Không đặt mình ở 'chiếu trên', giảng viên có thể học cùng trò

Thừa nhận sai lầm hay thiếu sót là điều rất khó khăn, nhất là trước mặt học trò, những người được mình dạy dỗ. Đây là một thách thức lớn của nghề giáo.

Từng là giảng viên đại học, tôi có kinh nghiệm rằng khá nhiều cuộc đối thoại và thảo luận về nghề giáo ở nước ta đang tập trung vào chính sách giáo dục, chương trình giảng dạy, phương pháp sư phạm, mà bỏ qua nhiều vấn đề khác của giáo viên, nhất là với giảng viên đại học.

Những điều này tồn đọng từ rất lâu, nên được bàn đến và tìm cách giải quyết, vì môi trường giáo dục đại học lành mạnh, phát triển và bền vững hơn.

Vấn đề quy tắc ứng xử giữa giảng viên và sinh viên dường như chưa được quan tâm đúng mức. Ảnh minh họa: Camilo Huinca/The Atlantic.

Quy tắc ứng xử của giảng viên

Đây chính là chủ đề mà tôi thấy rất ít khi được nhắc đến trong các cuộc thảo luận về giáo dục đại học. Phải chăng chúng ta cho rằng giảng viên ít tiếp xúc sinh viên so với giáo viên phổ thông, do đó có ít tác động đến sự phát triển của các em, nên không cần bàn đến quy tắc ứng xử, tư cách và phẩm chất của họ?

Tôi đã thử gõ tìm kiếm trên Google, đa phần những vấn đề về ứng xử, đạo đức làm nghề của giảng viên được nhắc đến đều xoay quanh việc quấy rối, gạ gẫm, nhận quà từ học trò hay những vi phạm về “tư tưởng chính trị”. Tuy nhiên, nhiều vấn đề khác tinh tế hơn như vậy, thường ít được nhắc đến.

Ví dụ, giảng viên đi ăn uống với sinh viên, đó là thân thiện hay quá giới hạn thầy - trò? Nếu một (vài) sinh viên trong số đó được điểm cao trong bài cuối kỳ, liệu giảng viên có chắc chắn rằng mình đã không thiên vị? Những sinh viên, giảng viên không tham gia vào cuộc vui đó sẽ nhìn nhận việc này như thế nào? Hay việc trao đổi, giao lưu qua Facebook cũng tương tự.

Đâu là giới hạn cho các lời nhận xét, tương tác và tin nhắn riêng? Mặc dù tôi tin rằng trường đại học có thể ban hành những bộ quy tắc ứng xử và đạo đức của giảng viên, việc thực hành và tuân thủ lại phụ thuộc rất lớn vào ý chí của từng người, vì những hành động này rất khó kiểm soát.

Có thể là cổ hủ nhưng biết làm sao được, tôi vẫn cho rằng cần có chừng mực nhất định giữa thầy và trò. Thử tưởng tượng đến nội dung câu chuyện được chia sẻ giữa thầy trò trong những lần trà dư tửu hậu. Ví dụ, nhận xét về “em gái” này, “cậu trai” kia, “kể xấu” các giảng viên, sinh viên khác…

Khi chúng ta ra sức cổ vũ cho sự phát triển tư duy phản biện từ sinh viên, mà bản thân mình không chịu được phản biện, thì sao có thể dạy học trò?

Thạc sĩ Phạm Thủy Tiên

Thử tưởng tượng học trò trả tiền cho bữa nhậu và mình suy nghĩ đến việc phải cho cậu ta bao nhiêu điểm bài thuyết trình sắp tới? Lúc đó, tôi sẽ không có mặt mũi nào đứng trên bục giảng nữa. Sinh viên sao có thể tôn trọng, lắng nghe mình?

Tiếc rằng, kinh nghiệm của tôi cho thấy những cuộc tiếp xúc “thân mật” như thế này giữa giảng viên và sinh viên không phải ít. Quan hệ thầy - trò, vì thế, cũng rất tế nhị và nhạy cảm, mà nếu không có những quy tắc vững chắc, sẽ rất dễ bị xóa nhòa.

Ở đây, chúng ta cũng cần bàn một chút đến triết lý giáo dục của mỗi người. Nếu ai đó cho rằng giảng viên đại học chỉ cần là người truyền đạt kiến thức, giúp các em có “cái nghề” sau khi tốt nghiệp, họ sẽ thấy mình không cần có vai trò gì đến sự phát triển và hình thành nhân cách của sinh viên.

Nhưng nếu ai đó cổ vũ cho triết lý giáo dục toàn diện, cho rằng giáo dục là đào tạo nên một con người, chứ không chỉ là phân phối kiến thức, họ sẽ lưu tâm hơn đến việc mình có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của mỗi sinh viên.

