Không để chậm tiến độ hóa thành lãng phí

Nếu đúng tiến độ dự kiến, trong khoảng tháng 4 đến 7-2022, Đồng Nai sẽ có 3 dự án trọng điểm được hoàn thành và đưa vào sử dụng gồm: dự án Xây dựng hương lộ 2, dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 768 và dự án Đầu tư xây dựng cầu Vàm Cái Sứt. Song vì nhiều lý do, cả 3 dự án đều xin dời tiến độ hoàn thành sang năm 2023. Trên thực tế, Đồng Nai nói riêng và nhiều địa phương khác trên cả nước nói chung đều phải đối diện với tình trạng chậm tiến độ của rất nhiều dự án, dù có là dự án trong danh sách trọng điểm hay không.

Mới đây nhất, 2 dự án được xem là trọng điểm cấp vùng có đi qua địa phận Đồng Nai là Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Đường vành đai 3-TP.HCM cũng gặp nhiều vướng mắc và có thể chậm tiến độ ít nhiều nếu không được giải quyết sớm. Ngay cả dự án trọng điểm cấp quốc gia là Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng có nguy cơ đối mặt với việc chậm tiến độ khi tiến độ các “gói thầu con” không được đảm bảo.

Về nguyên nhân, một dự án chậm tiến độ là kết quả của cả một quá trình với nhiều khó khăn và vướng mắc đan xen: giải phóng mặt bằng quá khó khăn, giá cả nguyên, vật liệu tăng vọt khiến nhà đầu tư phải xin thủ tục điều chỉnh, năng lực nhà thầu không đảm bảo, thiếu nhiên liệu, dịch bệnh…

Cuối tháng 10-2022, đoàn giám sát do Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương làm trưởng đoàn tập trung giám sát khu vực công trên địa bàn cả nước, với 5 nội dung trọng điểm và 7 lĩnh vực trọng tâm theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã chỉ ra nhiều dự án chậm tiến độ là nguyên nhân gây lãng phí.

Cụ thể, theo báo cáo của Quốc hội, hàng ngàn dự án trên cả nước đang chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm. Tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương, năm 2016 có gần 1,5 ngàn dự án chậm tiến độ, năm 2017 là 1,6 ngàn dự án, năm 2018 gần 1,8 ngàn dự án, năm 2019 có 1,87 ngàn dự án, năm 2020 là 1,86 ngàn dự án và năm 2021 gần 2 ngàn dự án, trong đó hầu hết dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm đều chậm tiến độ. Cùng với đó, hàng ngàn dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, có dự án điều chỉnh nhiều lần, tổng mức đầu tư điều chỉnh cao gấp nhiều lần so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu và hàng ngàn dự án có thất thoát, lãng phí.

Mỗi một dự án chậm tiến độ đem đến rất nhiều hệ lụy cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng, thậm chí ảnh hưởng trên quy mô cả nước. Điều này gây nên sự lãng phí lớn về nguồn lực. Chính vì vậy, để việc chậm tiến độ không hóa thành sự lãng phí thì không có cách nào khác là các sở, ngành, địa phương cùng các bộ, ngành trung ương luôn phải giám sát, đồng hành để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án, tùy vào quy mô và tính cấp thiết của dự án đó đến đâu.

Vi Lâm

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chuyenmuc/thoidam/202212/khong-de-cham-tien-do-hoa-thanh-lang-phi-3151582/