Không còn 'đau đầu' vì khủng hoảng năng lượng, Đức sở hữu 'bảo bối' gì?

Những lo lắng về khủng hoảng năng lượng của Đức đã qua và nền kinh tế lớn nhất châu Âu được cho là sẽ phục hồi sau cú sốc kép là đại dịch Covid-19 và chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Trụ sở của Ngân hàng Trung ương châu Âu tại Frankfurt, Đức. (Nguồn: Getty Images)

Chủ tịch Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) Joachim Nagel nhận định như vậy trong cuộc phỏng vấn với trang CNBC.

Ngày 11/4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức sẽ giảm 0,1% vào năm 2023. Quốc gia này sẽ trở thành nền kinh tế có thành tích kém thứ hai trong số các nền kinh tế lớn sau Vương quốc Anh.

Trọng tâm của những lo ngại về triển vọng kinh tế của Đức và châu Âu trong năm qua là cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất nhiều thập niên, khi khu vực cố gắng hạn chế sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

GDP của Đức giảm 0,4% trong quý IV/2022 và tiếp tục giảm vào quý đầu tiên của năm 2023. Khi điều này xảy ra, nền kinh tế lớn nhất châu Âu bước vào thời kỳ suy thoái kỹ thuật.

Đức sẵn sàng vượt qua mùa lạnh giá

Tuy nhiên, theo ông Nagel, ông có cái nhìn “tích cực hơn IMF”. Ông nhấn mạnh: “Trong vài tháng qua, ngành công nghiệp Đức đã chứng tỏ khả năng thích ứng khá cao, vì vậy, cuộc khủng hoảng năng lượng ít nhiều được giải quyết. Tiến bộ của Đức trong việc đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt từ Nga và việc tăng cường lưu trữ giúp nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẵn sàng vượt qua mùa lạnh giá tiếp theo".

Bên cạnh đó, Chủ tịch Bundesbank cho rằng, nền kinh tế Đức sở hữu "sức mạnh vốn có" và đất nước sẽ quay trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch.

Chính phủ Đức dự báo, quốc gia này sẽ tránh được suy thoái kinh tế với mức tăng trưởng 0,2% trong năm 2023. Lạm phát được dự đoán giảm từ mức 7% xuống mức 6%, trong bối cảnh giá năng lượng đã giảm.

Đầu tháng này, Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (Ifo), Viện Kinh tế Thế giới (Kiel), Viện Nghiên cứu Kinh tế Halle và Viện Nghiên cứu Kinh tế RWI Leibniz công bố báo cáo cho hay, nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể đạt tăng trưởng 0,3% trong năm nay, do tránh được cuộc suy thoái trước đó dự đoán xảy ra vào mùa Thu năm ngoái.

Chuyên gia kinh tế Timo Wollmershauser thuộc Viện Ifo, nhận định: “Suy thoái kinh tế trong mùa Đông (kéo dài từ cuối năm 2022 sang 2023) có thể ít nghiêm trọng hơn so với lo ngại ban đầu do giá năng lượng giảm đáng kể”.

Gói cứu trợ của chính phủ trị giá 200 tỷ Euro (khoảng 218,9 tỷ USD), nhằm hạn chế giá khí đốt và điện, đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế tốt hơn mong đợi. Thêm vào đó, lợi thế thời tiết tương đối ôn hòa trong mùa Đông cũng như nỗ lực của Đức nhằm đa dạng hóa nguồn cung khí đốt cũng phát huy tác dụng.

Thêm vào đó, nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu được hưởng lợi từ việc nới lỏng các vấn đề về chuỗi cung ứng và việc Trung Quốc dần dần dỡ bỏ các hạn chế trong đại dịch Covid-19.

Lạm phát "hạ nhiệt"

Về vấn đề lạm phát, Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis) công bố số liệu cho thấy, tỷ lệ lạm phát của Đức trong tháng 3 tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, so với mức 8,7% trong tháng 2, chỉ số giá tiêu dùng của nền kinh tế Đức đã giảm rõ rệt.

Ông Nagel dự báo, lạm phát cơ bản tại "đầu tàu" kinh tế châu Âu sẽ có dấu hiệu cải thiện trong những tháng tới.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 3 để đưa lãi suất chính lên 3%, khi châu lục này tiếp tục phải vật lộn với lạm phát cao.

Lạm phát toàn phần trên toàn khu vực đồng Euro (Eurozone) đã giảm xuống 6,9% trong tháng 3, từ mức 8,5% trong tháng 2, do chi phí năng lượng hạ nhiệt. Nhưng lạm phát cơ bản-loại bỏ giá thực phẩm, năng lượng, rượu và thuốc lá-đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là 5,7%.

Ông Nagel cho biết, lạm phát cơ bản cao kéo dài cho thấy, ECB đã tiến xa hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ.

Đặc biệt, ECB đã tiếp tục tăng lãi suất, bất chấp những lo ngại về tác động kinh tế của tình trạng khủng hoảng ngân hàng trong tháng 3/2023 bắt đầu từ vụ sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon có trụ sở tại Mỹ.

Chủ tịch Nagel hy vọng, điều này sẽ gửi một thông điệp quan trọng tới thị trường.

Ông nói: “Chúng tôi có các công cụ khác nhau để giải quyết các vấn đề về giá cả và ổn định tài chính. Vì vậy, đây là một thông điệp quan trọng gửi tới những người tham gia thị trường tài chính rằng chúng tôi cam kết chống lại lạm phát".

(theo CNBC, DW)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khong-con-dau-dau-vi-khung-hoang-nang-luong-duc-so-huu-bao-boi-gi-223464.html