Tôi không nói rằng giảng viên nên là người hoàn toàn chịu trách nhiệm đến việc sinh viên trở thành người như thế nào, bởi vì chúng ta đều biết quá trình đó chịu tác động bởi rất nhiều yếu tố khác. Dẫu vậy, chúng ta không thể phủ nhận sự tác động của giảng viên lên việc phát triển trí tuệ và phẩm chất của sinh viên trong độ tuổi mười tám, đôi mươi.

Sự học hỏi và phản biện

Thừa nhận mình sai hoặc thiếu sót là điều rất khó khăn, nhất là trước mặt học trò, những người đã được mình dạy dỗ. Tôi rất chia sẻ tâm lý này, vì cũng có những cảm xúc và suy nghĩ như vậy. Thế nhưng, khi chúng ta ra sức cổ vũ cho sự phát triển tư duy phản biện từ sinh viên, mà bản thân mình không chịu được phản biện, thì sao có thể dạy học trò?

Tôi cho rằng đây là thách thức rất lớn của nghề dạy học. Tuy nhiên, thách thức này nên là động lực để giảng viên không ngừng nghiên cứu, học tập và mở rộng tư duy, dù có trở thành giảng viên, chuyên gia đầu ngành bao nhiêu năm đi nữa.

Ngoài ra, cập nhật kiến thức mới, với tôi, dù là cần thiết, vẫn chưa đủ. Quá trình phản tư (reflection) quan trọng không kém. Sự phản tư là quá trình tự phản biện, có thể giúp tôi nhận ra chính khiếm khuyết của mình để cải thiện. Sự phản tư này cũng có thể giúp tôi thay đổi góc nhìn của một giảng viên: Thay vì dạy học trò, mình có thể học cùng với họ.

Trong những năm còn đi dạy, tôi chưa bao giờ nói rằng cô ở đây để dạy các bạn. Thay vào đó, tôi đề nghị được học cùng học trò. Và thật sự tôi đã được học từ các em rất nhiều. Tôi tin là các em cũng học được một số điều từ mình, tin là không ít em cũng thấy thất vọng về vốn kiến thức ít ỏi hoặc phương pháp dạy nhàm chán của mình.

Tôi chấp nhận điều đó (buồn chứ, nhưng phải chấp nhận) vì tôi hiểu bể học mênh mông, bản thân dù là giảng viên cũng còn bao nhiêu điều chưa biết. Do vậy, việc được học từ sinh viên cũng là một cách hiệu quả để bổ sung thiếu sót và tiến bộ hơn.

Nếu không tự đặt bản thân ở “chiếu trên”, mình sẽ có nhiều điều học hỏi và chia sẻ cùng học trò. Một ván bài cả hai cùng thắng! Muốn được như vậy, giảng viên cần thật sự cởi mở và chấp nhận việc mình cũng đang trong một quá trình học hỏi, thay vì cảm thấy bị xúc phạm. Điều này rất khó nhưng không thể không làm.

Thạc sĩ Phạm Thủy Tiên. Ảnh: NVCC.

Vai trò của giảng viên

Nếu giảng viên đã không thật sự dạy học trò, vậy họ đến lớp để làm gì? Sinh viên chỉ cần ngồi nhà tra Google, là có thể học được vì bây giờ, kiến thức mở ở mọi nơi?

Google sẽ không thay được người thầy trong rất nhiều trường hợp. Một trong những điều đó chính là vấn đề đầu tiên tôi đã thảo luận bên trên: Tư cách và đạo đức người thầy, cũng như chính bản thân họ, khiến họ trở nên khác biệt.

Nghề giáo luôn có khó khăn. Trong một xã hội ảnh hưởng nhiều của các tư tưởng Khổng giáo nhưng lại đang rộng mở với những giá trị Tây phương, nhiều giá trị của nghề đối mặt những thách thức khác nhau.

Lương thấp, cơ sở vật chất và hệ thống hỗ trợ nghèo nàn cả cho việc giảng dạy và nghiên cứu, đòi hỏi và kỳ vọng từ xã hội ngày càng cao, kiến thức kỹ năng cần cập nhật liên tục. Nhưng biết làm sao được, đó là đặc thù nghề nghiệp. Chính vì từng là người trong cuộc, hiểu những khó khăn và thách thức này, tôi càng trân trọng người đứng trên bục giảng, thật sự nghiêm túc với nghề để dạy dỗ học trò bằng tấm lòng và trí tuệ của mình.

Phạm Thủy Tiên là thạc sĩ Giáo dục, tốt nghiệp ĐH British Columbia (Canada), hiện làm việc tại ĐH British Columbia. Trước đây, Thủy Tiên là giảng viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Thạc sĩ Phạm Thủy Tiên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khong-dat-minh-o-chieu-tren-giang-vien-co-the-hoc-cung-tro-post1278641.html