Không có “chuẩn” giảm, làm sao giảm được biên chế?

“Đã qua nhiều nhiệm kỳ thực hiện tinh giản biên chế, nhưng cuối cùng bộ máy cán bộ, công chức vẫn tăng. “Chuẩn” để giảm thì không có, làm sao có thể giảm được?”.

Phải có chính sách thỏa đáng để không gây xáo trộn, không làm người trong diện tinh giản phải đối mặt với những khó khăn lớn trong cuộc sống. Ảnh: LĐĐT/Internet

Nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn đã nói như vậy tại Hội thảo góp ý cho dự thảo “Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức” do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 24.6, tại Hà Nội.

Chủ trì hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết có 5 nhóm giải pháp đang được đặt ra để tinh giản và cơ cấu lại đội ngũ CBCC, và nếu đề án được phê duyệt, dự kiến thời gian thực hiện sẽ từ 1.1.2014 - 31.12.2020.

30% CCVC “sáng cắp ô đi, tối cắp về” , nhưng biên chế vẫn tăng

Theo số liệu của Bộ Nội vụ, tổng số biên chế CBCC từ trung ương đến cấp huyện ở nước ta tính đến hết năm 2007 là 346.379 người (không bao gồm biên chế sự nghiệp và CA, quân đội); biên chế CBCC cấp xã là 243.663 người. Đến hết năm 2012 (qua 5 năm thực hiện Nghị định 132 về tinh giản biên chế), tổng số biên chế CBCC từ trung ương đến cấp huyện tăng lên 388.480 người (tăng hơn 42.000 biên chế); CBCC cấp xã tăng lên con số 257.675 người (tăng hơn 14.000 biên chế).

Theo Bộ Nội vụ, thực hiện Nghị định 132/2007/NQ-CP, nhiều cơ quan đã tiến hành tinh giản biên chế nhưng kết quả thu được còn rất hạn chế, chưa triệt để. Nhiều cơ quan sau khi đưa một số CBCC ra khỏi bộ máy thì lại tuyển mới đúng bằng số đã giảm!

Đã có nhiều luồng ý kiến khẳng định có tới 30% CCVC “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, nhưng tại sao biên chế vẫn cứ tăng? Tại hội thảo, số liệu của Ban soạn thảo dự thảo “Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức” đã chỉ ra rằng, chính sách tinh giản biên chế hiện nay chưa thực sự giảm được những người cần giảm, chưa tạo điều kiện cho những người có nhu cầu xin ra khỏi bộ máy hành chính NN thực hiện được nguyện vọng cá nhân.

Hơn nữa, việc rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế của nhiều bộ, ngành, địa phương không có phương án cụ thể ngay từ đầu, nên không có kế hoạch về số lượng người phải tinh giản, cũng như ai sẽ là người được giữ lại trong cơ cấu của cơ quan, đơn vị.

Ngoài ra, chưa xây dựng được danh mục vị trí việc làm, cơ cấu CBCC theo ngạch nên không có cơ sở để tuyển dụng, bổ nhiệm, bố trí cán bộ công chức một các hợp lý, hiệu quả.

5 nhóm giải pháp

5 nhóm giải pháp về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCC đã được Bộ Nội vụ nêu ra tại hội thảo. Đó là: Tuyên truyền nâng cao nhận thức, thống nhất hành động; giải pháp về sắp xếp lại tổ chức bộ máy; nhóm giải pháp về cơ chế quản lý cán bộ công chức, viên chức; nhóm giải pháp về đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ quan, tổ chức và nhóm giải pháp về chế độ, chính sách tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCC.

Theo yêu cầu về tinh giản biên chế thì những đối tượng phải tinh giản gồm: Những người không thường xuyên bảo đảm chất lượng và thời gian lao động quy định, chuyên môn, nghiệp vụ yếu, không đủ sức khỏe làm việc...; những người dôi ra do điều chỉnh cơ cấu công chức, viên chức ở bộ phận phục vụ; những người được cơ quan điều động sang tổ chức không sử dụng biên chế, ngân sách nhà nước... Tuy nhiên, trên thực tế, hầu như không có đối tượng bị tinh giản biên chế vì lý do “không đáp ứng được yêu cầu công việc hay thiếu tinh thần trách nhiệm”. Số lượng ít ỏi biên chế giảm được là do "sức khỏe yếu” vì họ sắp đến tuổi hưu.

Theo số liệu của Bộ Nội vụ, trong 5 năm qua, cả nước có 67.389 người nghỉ thuộc diện “tinh giản biên chế”, nhưng có tới 61.018 người nghỉ hưu trước tuổi (chiếm hơn 90,5%). Điều đó khẳng định rằng, tinh giản biên chế CBCC không đúng thực chất, chỉ là đối phó theo tình thế và trông chờ vào... “cảm thông” của những người sắp nghỉ hưu!

Để tinh giản biên chế đi vào thực chất, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng phải thay đổi từ tư duy, nhận thức, chứ không phải chỉ đơn giản là giảm một cách cơ học, máy móc về số lượng CBCC. Tinh giản bao hàm cả vấn đề nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ CBCC cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng được khối lượng công việc ở mỗi cơ quan, đơn vị. Và điều quan trọng là phải giải quyết ổn thỏa số CBCC dôi dư, phải có chính sách thỏa đáng cho họ; không gây xáo trộn, không làm người trong diện tinh giản phải đối mặt với những khó khăn lớn trong cuộc sống.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/khong-co-chuan-giam-lam-sao-giam-duoc-bien-che/123230.bld