Không còn nhiều thời gian gỡ 'thẻ vàng' thủy sản

Sau hơn 6 năm nỗ lực với 4 đợt thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC), mục tiêu gỡ 'thẻ vàng' IUU (chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) cho thủy sản Việt Nam vẫn chưa được thực hiện.

Dự kiến tháng 4, Đoàn thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam lần thứ 5. Đây được coi như cơ hội cuối cùng để hải sản Việt Nam lấy lại uy tín tại châu Âu nói riêng cũng như trường quốc tế nói chung, trước khi châu Âu tiến hành bầu cử Nghị viện vào tháng 6.

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), lần thanh tra này rất quan trọng, bởi nếu không sớm gỡ được “thẻ vàng”, có thể phải mất vài năm nữa mới có cơ hội gỡ, thậm chí có nguy cơ bị phạt “thẻ đỏ” và bị hạn chế xuất khẩu thủy sản vào các thị trường quan trọng khác. Sau đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10/2023, EC đã có công thư chính thức về kết quả chống khai thác IUU tại Việt Nam.

Ông Hùng thông tin, trong công thư, EC khuyến nghị Việt Nam cần áp dụng các cơ chế kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo tất cả các tàu cá đã hủy đăng ký không được phép tham gia khai thác thủy sản. Phía EC cũng yêu cầu duy trì việc cấm đăng ký tàu mới, rà soát lại quy trình xử lý đối với việc ngắt kết nối thiết bị hành trình (VMS). Đặc biệt, cơ quan chức năng phải xử phạt tất cả các trường hợp vi phạm quy định về VMS, vi phạm quy định về khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

“Đây là khuyến nghị quan trọng nhất tại đợt thanh tra lần này của EC để xem xét gỡ “thẻ vàng” vào cuối tháng 4. Đối với 4 nhóm khuyến nghị của EC, về cơ bản Việt Nam phải triển khai một cách đồng bộ. Tuy nhiên, đến hiện nay, nhóm khuyến nghị gặp nhiều khó khăn nhất là kiểm soát tàu cá và giám sát đội tàu khai thác trên biển”, ông Hùng nói.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến nay vẫn có tàu cá ở các tỉnh Kiên Giang, Quảng Ngãi, Tiền Giang vi phạm, vượt ranh giới trên biển. Cả nước còn 4.375 tàu cá có chiều dài trên 15m không bật thiết bị giám sát hành trình trên 6 tháng, trong đó có 220 tàu cá trên 24m... “Chúng ta có một đội tàu khai thác rất lớn, khoảng hơn 86.000 tàu cá, trong đó khai thác xa bờ khoảng hơn 29.000 tàu, đứng thứ 2 về số lượng tàu cá trong khu vực biển Đông. Đây là trở ngại rất lớn trong quá trình quản lý và giám sát hoạt động của đội tàu. Các đơn vị đang tập trung xác minh thông tin những tàu cá mất kết nối, khẩn trương hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình”, ông Hùng nói.

Nhiều địa phương ven biển đã vào cuộc quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp quản lý khai thác thủy sản.

Ngay từ những ngày đầu năm 2024, nhiều địa phương ven biển cũng đã vào cuộc quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp quản lý khai thác thủy sản. Đối với hoạt động quản lý tàu cá, ông Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết, đã yêu cầu các địa phương nhanh chóng rà soát thông tin quản lý tàu cá, nhất là các tàu chưa đăng ký, đăng kiểm, hồ sơ chưa đầy đủ để cập nhật thông tin lên hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (Vnfishbase), tiếp tục đẩy mạnh giám sát tàu cá, đặc biệt là tàu có chiều dài trên 15m mất kết nối giám sát hành trình để có giải pháp quản lý hiệu quả. Ông Luân cũng nêu, hiện nay còn nhiều hạn chế về truy xuất nguồn gốc, ghi nhật ký điện tử, Cục Thủy sản đã phối hợp với các đơn vị tư vấn hoàn thiện phần mềm eCDT VN nhằm đáp ứng yêu cầu minh bạch nguồn gốc thủy sản.

“Hệ thống được triển khai sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp rất nhiều trong thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, quy trình làm giấy tờ để xác minh lô hàng sẽ khách quan, đầy đủ và nhanh chóng hơn. Trong 2 tháng tới, Cục sẽ phối hợp với các doanh nghiệp để triển khai đồng bộ đến các doanh nghiệp xuất khẩu”, ông Luân cho hay.

Còn theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, có ba vấn đề cần tập trung giải quyết. Đầu tiên là phải quản lý, giám sát được đội tàu, muốn vậy phải thống kê được có bao nhiêu tàu loại từ 6 đến 12 mét, bao nhiêu từ 12 đến 15 mét, bao nhiêu từ 15 đến 24 mét và bao nhiêu trên 24 mét. “Còn màu sơn, phải tuyệt đối 100% cùng màu”, ông nói. Về truy xuất nguồn gốc, với hải sản đánh bắt trong nước, ông Tiến đề nghị tất cả phải có nhật ký, trong đó, phải ghi rõ tọa độ thả lưới, kéo lưới, thời gian…Theo đó các địa phương có khai thác hải sản phải nắm rõ điều này.

Đối với xử lý vi phạm hành chính, Bộ NN&PTNTđã báo cáo, kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định 42/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, nhằm xử lý vi phạm triệt để hơn.

Chi Linh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/khong-con-nhieu-thoi-gian-go-the-vang-thuy-san-i725382/