Không cần hành vi trực tiếp, thông qua điện thoại, tin nhắn cũng là bạo lực gia đình

Một số đại biểu cho rằng, thời gian qua, các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người có hành vi bạo lực gia đình (BLGĐ) hiệu quả chưa cao, là một trong những nguyên nhân dẫn đến số vụ BLGĐ vẫn gia tăng.

Để hạn chế phòng ngừa, nhiều quy định bảo vệ đối tượng bị bạo hành đã được đưa ra như: cấm tiếp xúc, giữ khoảng cách tối thiểu 50m, hay bổ sung quy định bảo đảm quyền chọn chỗ ở của người bị bạo lực gia đình và giao công an cấp xã hỗ trợ việc giám sát thực hiện quyết định cấm tiếp xúc... Tuy nhiên thảo luận tại tổ về vấn đề này, các đại biểu cho rằng những quy định này vẫn chưa hợp lý.

Một số đại biểu cho rằng, việc sửa đổi các quy định về biện pháp cấm tiếp xúc là cần thiết. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần quan tâm về khả năng áp dụng đối với một số nhóm đối tượng đặc thù như trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật.

Bà NGUYỄN THANH CẦM - Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang: “Người bị BLGĐ được lựa chọn nơi ở khi có lệnh cấm tiếp xúc, đây là điểm hay. Nhiều trường hợp người phụ nữ ra đi mang theo con mình thì quyền có chỗ ở là nhân văn nhưng quy định lại chung chung, đòi hòi cụ thể hơn nữa”.

Theo đại biểu Phạm Thị Hồng Yến (đoàn Bình Thuận), với quy định người bị cấm tiếp xúc phải giữ khoảng cách với người bị BLGĐ tối thiểu 50m, trường hợp có vật ngăn cách đảm bảo an toàn cho người bị BLGĐ thì không giới hạn khoảng cách, đại biểu cho rằng quy định này rất khó khả thi.

Bà PHẠM THỊ HỒNG YẾN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận: “Tôi cũng đề nghị đánh giá tính khả thi với khoảng cách từ 50m trở lên… Tính khả thi của 50m cần đánh giá tác động thêm, không cần hành vi trực tiếp mà thông qua điện thoại, tin nhắn cũng bạo lực rồi, do vậy khoảng cách 50m không thể phòng tránh được hành vi BLGĐ”.

Một số đại biểu cho rằng, thời gian cấm tiếp xúc theo quy định của dự thảo luật chỉ có 3 ngày là chưa phù hợp với thực tế, chưa thực sự tạo được an toàn cho người bị BLGĐ cũng như người tố giác, cung cấp thông tin về BLGĐ.

Ông TRẦN ĐÌNH CHUNG - Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng: Thời gian cấm tiếp xúc không quá 3 ngày là rất bất hợp lý. Do đó, việc giám sát người có hành vi bạo lực nên giao cho người bị bạo lực trực tiếp, đồng thời có trách nhiệm cung cấp thông tin, hình ảnh hành vi bạo lực cho công án xã để xử lý”.

Một số đại biểu cho rằng, thời gian qua, các biện pháp xử lý vi phạm hành chính hiệu quả không cao, trong một số trường hợp có tác dụng ngược. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung biện pháp “thực hiện hoạt động vì lợi ích cộng đồng”, có chế tài nặng hơn, mang tính răn đe, giáo dục.

Bà HOÀNG THỊ THANH THÚY - Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh: “Cần đặt lại các biện pháp răn đe, chứ cứ hòa giải thì vẫn gặp khó khăn, diễn ra nhiều năm qua. Những vụ việc phát hiện trong thời gian qua, hòa giải chỉ là biện pháp dành cho mâu thuân nhỏ, do vậy chúng ta nên xử phạt, răn đe, muốn bạo lực thì nhìn tấm gương để ngăn ngừa, xử phạt nghiêm minh”.

Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn 2009 - 2021, tổng số vụ bạo lực gia đình đã phát hiện trên cả nước là 324.641 vụ. Vấn nạn bạo lực gia đình đang có xu hướng trầm trọng, phức tạp hơn, đã và đang để lại hậu quả thương tâm cho nhiều gia đình, gây thiệt hại lớn đối với toàn xã hội.

Thực hiện : Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/khong-can-hanh-vi-truc-tiep-thong-qua-dien-thoai-tin-nhan-cung-la-bao-luc-gia-dinh