'Không chống được in lậu, không thể tạo ra thị trường in lành mạnh'

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm khẳng định cần triển khai đồng bộ các giải pháp, tuyên chiến với vấn nạn in lậu, phát hành sách lậu.

Phát biểu tại hội nghị diễn ra chiều 22/3 tại Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - cho rằng công tác phòng, chống in lậu và phát hành sách lậu là một nội dung rất quan trọng gắn chặt với hoạt động in và công tác quản lý hoạt động in.

Theo ông, không chống được in lậu, không tạo ra thị trường in lành mạnh cũng là không thể bảo vệ sự phát triển theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại của ngành.

"Chúng ta cần triển khai đồng bộ các giải pháp, tuyên chiến với 'vấn nạn in lậu, phát hành sách lậu', coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác quản lý, đồng thời cũng là việc của mỗi doanh nghiệp in trước đối thủ cạnh tranh không lành mạnh của mình", thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại hội nghị.

Ngành in Việt Nam đang tiến dần đến hiện đại hóa

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết hoạt động in năm 2023 và triển khai công tác ngành In năm 2024, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông - đánh giá ngành In năm qua đạt được một số kết quả nổi bật.

Đó là số lượng cơ sở in có sự tăng trưởng về quy mô. Ngoài các trung tâm in lớn, đã xuất hiện thêm một số khu vực trọng điểm có số lượng cơ sở in tăng cao. Số cơ sở in mở mới chủ yếu là các doanh nghiệp in bao bì. Ngoài ra, một số cơ sở in trong nước cũng được mở mới để tham gia vào thị trường in xuất bản phẩm xuất khẩu do các đơn hàng từ thị trường Trung Quốc chuyển dịch sang Việt Nam nhằm hưởng ưu đãi về thuế suất và giá nhân công lao động.

Ngoài ra, ngành đã đầu tư đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật và đổi mới công nghệ, bắt kịp trình độ phát triển khu vực và thế giới. Đặc biệt một số cơ sở in xuất bản phẩm đã tham gia vào thị trường in xuất khẩu, có những doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành doanh nghiệp tự xuất khẩu xuất bản phẩm.

Bên cạnh đó, năng lực quản trị, chuyển đổi số của các doanh nghiệp in có nhiều thay đổi tích cực. Nhiều doanh nghiệp in đã quan tâm đến việc quản trị, quản lý chất lượng đạt các chứng chỉ quốc tế hay đầu tư cho quản lý các công đoạn sản xuất, kiểm soát máy móc thiết bị, quản lý và kiểm soát giá trị đơn hàng, quản lý thông tin khách hàng, quản lý vật tư, nguyên vật liệu đặc biệt xây dựng phần mềm quản lý in ấn.

Báo cáo tại hội nghị cũng cho thấy năm 2023, sản lượng giấy tiêu dùng các loại đạt 6,623 triệu tấn, tăng trưởng 15%, tương ứng với lượng tăng 865 triệu tấn so với năm 2022 (đạt sản lượng 5,758 triệu tấn).

Bên cạnh đó, trong năm 2023, có tổng số 69.079 chiếc máy in được nhập khẩu với giá trị là 7.067 tỷ đồng. Trong đó, máy in công nghiệp nhập khẩu vào Việt Nam là 926 chiếc với giá trị là 4.143 tỷ đồng (tăng 43% so với năm 2022). Máy photocopy màu và máy in đa chức năng là 63.236 chiếc (tăng 27,6% so với 2022) với giá trị là 1.087 tỷ đồng (giảm 51,6% so với năm 2022).

Báo cáo nhận định in kỹ thuật số cũng phát triển nhanh với các thiết bị in khổ lớn, tốc độ cao, đáp ứng thị trường in thương mại và in sản phẩm cá nhân hóa.

Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông - đánh giá ngành In năm qua đạt được một số kết quả nổi bật song cũng có những hạn chế.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp in cũng còn tồn tại những hạn chế nhất định khiến cho ngành đứng trước những khó khăn. Đó là nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu và tốc độ phát triển.

"Đây là vấn đề được đưa ra bàn trong nhiều năm qua, tuy nhiên các giải pháp chưa thực sự toàn diện, các doanh nghiệp in kêu nhiều nhưng chưa thực sự chung tay để giải bài toán nguồn nhân lực. Các công ty in cũng cần phải đột phá càng sớm càng tốt, chú trọng đào tạo nhân sự, tăng cường nỗ lực nghiên cứu và phát triển, cập nhật đổi mới nhằm phát triển doanh nghiệp và ngành. Nhân tài là yếu tố hỗ trợ quan trọng nhất cho sự đổi mới và phát triển của doanh nghiệp", ông Nguyễn Nguyên nhận xét.

