Không chủ quan với bệnh viêm dạ dày

Vi khuẩn Helicobacter Pylori (viết tắt HP) là vi khuẩn có thể gây viêm loét niêm mạc dạ dày - tá tràng, tiến triển thành ung thư dạ dày. Trong khi đó theo thống kê mới công bố, có 70% dân số Việt Nam nhiễm vi khuẩn HP. Và con số này thật sự đáng lo như thế nào?

Ảnh minh họa.

Theo thống kê ở Hà Nội cứ 1.000 người thì có đến 700 trường hợp nhiễm vi khuẩn HP. Còn tại TP HCM, 90% số người bị viêm dạ dày có xuất hiện loại vi khuẩn này.

Vi khuẩn HP có thể lây qua đường ăn uống nên nguy cơ nhiều người trong gia đình cùng mắc hay mắc đi mắc lại nhiều lần là rất lớn. Ngoài ra, người Việt có thói quen ăn chung nên nguy cơ mắc vi khuẩn HP lại càng cao.

Có từ 90 đến 95% trường hợp nhiễm HP gây viêm loét tá tràng. Nhiều khảo sát cũng từng chỉ ra kết quả, từ 70 đến 75% bệnh nhân bị viêm loét dạ dày có sự hiện diện của vi khuẩn HP. Từ năm 1994 WHO xếp HP vào nhóm I các tác nhân gây ung thư dạ dày.

Gần đây, nhiều người còn cảm thấy hoang mang khi đi xét nghiệm, hay nội soi dạ dày có vi khuẩn HP.

Theo TS BS Nguyễn Công Long- phó trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, cần có cái nhìn đúng đắn hơn về vai trò sinh bệnh của HP trong các bệnh về dạ dày - tá tràng và những trường hợp nào mới thật sự cần thiết phải làm xét nghiệm chẩn đoán HP và điều trị triệt để.

Ít ai biết rằng đến 50% dân số thế giới bị nhiễm HP, trong số đó chỉ có một số người nhiễm HP sẽ tiến triển thành bệnh loét dạ dày - tá tràng, chỉ rất ít trường hợp mới thật sự tiến triển thành ung thư dạ dày.

Điều này là do mối tương tác giữa chủng HP bị nhiễm với đặc điểm di truyền và các thói quen ăn uống (đặc biệt là hút thuốc lá, ăn các thức ăn mặn hoặc thức ăn được ngâm ướp bảo quản...) của người bị nhiễm. Hầu hết người bị nhiễm HP trong suốt cuộc đời hoàn toàn không có triệu chứng hoặc mắc các bệnh tiêu hóa nghiêm trọng.

Trên thực tế cũng chỉ ra không phải tất cả người nhiễm HP đều phát bệnh dạ dày vì cơ thể của một số người có khả năng kháng lại tác hại của vi khuẩn H.P.

Theo thống kê, khoảng 50% dân số thế giới nhiễm HP, nhưng chỉ có khoảng 10% trong số đó có bệnh lý về dạ dày - tá tràng và 1 - 3% bị ung thư dạ dày.

Theo bác sĩ Võ Văn Thu, cơ thể người nhiễm HP có tạo kháng thể nhưng không có khả năng phòng bệnh. Hiện nay chưa có văcxin phòng bệnh, do vậy để tránh nhiễm bệnh, mọi người cần giữ vệ sinh ăn uống, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Thực hiện ăn chín uống sôi, hạn chế ăn ngoài đường phố, hạn chế dùng chung muỗng, đũa, chén… Nếu trong nhà có người bị bệnh nên đến khám bác sĩ chuyên khoa và điều trị diệt vi khuẩn HP sớm.

Cũng lời khuyên của các bác sĩ, cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm có hay không vi khuẩn HP để từ đó có liệu trình điều trị phù hợp.

Ngoài ra, các biện pháp kết hợp mới nhằm làm gia tăng hiệu quả vừa diệt HP vừa phòng ngừa lây nhiễm, tái nhiễm HP là hướng quan tâm hàng đầu hiện nay của y học.

Phải dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ vì có thuốc phải uống trước bữa ăn, có thuốc uống sau ăn mới phát huy tác dụng, uống thuốc phải đủ liều lượng, đủ thời gian, không được thấy hết đau tự ý ngưng thuốc.

Thời gian điều trị trung bình khoảng 6 tuần. Người bệnh tuyệt đối không được tự điều trị. Hiện nay vi trùng này kháng thuốc rất nhiều do việc tùy tiện mua thuốc để trị, do đó dễ gây kháng thuốc gây nên sự thất bại trong điều trị.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/suc-khoe/khong-chu-quan-voi-benh-viem-da-day-381845