Không chịu nổi đàn ông, nên tôi 'phải thành công'

Đằng sau sự thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng của một người đàn bà. Vậy đằng sau sự thành công của người đàn bà là gì?

Tôi thành công vì… căm ghét đàn ông

Chị Mỹ Loan (chủ chuỗi 3 quán cà phê ở Q.10, Tp.HCM) tâm sự về động lực thành công của mình. Với quán cà phê đầu tiên, chị đã bỏ hết công sức cùng chồng mở mang rộng lớn, công việc điều hành quản lý một tay chị sắp xếp vì sợ chồng không lo chu đáo.

Nhưng chồng chị Loan không hiểu được điều đó, mà còn cho rằng bị vợ coi thường và đâm ra hậm hực. Từ suy nghĩ anh biến nó thành hành động. Tính tình anh bắt đầu thay đổi chóng mặt, không những không giúp đỡ chị trong công việc làm ăn, anh còn là người phá tan sự nghiệp của chị bằng cách ăn chơi bồ bịch, bài bạc, tiêu xài hoang phí...

Ảnh minh họa

Nợ nần chồng chất, bao nhiêu công sức bỏ ra tiêu tan. Cùng quẫn chị tuyên bố ly dị chồng trong lời gièm pha của họ hàng bên đó. Một mình nuôi con, chị quyết tâm lao đầu vào làm việc để gây dựng lại sự nghiệp. Không tiền bạc, không tình yêu, không chồng, không người chia sẻ, giúp đỡ…

Một mình chèo chống để đối mặt với cuộc sống và nuôi con. Giờ đây khi đã là chủ của chuỗi 3 quán cà phê nổi tiếng ở Sài Gòn, chị Mỹ Loan tâm sự rằng: “Đằng sau sự thành công của chị chắc chắn có một chút căm ghét đàn ông, có một chút tự ái đàn bà, có cả sự oán trách của đời”.

Nói thế, nhưng chị cũng phải cảm ơn may mắn mà ông trời đã đem đến cho chị. Người chồng chị căm ghét đã cho chị nhiều bài học ở đời, chị nhận biết được cách xử sự tốt hơn khi là một người phụ nữ ở cương vị làm chủ, với bao nhiêu nhân viên là nam giới bên dưới. Có lẽ khó khăn lớn nhất của người phụ nữ thành công trong công việc là biết bỏ đi cái tôi mình. Dù ở có thành đạt trong sự nghiệp thế nào, thì khi về với gia đình họ vẫn phải là người vợ.

Tôi thành công là vì... có người chồng “quá vĩ đại”

Với chị Thúy Nga (chủ shop rượu bia trên đường Điện Biên Phủ, Q3, Tp.HCM) thì con đường thành công của chị hoàn toàn ngược lại: “Nếu đằng sau sự thành công của một người đàn ông có bóng dáng người phụ nữ. Thì đằng sau sự thành công của một người phụ nữ phải tồn tại một người chồng vĩ đại”. Lấy thực tế từ gia đình chị suy ra, chị có được sự thành đạt như hiện nay thì công chính phải thuộc về chồng chị khi anh luôn biết nhường nhịn, hy sinh cái tôi của mình và luôn đặt hạnh phúc gia đình lên hàng đầu.

Nhanh nhẹn, có duyên buôn bán nên từ ngày mới cưới, công việc ở cửa hàng luôn do chị đảm nhận và mặc nhiên đặt chồng vào vị trí chăm con, coi sóc việc nhà dù anh đang là công chức nhà nước. Mọi việc kiếm tiền chi tiêu cho hai bên nội ngoại đều do chị lo liệu. Sự lép vế trước vợ khiến anh thường xuyên gánh chịu sự mỉa mai, tỉa tót của người thân lẫn bạn bè vì sự thấp kém của mình.

Chị Nga tâm sự, những năm đầu hôn nhân, khi chưa đủ chín chắn để suy xét chị cũng nhiều lần cậy thế áp đảo về tài chính mà lấn lướt anh. Trong khi anh cố đấu dịu để giữ hòa khí thì chị cứ được nước lấn tới mặc nhiên không thèm để ý đến cảm xúc của chồng. “Nếu như lần đó anh ấy bỏ đi luôn thì tôi cũng không biết phải sống thế nào?”, đôi mắt đỏ hoe chị kể lại chuyện cách đây hai năm.

Trong một lần vì bực dọc chuyện làm ăn, sẵn thấy anh chồng lăng xăng ngoài cửa hàng làm đổ vỡ đồ đạc, chị Nga đã nặng lời nói anh là đồ vô dụng không biết làm gì trước mặt nhân viên. Như tức nước vỡ bờ, anh lẳng lặng bỏ đi không một lời trách móc. Cả gia đình và họ hàng hai bên đổ xô đi kiếm tìm anh trong tuyệt vọng.

Vì anh không để lại một dấu vết gì, trách móc cũng không, than vãn cũng không… mọi thứ dường như mất tích theo anh. Mãi hơn một tuần sau anh mới quay về, chị như người chết đuối vớ được phao và chẳng cần ai khuyên bảo, từ đó chị đã biết được giá trị của anh nằm ở đâu và sự thành công của mình từ đâu mà có.

Lý giải sự tréo ngoe

Theo ông Nguyễn Ngọc Quyết (Giám đốc Trung tâm Tư vấn - Chăm sóc Sức khỏe Phụ nữ Hà Nội): Phụ nữ bị “đàn áp” nhiều quá, o ép nhiều quá sẽ vùng lên để chống cự lại. Tuy nhiên, cũng có tình trạng người phụ nữ “bạo lực tinh thần” chồng mà không biết. Tôi đã tư vấn cho nhiều nam giới bế tắc vì không thể chịu nổi áp lực do người vợ gây nên như: Quản lý thời gian, tiền bạc, các mối quan hệ…

Đàn ông sống vì dư luận, vì sĩ diện... nên sẽ khó lòng chấp nhận bản thân trở thành vai trò phụ trợ cho vợ. Trong một gia đình, nếu người vợ thành công nhiều thì lẽ đương nhiên người chồng ít nhiều cũng phải chịu sự xoi mói hơn. Chắc rằng nhiều ông chồng ở vị thế kém vợ sẽ luôn phải nghe câu: anh ta chỉ là đồ ăn bám vợ, núp váy vợ, anh ta chẳng biết làm gì ngoài chuyện rửa bát nấu cơm, đàn ông mà chẳng ra đàn ông...

Bản chất nằm ở chỗ, từ những quan niệm xã hội sâu xa, người phụ nữ bao giờ cũng có bản chất hiền dịu, chịu đựng và bao dung hơn người đàn ông nên họ có thể hy sinh cái tôi của mình một cách tự nguyện, dễ dàng hơn người đàn ông và luôn được xã hội thừa nhận, cổ vũ. Cho nên khi xoay chiều ngược lại, sự đánh đổi của người đàn ông bao giờ cũng khắc nghiệt và khó được con người và xã hội chấp nhận hơn.

Sưu tầm

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tinh-yeu-hon-nhan/khong-chiu-noi-dan-ong-nen-toi-phai-thanh-cong-111286/