Không còn tập tục lạc hậu...

Ở vùng cao, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, bên cạnh những phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc thì vẫn còn không ít tập tục lạc hậu, cứng nhắc. Tuy nhiên, điều đáng mừng là cùng với sự phát triển của dân trí, tình hình kinh tế-xã hội, những tập tục đó đã dần thay đổi theo hướng tích cực. Câu chuyện 'thách cưới' của đồng bào Pa Cô ở huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên Huế) là một ví dụ.

Anh Văn Hà-một giáo viên lâu năm tại thị trấn A Lưới (huyện A Lưới) vẫn nhớ, khoảng 15 năm trước, trong bản có anh T và chị L đều là những chàng trai, cô gái Pa Cô chân chất, hiền lành. Hai người yêu nhau, quyết tâm nên vợ nên chồng. Đến ngày gia đình nhà trai qua dạm hỏi và định ngày cưới thì gia đình nhà gái "thách cưới", yêu cầu nhà trai phải mang sang một con bò, mấy cái soong, mấy tấm dệt zèng... Nhà trai dù còn khó khăn nhưng vì thấy đôi bạn trẻ quyết tâm lấy nhau nên chấp nhận yêu cầu của nhà gái. Tuy nhiên, khi ngày cưới sắp đến, cha mẹ chị L qua thăm nhà con rể tương lai, thấy nhà trai có chiếc xe gắn máy-tài sản lớn nhất của gia đình, trị giá khoảng 10 triệu đồng, nên tiếp tục đặt lời "thách cưới". Do đây là phương tiện làm ăn duy nhất của gia đình nên nhà trai cương quyết không đồng ý. Vậy là cha mẹ chị L lập tức hủy hôn.

Chuyện yêu nhau mà không lấy được nhau vì tập tục nhà gái "thách cưới" như anh T, chị L không phải là cá biệt vào thời điểm ấy. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp đến được với nhau nhưng món nợ từ tập tục này khiến hai vợ chồng làm lụng hàng chục năm vẫn chưa trả hết. Mặc dù chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng luôn tích cực tuyên truyền, vận động nhưng "phép vua thua lệ làng", bà con vẫn giữ tập tục lạc hậu như một thói quen khó bỏ.

Lễ cưới truyền thống của dân tộc Pa cô. Ảnh: TTXVN

Sống cùng đồng bào dân tộc Pa Cô trong thời gian dài, anh Văn Hà hiểu rõ phong tục, tập quán của bà con nơi đây. “Trước đây, dù giàu hay nghèo, với người Pa Cô, việc cưới xin phải thực hiện đúng phong tục, trong đó có "thách cưới". Nhà nào làm sai thì bị phạt”, anh Văn Hà cho biết. Tuy nhiên, những năm gần đây, kinh tế-xã hội phát triển, cuộc sống đã có nhiều thay đổi, bà con được tiếp xúc nhiều hơn với các phương tiện truyền thông; đặc biệt, được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương, bộ đội và các lực lượng khác, nhiều hủ tục, tập quán, thói quen cứng nhắc, lạc hậu đã dần được xóa bỏ. Nhiều gia đình không còn “thách cưới”; các đôi trai gái không bị ép buộc mà được tự do yêu nhau, kết hôn khi đủ tuổi theo quy định của pháp luật và phù hợp với đạo đức; lễ cưới được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, vừa kế thừa những phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào, vừa phù hợp với điều kiện thực tế, đúng quy định của pháp luật...

Loại bỏ những hủ tục, thực hiện tốt các quy định của pháp luật... là minh chứng cho sự đổi thay đáng kể ở các bản làng của đồng bào vùng cao A Lưới hôm nay.

HƯƠNG ĐỒNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/dan-toc-ton-giao/cac-van-de/khong-con-tap-tuc-lac-hau-748775