Cùng đó, ngành in còn thiếu các doanh nghiệp đầu ngành tích cực dẫn dắt và tiếp tục đóng vai trò là đầu tàu trong đổi mới công nghệ. Ngoài ra, ngành chưa có các bộ quy chuẩn hay tiêu chuẩn hóa áp dụng đối với chất lượng của các sản phẩm in trong nước.

Ông Nguyễn Nguyên cho rằng điều này vô hình chung đã làm cho việc hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chưa đi vào sự thống nhất chung, người tiêu dùng có thể sử dụng những sản phẩm hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái...

Phát triển mô hình nhà máy thông minh

Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết hoạt động in năm 2023 và triển khai công tác ngành In năm 2024 chỉ ra ngành in là ngành công nghệ có tính toàn cầu hóa và hiện đại hóa cao luôn gắn với thị trường quốc tế. Thực tế thời gian qua cho thấy bất kỳ vấn đề nào biến động về kinh tế, chính trị trên thế giới đều ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự phát triển của ngành in, vì vậy ngành in luôn phải đối mặt với những thách thức lớn.

Thị trường in thế giới đang phục hồi và bắt đầu thích nghi với môi trường hoạt động mới, tăng trưởng nhiều ở thị trường in bao bì và nhãn mác, trong đó châu Á là thị trường tăng trưởng mạnh nhất. Báo cáo dự báo trong 5 năm tới thị trường in bao bì và đóng gói sản phẩm sẽ chuyển dịch sang khu vực Đông Nam Á và Việt Nam được xem là điểm đến đầy tiềm năng.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng để ngành in có bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong năm 2024 và phát triển bền vững trong thời gian tới, cần đẩy mạnh, tập trung một số nội dung.

Một số cá nhân xuất sắc trong phong trào thi đua lĩnh vực in năm 2023 được trao bằng khen tại hội nghị.

Thứ nhất, việc áp dụng các phương pháp thân thiện với môi trường, giảm tác động của ngành in lên môi trường sẽ giúp thúc đẩy thị trường, tạo lợi thế cạnh tranh cho các các doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến.

Thứ hai, xu hướng phát triển mô hình nhà máy thông minh “Smart Factory” buộc các doanh nghiệp in phải thay đổi bằng việc tối ưu hóa trong tất cả quy trình sản xuất kinh doanh. Môi trường kết nối mạng thông minh, sử dụng các dịch vụ và các giải pháp công nghệ thông tin được quản lý bởi các nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, sẽ giúp các doanh nghiệp giảm bớt chi phí và tăng cường tính linh hoạt trong quy trình sản xuất kinh doanh của họ.

Kế tiếp, về vấn đề nguồn nhân lực, cần phải có thảo luận sâu hơn, không chỉ dừng lại ở việc nêu vấn đề có tính nguyên tắc như đổi mới cách thức tuyển sinh, hình thức đào tạo, gắn đào tạo với doanh nghiệp, tăng cường vai trò của các tổ chức hiệp hội, doanh nghiệp để có trách nhiệm hỗ trợ cùng phát triển...

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng đề nghị Cục Xuất bản, In và Phát hành phối hợp cùng Trường Cao đẳng Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội in Việt Nam và các chuyên gia trong ngành triển khai xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam cho ngành in, bám sát với các tiêu chuẩn quốc tế, để từ đó có những quy chuẩn chung cho sản phẩm, cho máy móc thiết bị, cho nguyên vật liệu, cho quy trình sản xuất giúp chuẩn hóa ngành công nghiệp in.

Phát huy vai trò của các Hiệp hội nghề. Các cơ sở in, các hiệp hội cần tăng cường hơn nữa trong giao lưu với các hiệp hội nghề, các doanh nghiệp in khu vực và thế giới, tranh thủ nghiên cứu, học hỏi và phổ biến các kinh nghiệm hay mô hình phù hợp mà trước mắt là kinh nghiệm để các doanh nghiệp in Việt Nam có thể thành công trong việc tiếp cận, hoàn thiện các tiêu chuẩn quốc tế, góp phần tham gia vào chuỗi cung ứng và đẩy mạnh thị trường xuất khẩu.

Ánh Hoàng

Ảnh: Thụy Trang

Nguồn Znews: https://znews.vn/khong-chong-duoc-in-lau-khong-the-tao-ra-thi-truong-in-lanh-manh-post1466279.html