'Không chấp nhận tình trạng làm luật chạy tiếp sức'

Đây là quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tại phiên họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV khi cho ý kiến về sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 diễn ra chiều nay (3/10).

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Tại phiên họp, bà Lê Thị Nga cho rằng, nguyên tắc thông qua luật là quá bán, nhiều đạo luật rũ ra thì quay lại bàn bạc vì 100 người có 51 người đồng ý, 49 người không đồng ý, cho nên chấp nhận sự khác biệt tương đối khi xem xét một đạo luật mới.

“BLHS khác với các đạo luật khác, vì thế phải rất cụ thể vì chết người ngay, chỉ cần nhích một cái là vào tù, nhích một điểm là tử hình. Liên quan đến phạm vi sửa đổi (cái gì là kỹ thuật, cái gì là nội dung), trong BLHS dấu phẩy là kỹ thuật cũng là nội dung, những nội dung đều là chính sách hình sự. Do đó, những sai sót về kỹ thuật dẫn đến sai sót về nội dung” – bà Nga nói.

Bà Nga cho rằng nên giữ nguyên những điều cơ bản đã được Bộ Chính trị thông qua, Quốc hội cho ý kiến về chính sách nhân đạo, sự tiến bộ xuyên suốt quá trình xây dựng luật hình sự. Còn những sai sót kỹ thuật dẫn đến sai sót nội dung thì bà Nga xin phép cho phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát lại lần nữa theo hướng khi ĐBQH lại phát hiện thêm thì cho phép du di chứ không bó hẹp trong 141 điều được trình sửa đổi, bổ sung.

“Cho dù thông qua 1 kỳ họp hay 2 kỳ họp thì kỷ luật của của các cơ quan tham gia chỉnh lý phải khác ngày trước. Chúng tôi liên tục có văn bản gửi Bộ trưởng các Bộ, ngành tham gia cho đầy đủ, không chấp nhận tình trạng làm luật chạy tiếp sức như thời gian qua” – bà Nga nhấn mạnh.

Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, thứ nhất, sửa BLHS theo cách tiếp cận như quan điểm của Chính phủ trình là phù hợp, đảm bảo sự đồng bộ, tương thích với các đạo luật liên quan, tránh tình trạng sửa luật này lại phải đi sửa tiếp các luật khác.

Thứ 2 là phải đảm bảo tuân thủ nghiêm túc chính sách hình sự của chúng ta đã được Quốc hội khóa XIII thảo luận thông qua, chính sách này là nhân đạo, có lợi cho nhân dân.

Thứ 3 là phải tập trung sửa đổi những điều khoản chưa đúng, chưa chính xác, chồng chéo, trùng lặp về nội dung hoặc cách thể hiện chưa phù hợp. Còn những vấn đề mới chưa được làm rõ bởi thực tiễn cần tiếp tục thực hiện, đánh giá rồi mới đặt vấn đề sửa tiếp hay không. Trên nguyên tắc đó phải gói gọn lại phạm vi sửa đổi. Mặt khác, không nên lùi quá lâu thời hạn thực thi luật này vì còn liên quan đến 3 đạo luật khác cũng phải chờ.

“Thời điểm lùi BLHS năm 2015, chúng ta nói là do sai sót kỹ thuật chứ không sai về chủ trương nên tôi thấy không cần thiết mở rộng phạm vi. Không nên rũ tung ra, chúng ta đem sửa cái mà chúng ta đã sai thôi. Cái gì hợp lý thì không nên sửa lại”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Kết luận phần thảo luận chiều nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, phạm vi sửa đổi theo hướng thứ 1 là sửa đổi bổ sung những điều khoản có lỗi kỹ thuật. Những lỗi kỹ thuật không quy định định lượng, bỏ định lượng….

Vấn đề thứ hai là sửa nội dung, liên quan đến chính sách hình sự, bảo đảm đây là những vấn đề liên quan đến BLHS năm 2015, bây giờ rà soát lại, tất cả các cơ quan đều cho rằng những điểm đó là sai, không thể không sửa được và có sự đồng thuận thống nhất cao của các cơ quan, cho nên những chính sách hình sự không trái với chính sách nhân đạo, không trái với yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm thì không đụng đến nữa.

N. Huyền

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/khong-chap-nhan-tinh-trang-lam-luat-chay-tiep-suc-post210514.info