Không cấp dưỡng sau ly hôn có bị phạt không?

Ảnh minh họa

Câu hỏi

Xin hỏi luật sư, tôi và chồng đã ly hôn. Theo bản án, người chồng có nghĩa vụ trợ cấp cho con tới 18 tuổi. Nếu chồng không trợ cấp nuôi con, tôi có thể làm đơn kiện được không, và họ có phải chịu khoản phạt nào không?

Trả lời

Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:

"Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó."

Ngoài ra, Điều 110 Luật Hôn nhân và Gia Đình 2014 có quy định như sau:

"Điều 110. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con

Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con."

Trong trường hợp cha, mẹ sau khi ly hôn và không sống chung cùng con sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con thuộc các đối tượng như sau: Con chưa thành niên; Con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Như vậy, nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn thuộc về người không trực tiếp nuôi con và trong trường hợp của bạn thì chồng bạn có nghĩa vụ phải cấp dưỡng cho con theo quy định.

Theo quy định pháp luật, hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật có thể bị phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng theo quy định tại Khoản 2 Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng từ chối, trốn tránh nghĩa vụ mà làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe thì người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo quy định tại Điều 186 Bộ luật Hình sự: Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, mức hình phạt đối với người phạm tội là bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Không chỉ vậy, nếu người có nghĩa vụ có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội không chấp hành bản án theo quy định tại Điều 380 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù thấp nhất là 3 tháng tù, cao nhất là 5 năm tù.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An

Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn

Phương Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khong-cap-duong-sau-ly-hon-co-bi-phat-khong.html