Không đạt được thỏa thuận về những thách thức môi trường

Cuộc họp lần thứ tư và cũng là cuộc họp cuối cùng của các Bộ trưởng Môi trường và Khí hậu G20 - diễn ra trong 3 ngày cuối tuần qua tại Chennai, Ấn Độ - đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận về những thách thức môi trường trong bối cảnh khắp nơi trên thế giới đang trải qua một trong những mùa hè nóng nhất trong lịch sử. Đây là thất bại thứ hai liên tiếp của G20 trong vòng một tuần sau khi Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng diễn ra ngay trước đó tại Goa, cũng không thể nhất trí về lộ trình cắt giảm nhiên liệu hóa thạch.

4 điểm gây bất đồng

Hội nghị Bộ trưởng và Môi trường vì sự phát triển bền vững của G20 - những nước chịu trách nhiệm cho khoảng 80% lượng phát thải khí nhà kính khiến Trái đất nóng lên - đã không đồng ý về 4 điểm trong số 68 điểm thảo luận. Đây là 4 điểm gây tranh cãi nhất, nhưng cũng được xem là chìa khóa của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, bao gồm giảm dần nhiên liệu hóa thạch, tăng gấp đôi tỷ lệ sử dụng năng lượng hiệu quả trong khi tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo và thực hiện thuế biên giới xanh.

Thủ tướng Narendra Modi phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường và Khí hậu tại Chennai ngày 28.7. Ảnh: Ware

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Bhupender Yadav cho biết, mặc dù có sự đồng thuận về 95% chủ đề của chương trình nghị sự, nhưng một số vấn đề chính vẫn chưa được giải quyết. Ông nói thêm: “Các bộ trưởng G20 thống nhất trong cam kết tạo ra một tương lai bền vững và kiên cường”.

Virginijus Sinkevičius, Ủy viên Liên minh châu Âu về Môi trường, Đại dương và Nghề cá, đã tái khẳng định cam kết đầy đủ của khối để trở thành một nền kinh tế trung lập với khí hậu, tiết kiệm tài nguyên, tuần hoàn và tích cực với thiên nhiên, phù hợp với Thỏa thuận Xanh châu Âu, một tập hợp các sáng kiến chính sách với mục tiêu bao trùm là làm cho môi trường EU trở nên trung tính vào giữa thế kỷ. “Chúng ta cần phải hành động không chậm trễ trên quy mô toàn cầu để đảo ngược những xu hướng đáng báo động này”, ông nói, trích dẫn các hiện tượng thời tiết cực đoan trong mùa hè này. “Do đó, trách nhiệm của chúng tôi với tư cách là thành viên G20 là phải duy trì các cam kết về khí hậu và môi trường đã được thống nhất trong các cuộc họp G20 trước đây và Thỏa thuận Khí hậu Paris, Khuôn khổ Đa dạng sinh học Toàn cầu Côn Minh-Montreal và Thỏa thuận BBNJ về biển cả”.

Trong khi đó, ông Christophe Bechu, Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái Pháp Christophe Bechu đã bày tỏ “rất thất vọng” về kết quả cuộc họp: “Chúng tôi đã không thể đạt được thỏa thuận về việc tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, cũng như trong việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than đá. Đây là điều rất đáng thất vọng nếu chúng ta nhìn vào những gì đang xảy ra ngoài kia và cũng như những khó khăn trong việc tìm kiếm tiếng nói chung trong những vấn đề môi trường này”.

“Các kỷ lục về nhiệt độ, thảm họa, hỏa hoạn nghiêm trọng và chúng tôi không thể đạt được thỏa thuận về mức phát thải cao nhất vào năm 2025”, ông cho biết thêm và nói rằng cuộc thảo luận trở nên phức tạp vì các vấn đề địa chính trị.

Các quyết định đạt được tại cuộc họp sẽ được chuyển cho lãnh đạo các nước trước Hội nghị thượng đỉnh ở New Delhi vào tháng 9 tới. Đây sẽ là cơ hội cuối cùng để G20 đưa ra một tuyên bố chung về khí hậu trong năm nay.

