Khống chế trần nợ công ở ngưỡng an toàn

Sáng 9/11, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình dự án Luật quy hoạch; nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm; biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm. Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, QH đã thảo luận tại Tổ về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; dự án Luật Quy hoạch.

Nợ công không vượt quá 65% GDP

Với 428/438 đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm. Trong đó tập trung nội dung mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị Quyết về kế hoạch tài chính 5 năm.

Nghị quyết nêu rõ, mục tiêu phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước cả giai đoạn 2016-2020 khoảng 6.864 nghìn tỉ đồng, tăng khoảng 1,65 lần so với giai đoạn 2011-2015; bảo đảm tỉ lệ huy động vào ngân sách nhà nước không thấp hơn 23,5% GDP; trong đó thuế, phí, lệ phí khoảng 21% GDP; tỉ trọng thu nội địa bình quân khoảng 84-85% tổng thu ngân sách nhà nước. Từng bước cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng tích cực.

Theo đó, tổng chi ngân sách nhà nước cả giai đoạn 2016-2020 khoảng 8.025 nghìn tỉ đồng (trong đó, tăng tỉ trọng chi đầu tư phát triển chiếm bình quân khoảng 25-26% tổng chi ngân sách nhà nước; giảm tỉ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64% tổng chi ngân sách nhà nước). Ưu tiên đảm bảo chi trả nợ, chi dự trữ quốc gia.

Tổng chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 tối đa khoảng 2.000 nghìn tỉ đồng. Bảo đảm an toàn nợ công, với mục tiêu nợ công hằng năm không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

Nghị quyết nêu rõ một số nhiệm vụ giải pháp là tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế tài chính và cơ chế tài chính quốc gia nhằm tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm tính đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định và phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển KTXH của đất nước và hội nhập quốc tế.

Cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước bảo đảm theo mục tiêu, định hướng đã đề ra. Thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính trong thu, chi ngân sách nhà nước. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định về đổi mới quản lý ngân sách nhà nước theo Luật Ngân sách nhà nước.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để chống thất thu, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, chống thất thoát, lãng phí trong chi ngân sách nhà nước, đặc biệt là trong chi đầu tư xây dựng cơ bản. Tích cực đôn đốc, xử lý nợ đọng thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước để giảm tối đa nợ đọng thuế…

Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các cơ chế, chính sách liên quan đến việc đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công, đặc biệt là đẩy nhanh lộ trình thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công tiến tới tính đủ chi phí, góp phần nâng cao tính tự chủ của các đơn vị; có lộ trình thực hiện giá thị trường đối với giáo dục, y tế gắn với hỗ trợ đối tượng chính sách xã hội và hộ nghèo…

Phải công bằng trong hỗ trợ doanh nghiệp

Về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số ĐBQH bày tỏ sự băn khoăn về tính khả thi và sự cần thiết phải ban hành dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) với dự thảo Luật này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hỗ trợ toàn diện trên các lĩnh vực như vay vốn, giảm thuế, đào tạo, tư vấn, kết nối, khởi nghiệp…

Như vậy việc bảo đảm tính công bằng đối với các doanh nghiệp khác như thế nào? Thực tế, từng có trường hợp doanh nghiệp nước ngoài khởi kiện nước ta vì trợ giá, vi phạm quy tắc về đối xử công bằng giữa các doanh nghiệp, vậy nếu ban hành chính sách trợ giá cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thì có vi phạm các điều ước quốc tế hay không. Quy định này chắc chắn sẽ tạo ra lợi ích nhóm, cơ chế xin - cho,

ĐB Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) cho rằng, việc đặt ra chính sách, cơ chế hỗ trợ riêng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa là bởi tỉ trọng doanh nghiệp này đang chiếm trên 97% tổng doanh nghiệp của cả nước.

Mặt khác, so với các loại hình doanh nghiệp khác, doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều bất lợi về khả năng tiếp cận khoa học công nghệ, thu hút chất xám, tiếp cận các dự án lớn… Do vậy, việc ban hành dự án Luật là chính sách hỗ trợ mang tính bù đắp cho những điểm yếu của doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay.

Cũng theo ĐB Hoàng Thanh Tùng, nếu hỗ trợ 1 đến 2 doanh nghiệp có thể vi phạm nguyên tắc này, còn hỗ trợ cho tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, không phân biệt trong và ngoài nước thì không vi phạm. Tuy nhiên, ông Tùng cũng đề nghị, cần rà soát lại hệ thống pháp luật, xem cơ chế, chính sách đề ra cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phù hợp hay chưa.

Bởi lẽ, Ban soạn thảo mới chỉ đánh giá một số chính sách hỗ trợ được quy định tại Nghị định 56/2009/NĐ - CP ngày 30.6.2009 của Chính phủ về trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà chưa đánh giá một các tổng thể hệ thống các chính sách, pháp luật hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó nhiều ưu đãi đã được quy định trong Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Công nghệ cao… Do vậy, cần rà soát, nghiên cứu kỹ, tránh tình trạng luật ban hành ra không đi vào cuộc sống.

Đ. Tiến

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/khong-che-tran-no-cong-o-nguong-an-toan-45107.html