Không bỏ tạm trữ lúa gạo, nông dân càng làm càng lỗ

(Thị trường) - Ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, năm 2013, mặc dù cả hai đợt tạm trữ đông xuân và hè thu, các doanh nghiệp đã rất cố gắng thu mua lúa, gạo, nhưng hiệu quả tạm trữ không cao.

( Thị trường ) - Ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, năm 2013, mặc dù cả hai đợt tạm trữ đông xuân và hè thu, các doanh nghiệp đã rất cố gắng thu mua lúa, gạo, nhưng hiệu quả tạm trữ không cao.

Báo Dân Việt dẫn lời ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch VFA cho biết, mặc dù 2 đợt tạm trữ đông xuân và hè thu hiệu quả không cao nhưng VFA vẫn kiến nghị, bên cạnh việc sửa đổi một số quy định trong Nghị định 109/2010 và Thông tư 44/2010 của Bộ Công Thương, Chính phủ và các bộ, ngành nghiên cứu, xem xét thay thế giải pháp tạm trữ bằng giải pháp phù hợp hơn. Tuy vậy, việc đề xuất này phải do Bộ NN&PTNT thực hiện.

Trong khi đó, trả lời trên báo Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, chính sách tạm trữ gạo là một cách làm không mang lại hiệu quả trực tiếp cho nông dân, nhưng đấy là cách làm đơn giản và dễ thực hiện nhất.

Thực tế là nhà nước hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp xuất khẩu mua gạo trên thị trường, việc làm này tác động tăng cầu tiêu thụ gạo đẩy giá lúa trên thị trường tăng 100 - 200 đồng/kg.

Theo phân tích của PGS. TS Nguyễn Văn Nam, việc hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp xuất khẩu giúp họ giảm chi phí cho việc thu mua gạo, tức là mua được giá rẻ, và đương nhiên doanh nghiệp cũng sẵn sàng xuất khẩu với giá rẻ hơn mà lợi nhuận không bị suy giảm.

Thêm nữa, nhà xuất khẩu sẵn sàng bán giá rẻ vì họ có một chân hàng rất dồi dào trong nước, và họ sẽ tiếp tục xuất khẩu lô thứ 2, 3… tổng hợp lại là lợi nhuận của họ cao hơn nhiều so với việc họ dự trữ và chờ giá cao mới xuất hàng.

Hiệp hội lương thực Việt Nam đề xuất, năm 2014 vẫn giao chỉ tiêu thu mua tạm trữ nhưng để doanh nghiệp mua theo giá thị trường.

Vì vậy, chính sách hỗ trợ tạm trữ gạo lại vô tình đẩy giá xuất khẩu gạo Việt Nam xuống thấp. Với giá thấp đó, lợi ích nhà xuất khẩu không hề suy giảm, còn người nông dân chịu mọi thua thiệt, càng làm càng lỗ.

"Bản thân nông dân cần bán thóc, còn chương trình lại hỗ trợ mua gạo, như vậy “lợi ích cho người nông dân” chỉ là một con bài chính trị nhằm thực hiện lợi ích thiết thực và lớn lao cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Mặt khác, xưa nay chỉ có thể dự trữ thóc lúa thì mới có thể duy trì được chất lượng hạt gạo, còn dự trữ gạo chỉ có làm chất lượng hạt gạo giảm, dự trữ càng lâu chất lượng càng giảm, kéo theo giá trị giảm", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh.

Trước nhiều ý kiến cho rằng việc tạm trữ lúa gạo chỉ làm lời cho doanh nghiệp trong VFA thể hiện nhóm lợi ích, TS Alan Phan đã phân tích, để thị trường tốt hơn thì điều cần làm vẫn là phá thế độc quyền của VFA. Lúc đó, VFA muốn cạnh tranh họ cũng phải đưa ra chính sách mua và bán hợp lý, không có chuyện bị lỗ.