Cuộc họp ở Chennai diễn ra vài ngày sau khi các Bộ trưởng Năng lượng của khối - chiếm hơn 80% GDP toàn cầu và lượng khí thải CO2 - cũng không thể đạt được bất kỳ sự đồng thuận nào trong cuộc họp tại Goa về lộ trình cắt giảm nhiên liệu hóa thạch khỏi nhu cầu sử dụng năng lượng toàn cầu. Điều đó được coi là một đòn giáng mạnh vào các nỗ lực giảm thiểu phát thải khí nhà kính ngay cả khi các chuyên gia khí hậu đã chỉ ra rằng nhiệt độ toàn cầu kỷ lục là nguyên nhân gây ra lũ lụt, bão và sóng nhiệt.

Nỗi thất vọng và lời cảnh báo

Các nhà sản xuất dầu lớn lo ngại tác động của việc giảm thiểu mạnh mẽ nhiên liệu hóa thạch đối với nền kinh tế của họ. Trong khi đó, các nhà hoạt động môi trường đang rất lo lắng sau khi một loạt các thỏa thuận đều không thể đạt được.

“Châu Âu và Bắc Phi đang đối mặt với nạn cháy rừng nghiêm trọng, châu Á bị lũ lụt tàn phá nhưng các bộ trưởng khí hậu G20 đã không thống nhất được hướng đi chung để ngăn chặn cuộc khủng hoảng khí hậu đang leo thang từng ngày”, Alex Scott của Tổ chức Tư vấn biến đổi khí hậu E3G cho biết.

Simon Stiell, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) cho rằng, kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Môi trường và Khí hậu bền vững G20 là rất hạn chế. “Chúng tôi mong đợi một tín hiệu mạnh mẽ, mạch lạc, nhưng chúng tôi đã không nhận được điều đó”, ông Stiell cho biết tại một phiên giao lưu do Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII) tổ chức. Ông nói: “Chỉ còn 123 ngày nữa sẽ diễn ra COP28 tại Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm về mặt huy động sự ủng hộ chính trị và ý chí cần thiết để đạt được kết quả thành công từ hội nghị”.

Ông nói, COP28 sẽ là hội nghị quan trọng nhất kể từ Thỏa thuận Paris năm 2015 và chỉ ra rằng hội nghị sẽ tập trung vào việc đánh giá tiến độ đạt được đối với các mục tiêu trên toàn cầu. Ông Stiell cũng lưu ý rằng tài chính là một trong những yếu tố cần thiết cho hành động khí hậu.

Adnan Amin, Giám đốc điều hành các cuộc đàm phán về khí hậu COP28 năm nay, cho rằng tất cả những người có mặt tại hội nghị cuối tuần trước đều hiểu “mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng” mà thế giới đang phải đối mặt. “Nhưng rõ ràng là mọi quốc gia trên thế giới luôn bắt đầu bằng cách xem xét lợi ích cá nhân trước mắt của mình”. Các nền kinh tế G20 chiếm tới 80% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Do vậy, các quyết định của G20 có thể có ảnh hưởng lớn đến kết quả của mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, ông khẳng định.

Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP28), ông Sultan Al Jaber đã kêu gọi G20 đóng vai trò tiên phong trong nỗ lực giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu. Bởi Hội nghị lần này tại Ấn Độ từng được coi là cơ hội để G20 có những bước đi thực chất trước thềm Hội nghị COP28 tại Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất vào tháng 11 tới.

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, tháng 7 đang trên đà trở thành tháng nóng nhất trong lịch sử được ghi nhận. Trong khi đó, một số nhà khoa học cho rằng trái đất này có thể đang trải qua thời kỳ nóng nhất trong khoảng 120.000 năm. Phần lớn Bắc bán cầu đã trải qua thời kỳ nắng nóng nguy hiểm kéo dài trong tháng này, với các vụ cháy rừng giết chết hàng chục người trên khắp Địa Trung Hải. Những cơn bão dữ dội và lượng mưa lớn đã tàn phá nhiều nơi trên thế giới.

Một nghiên cứu công bố hồi đầu tháng này của các nhà khoa học tại Đại học Hoàng gia London, Anh cho thấy, những đợt nắng nóng thiêu đốt Bắc bán cầu trong tháng này là kết quả không thể phủ nhận của biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/khong-dat-duoc-thoa-thuan-ve-nhung-thach-thuc-moi-truong-i338513/