả. Do đặc thù bán hàng, tôi ít có thời gian cập nhật thông tin mới về dịch bệnh. Qua đây, tôi nắm bắt kịp thời chỉ đạo của tỉnh, TP, phường về phòng, chống dịch, đồng thời nhắc nhau luôn đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách khi tiếp xúc".

Tiểu thương chợ Tiền Môn, phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) không đeo khẩu trang khi bán hàng (ảnh chụp ngày 7/5/2021).

Ở xã Phương Sơn (Lục Nam), ngay sau khi ghi nhận có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng do liên quan đến bệnh nhân đang nằm điều trị tại Bệnh viện K, cơ sở 3 Tân Triều (Hà Nội), Ban Chỉ đạo (BCĐ) Phòng, chống dịch Covid-19 huyện Lục Nam và xã Phương Sơn đã khẩn trương triển khai các biện pháp. Qua khai báo y tế, bệnh nhân Đ.T.H có 2 lần đi chợ Sàn, xã Phương Sơn mua thực phẩm vào các ngày 6 và 7/5/2021. Được biết, chợ có hơn 100 hộ kinh doanh với 5 cổng ra, vào, lượng người dân đến trao đổi, mua bán lớn.

Ông Đỗ Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Phương Sơn cho biết: “Xác định chợ Sàn là một trong những nơi có nguy cơ lây lan dịch, ngay trong đêm 7/5, BCĐ Phòng, chống dịch Covid-19 xã tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử trùng 3 lần, đồng thời yêu cầu tạm dừng họp chợ kể từ sáng 8/5 cho đến khi có thông báo mới. Toàn bộ các hộ kinh doanh thực hiện khai báo y tế, phục vụ công tác điều tra, truy vết các trường hợp liên quan đến F0”. Tại chợ Mọc, thị trấn Cao Thượng (Tân Yên), để bảo đảm công tác phòng dịch, từ ngày 10/5, chợ cũng đã tạm dừng hoạt động.

Không phó mặc cho ban quản lý

Dù nhiều nơi đã vào cuộc tích cực song qua nắm bắt thực tế ở nhiều chợ dân sinh công tác phòng, chống dịch vẫn còn lỏng lẻo. Tình trạng người bán, mua không đeo khẩu trang hay đeo không đúng cách, ngồi trò chuyện thành tốp, nhóm... vẫn còn. Một số chợ không bố trí lối vào, ra riêng, không bố trí nước rửa tay sát khuẩn; công tác kiểm tra, xử lý của chính quyền, ngành chức năng còn xem nhẹ.

Đơn cử như tại khu vực bán thực phẩm của chợ Thương, phường Trần Phú (TP Bắc Giang), trưa 8/5, trong số gần 20 người bán hàng có khoảng một nửa không đeo khẩu trang. Tại khu vực chợ Tiền Môn, phường Lê Lợi, Ban Quản lý chợ có đặt biển quy định lối vào, lối ra song nhiều người không đi theo biển hướng dẫn.

Mặc dù được tuyên tuyền nhưng nhiều tiểu thương bán thịt, cá không đeo khẩu trang khi ngồi bán hàng, tiếp xúc với khách. Vi phạm là thế song hiếm thấy lực lượng chức năng phường cũng như ban quản lý chợ nhắc nhở, xử phạt.

Ông Nguyễn Văn Lực, Giám đốc Ban Quản lý chợ Tiền Môn cho biết: "Chúng tôi không có thẩm quyền xử phạt, nếu lực lượng chức năng thường xuyên phối hợp trong công tác kiểm tra, người dân sẽ tuân thủ nghiêm hơn".

Hay như ở chợ Bích Động, chợ Nếnh (Việt Yên), chợ Vôi, thị trấn Vôi (Lạng Giang), chợ Rào, thị trấn Tân An (Yên Dũng)… bên cạnh những hộ kinh doanh, người mua có ý thức chấp hành về phòng, chống dịch vẫn còn không ít trường hợp chủ quan, lơ là, bán hàng, giao tiếp nhưng không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng cách.

Mặc dù mức xử phạt hành chính đối với những trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng từ 1-3 triệu đồng song hầu như các địa phương chủ yếu nhắc nhở, rất ít trường hợp vi phạm bị xử phạt.

Để phòng, chống dịch Covid-19 ở các chợ dân sinh, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về phòng, chống dịch, nhất là khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Mỗi hộ kinh doanh, từng người dân thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang nơi công cộng, giữ khoảng cách an toàn, thường xuyên rửa tay sát khuẩn.

Chính quyền địa phương, ban quản lý các chợ cần bố trí nhân lực thường xuyên hướng dẫn, phân luồng các cổng ra vào chợ, trong trường hợp cần thiết có thể yêu cầu người mua khai báo thông tin (tên, địa chỉ, số điện thoại) khi vào chợ để tiện theo dõi, quản lý. Mặt khác, cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý nghiêm những cá nhân cố tình vi phạm để răn đe, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Bài, ảnh: Phương Ngân

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/dich-viem-duong-ho-hap-cap-do-ncov/358696/khong-de-lo-hong-lay-lan-dich-benh-tai-cac-cho.html