"Vấn đề lợi ích nhóm nằm ở tất cả các nền kinh tế trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Khi họ có chút quyền thì họ cố gắng tạo khe hở để thâu tóm quyền lực, lợi ích cho nhóm của mình.

Họ bắt tay nhau làm, tất cả những việc này rất bình thường trên thế giới. Nhưng ở Việt Nam pháp luật còn lỏng lẻo, vấn đề thực thi pháp luật còn lỏng lẻo hơn. Chỉ cần ra đường nhìn thấy vi phạm giao thông đã thấy rồi. Đó là cách rất Việt Nam nên thành ra khi có sự lỏng lẻo, người ta càng lợi dụng dễ hơn. Nếu ở các nước khác vấn đề này khó khăn thì ở Việt Nam lại dễ hơn nhiều.

Ở Việt Nam việc thành lập các nhóm, hội này, hội kia thì chẳng sao cả nhưng tuyệt đối không giao cho ai được thế độc quyền. Khi được độc quyền, họ muốn làm gì thì làm, nhưng khi có đối thủ, có cạnh tranh họ sẽ không thể nào làm gì thì làm như bây giờ.

Vấn đề là muốn dẹp bỏ nhóm lợi ích thì cần cởi mở nền kinh tế thị trường đích thực. Nếu chúng ta cứ làm kiểu như thế này thì tạo ra nhiều vấn đề. Nếu mọi người cùng nhau cạnh tranh thì đương nhiên nhóm lợi ích sẽ bớt quyền đi" TS Alan Phan nói.

Địa phương "tố" tạm trữ thiếu công bằng

Tại hội nghị tổng kết chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo diễn ra vào tháng 4/2013, ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch VFA đã đánh giá, cùng với việc mua tạm trữ và mua kinh doanh riêng của các doanh nghiệp, giá lúa trong nước đã tăng bình quân 100-150 đồng/kg so với trước khi mua tạm trữ.

Nhiều địa phương “tố” tạm trữ lúa gạo thiếu công bằng

“Mức tăng không lớn nhưng vẫn đảm bảo nông dân trồng lúa có lãi, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu gạo gặp khó khăn thời gian qua” - ông Phong cho biết.

Tuy nhiên, nhiều địa phương lại cho rằng chương trình này chưa hiệu quả và thiếu công bằng...

Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, bức xúc cho biết trong vụ đông xuân vừa qua, nông dân tỉnh Đồng Tháp đã bị thiệt hại rất lớn do VFA công bố thời điểm mua lúa tạm trữ quá chậm.

Bởi vì ngày 20/2/2013, khi VFA bắt đầu mua lúa tạm trữ thì diện tích lúa đông xuân đã thu hoạch của Đồng Tháp đạt 60%, Kiên Giang 50%, Long An và An Giang khoảng 20%, tổng diện tích thu hoạch đã đạt hơn 300.000ha. 10 ngày sau khi ban hành quyết định tạm trữ, giá lúa tăng trung bình 500 đồng/kg. Nếu lấy diện tích đã thu hoạch nhân với năng suất bình quân 7 tấn/ha thì thiệt hại của nông dân lên đến hơn 1.000 tỉ đồng.

Việc VFA phân bổ chỉ tiêu cho các doanh nghiệp mà không tham vấn trước với địa phương cũng đã tạo nên nhiều bất cập và bị các tỉnh phản ứng gay gắt.

Ông Phan Kim Sa, Phó giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp, cho biết mãi đến ngày 25/2/2013 Sở Công thương Đồng Tháp vẫn không biết được tỉnh mình có bao nhiêu doanh nghiệp được chọn và chỉ tiêu là bao nhiêu để báo với UBND tỉnh. Trong khi Sở Công thương chính là nơi xác nhận cho doanh nghiệp số lượng lúa đã mua tạm trữ để họ được miễn lãi suất.

Hương My (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/khong-bo-tam-tru-lua-gao-nong-dan-cang-lam-cang-lo-2364735/