Không chủ quan trong phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Sáng 4-9, thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến giao ban công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn. Các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Nguyễn Đức Chung, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND thành phố dự, chủ trì hội nghị.

Trước tình hình số người bệnh mắc SXH đang có chiều hướng giảm, lãnh đạo thành phố yêu cầu các địa phương, đơn vị không chủ quan, mà tiếp tục tăng cường phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm tất cả các hộ dân, trường học, khu vực công được phun thuốc, tiêu diệt bọ gậy.

Nỗ lực khống chế dịch bệnh

Đến ngày 2-9, trên địa bàn Hà Nội có gần 25 nghìn người mắc SXH, trong đó có bảy trường hợp tử vong. Các đơn vị có nhiều người mắc nhất là các quận Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, huyện Thanh Trì...

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, trong tháng 8, thành phố đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt phòng, chống dịch; tích cực chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, tập huấn liên quan tới dịch SXH... Hiện tất cả 584 xã, phường thuộc 30 quận, huyện, thị xã đã thành lập hơn 33 nghìn đội xung kích diệt bọ gậy với sự tham gia của hơn 77 nghìn người và gần 5.000 tổ giám sát với hơn 10 nghìn người tham gia. Theo số liệu mới nhất của Sở Y tế, từ ngày 12-8 đến 2-9, toàn thành phố đã có hơn 5,8 triệu lượt gia đình; hơn 9.600 lượt trường học; hơn 3.400 lượt công trường có người ở; 1.000 khu chợ... được kiểm tra công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy.

Về phun hóa chất diệt muỗi, đến nay đã có hơn 261 nghìn hộ dân nằm trong diện khoanh vùng được phun thuốc (chiếm hơn 79%); 82% số công trường có người ở và hơn 73% số chợ đã được phun thuốc... Đáng chú ý, toàn bộ 2.668 trường học trên địa bàn đã được phun hóa chất, nhiều trường đã hoàn thành phun hóa chất lần thứ ba để kịp phục vụ khai giảng. Để chuẩn bị cho hơn 800 nghìn sinh viên nhập học, trong hai ngày 8 và 9-9 tới, Thành đoàn Hà Nội sẽ ra quân tổng vệ sinh, diệt muỗi, bọ gậy tại tất cả các trường đại học, ký túc xá, các điểm nhà trọ đông sinh viên...

Trong quá trình triển khai, một số địa phương đã có cách làm sáng tạo để phòng, chống dịch như quận Hoàng Mai huy động kinh phí xã hội hóa, phát 1.600 chiếc màn tại các khu nhà trọ. Quận Hà Đông tăng cường tuyên truyền, xử phạt 500 nghìn đồng/lần đối với các trường hợp không hợp tác phòng, chống dịch. Các quận: Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, huyện Thanh Oai huy động sinh viên, lực lượng vũ trang trên địa bàn hỗ trợ diệt bọ gậy, phun hóa chất phòng, chống dịch...

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đánh giá, trong tháng 8 vừa qua, số lượng người bệnh mắc SXH có xu hướng giảm dần. Số người bệnh điều trị nội trú tại bệnh viện giảm trung bình 300 người/ngày. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn chủ quan, xem thường dịch bệnh, cho nên chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, chưa hợp tác với các đội phun hóa chất. Một số gia đình chỉ cho phun tầng một hoặc đóng cửa không tiếp tổ công tác. Diệt bọ gậy, một khâu quan trọng trong phòng, chống dịch SXH vẫn chưa đạt yêu cầu. Kết quả kiểm tra thực tế tại các gia đình đã được đội xung kích diệt bọ gậy cho thấy, vẫn có tới 17,9% số hộ còn ổ bọ gậy. Một số đơn vị có tỷ lệ cao như Thanh Oai 44,2%, Mỹ Đức 37,5%, Hoài Đức 35,8%, Sóc Sơn 30%, Quốc Oai 27,6%, Phú Xuyên 26,7%; Bắc Từ Liêm 23,8%.

Tăng cường sự vào cuộc của người dân

Tại hội nghị, đồng chí Hoàng Trung Hải ghi nhận, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, công tác phòng, chống SXH trên địa bàn thành phố đã đạt được những kết quả bước đầu. Trong ba tuần gần đây, số người bệnh mắc mới, số người bệnh phải nằm viện điều trị đều đã giảm, các bệnh viện đã không còn tình trạng quá tải. Từ 3.600 ổ dịch ban đầu, đến nay thành phố còn 711 ổ dịch là kết quả tích cực. Kết quả nêu trên cho thấy các giải pháp của thành phố đã đi đúng hướng và từ đó cần các giải pháp tích cực hơn nữa.

Đồng chí nhấn mạnh, các đơn vị không chủ quan với những kết quả đã đạt được, mà phải quyết tâm, quyết liệt hơn trong công tác phòng, chống dịch SXH. Đồng chí lưu ý, trước diễn biến thời tiết phức tạp như hiện nay, việc triển khai vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phun hóa chất chưa thật sự triệt để, nhất là thời gian tới, khi sinh viên các trường cao đẳng, đại học sẽ về Hà Nội nhập học thì nguy cơ dịch vẫn có thể phức tạp với số người mắc gia tăng.

Đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội bày tỏ lo ngại khi một số địa phương vẫn coi thường, chưa tập trung lực lượng, chưa thấy tính nghiêm trọng của dịch và nhiều hộ dân vẫn chưa nhận thức được sự nguy hiểm của SXH, cho nên không hợp tác với các lực lượng chức năng khi phun thuốc, diệt bọ gậy. Trước thực tế này, các quận, huyện phải thực hiện công tác phòng, chống dịch đồng bộ, nhất là khi SXH đang có dấu hiệu lan ra ngoại thành. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và hợp tác trong việc phun hóa chất, vì không chỉ để bảo vệ gia đình mình, mà còn bảo vệ cộng đồng, thành phố.

Đồng chí giao nhiệm vụ, trong tuần tới, các đơn vị, đoàn thể tập trung phòng, chống dịch, bảo đảm phun hóa chất, diệt bọ gậy tại tất cả các nhà dân, trường học, ký túc xá, các khu vực công cộng không để bùng phát dịch bệnh. Thành phố phải tập trung xử lý dứt điểm 711 ổ dịch còn lại, phun hóa chất diện rộng, tới từng nhà diệt bọ gậy và phải làm đi làm lại nhiều lần, làm cả thứ bảy, chủ nhật đến lúc hết các ổ dịch mới thôi. Đồng chí cũng yêu cầu Sở Y tế hướng dẫn chuyên môn, bàn giao quy trình, phác đồ điều trị cho các huyện, trung tâm y tế và trạm y tế xã để người bệnh không phải đi xa khi khám, chữa bệnh, đồng thời giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên.

Hằng năm, đỉnh dịch SXH thường rơi vào thời điểm từ tháng 9 đến tháng 11. Điều này có nghĩa là "cuộc chiến" với SXH trên địa bàn Hà Nội và cả nước còn rất phức tạp, Đòi hỏi chính quyền các cấp và mỗi người dân Thủ đô cần tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống dịch, không được chủ quan trong mọi tình huống.

AN TRÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/33998302-khong-chu-quan-trong-phong-chong-dich-sot-xuat-huyet.html