Không bỏ sót người đủ điều kiện được nhận hỗ trợ

Nhằm hiểu hơn về các ngành nghề thuộc nhóm đối tượng lao động tự do, điều kiện để người lao động tự do được nhận hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 68 của Chính phủ, phóng viên (PV) Báo Long An online có cuộc phỏng vấn Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An - Nguyễn Hồng Mai xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa bà, xin bà cho biết nhóm lao động tự do gồm những ngành nghề nào và điều kiện để người lao động tự do được hỗ trợ theo tinh thần của Nghị quyết 68?

Bà Nguyễn Hồng Mai: Căn cứ vào Nghị quyết 68 của Chính phủ, UBND tỉnh có ban hành Quyết định 6652/QĐ-UBND, ngày 12/7/2021 về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (hay còn gọi là lao động tự do).

Theo đó, đối tượng hỗ trợ khi người lao động đang làm các công việc: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác; vận chuyển hàng hóa, lái mô tô 2 bánh chở khách (xe truyền thống), xe xích lô; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ), bán lẻ vé số lưu động và một số công việc đặc thù khác thuộc lĩnh vực hoặc ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh, cấp huyện, thị xã, thành phố.

Người lao động tự do được hỗ trợ khi đủ các điều kiện: Bị mất việc làm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của UBND tỉnh và UBND cấp huyện, thị xã, thành phố; đang cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh theo Luật Cư trú.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai trao tiền hỗ trợ cho người dân

PV: Thưa bà, xin bà cho biết, thời gian qua Long An hỗ trợ khoảng bao nhiêu đối tượng là lao động tự do theo tinh thần của Nghị quyết 68 của Chính phủ?

Bà Nguyễn Hồng Mai: Thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết 68 của Chính phủ vào cuối tháng 7, Long An bắt đầu chi tiền hỗ trợ cho nhóm lao động tự do. Qua nhiều đợt chi hỗ trợ, đến nay Long An hỗ trợ trên 60.124 người lao động tự do, với tổng số tiền gần 79 tỉ đồng. Trong đó hỗ trợ trên 12.500 người bán vé số lưu động, với tổng tiền trên 12 tỉ đồng, còn lại là các đối tượng lao động tự do khác. Song song đó, các huyện, thị xã, thành phố đang tiếp tục rà soát, tổng hợp, xét duyệt và tiến hành hỗ trợ cho nhóm đối tượng lao động tự do.

PV: Hiện nay, một số người dân phản ảnh về tình trạng địa phương này lại chi hỗ trợ cho nhóm ngành nghề này nhưng một số địa phương khác lại không chi, vậy bà có ý kiến và chỉ đạo như thế nào để các địa phương thực hiện tốt?

Bà Nguyễn Hồng Mai: Tại Điều 1, mục 1 trong Quyết định 6652/QĐ-UBND, ngày 12/7/2021 có nêu một số công việc đặc thù khác thuộc lĩnh vực hoặc ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh, cấp huyện, thị xã, thành phố. Theo đó, UBND huyện, thị xã, thành phố có quyền quyết định các ngành nghề đặc thù của địa phương để hỗ trợ cho người dân mình nhưng phải đủ điều kiện là bị mất việc làm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của UBND tỉnh và UBND cấp huyện, thị xã, thành phố; đang cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh theo Luật Cư trú. Vì mỗi địa phương cấp huyện có ngành nghề đặc thù riêng, tỉnh không thể liệt kê ra hết, cách hiểu ở đây là: ngành nghề đó là nghề chính tạo thu nhập nuôi sống bản thân, gia đình và bị ảnh hưởng mất việc làm, mất thu nhập khi giãn cách xã hội.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải tập trung lực lượng dập dịch và phòng, chống dịch nên công tác xác định đối tượng lao động tự do để hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 68 không tránh khỏi thiếu sót và chậm trễ. Tuy nhiên, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cũng thường xuyên nhắc nhở các địa phương phải làm việc bằng mệnh lệnh của trái tim, không để chính sách bị trục lợi, phải minh bạch, công khai, nhất là không để bất cứ đối tượng nào đủ điều kiện mà không nhận được hỗ trợ theo tinh thần của Nghị quyết 68.

PV: Xin cảm ơn bà!

Thực hiện: Lê Ngọc - Bùi Tùng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/khong-bo-sot-nguoi-du-dieu-kien-duoc-nhan-ho-tro-a120856.html