Không bằng cấp vẫn được ưu ái nắm giữ chức vụ quan trọng

Sáng nay (17-2), phiên tòa sơ thẩm xét xử Giang Kim Đạt cùng đồng phạm tiếp diễn với phần thẩm vấn từng hành vi tội phạm cụ thể của bị cáo này. Với lời khai của Đạt có thể thấy, cựu Giám đốc Vinashinlines đã rất ưu ái thuộc cấp.

Khởi đầu từ việc “cắp cặp” cho “sếp”

Gần 9h cùng ngày, HĐXX sơ thẩm bước vào ngày làm việc thứ hai và cũng như ở ngày đầu thẩm vấn, Tòa án Hà Nội vẫn áp dụng biện pháp cách ly các bị cáo trong quá trình xét hỏi. Theo đó, Giang Kim Đạt, nhân vật gây chú ý lớn nhất trong vụ án đã lần lượt phải trả lời từng câu hỏi của tòa cũng như những người tham gia tố tụng khác.

Cụ thể, Giang Kim Đạt trình bày anh ta vào làm việc tại Vinashinlines từ tháng 2-2006 với vai trò trợ lý cho Trần Văn Liêm (khi đó là Tổng giám đốc Vinashinlines). Tuy nhiên, bị cáo không được ký hợp đồng và cũng không có chức tức theo đúng nghĩa. Nhiệm vụ chính của Đạt là chỉ đi “cắp cặp” cho bị cáo Liêm.

Bị cáo Giang Kim Đạt trong ngày xét xử thứ hai

Giải thích về thời gian đầu vào Vinashinlines, Đạt cho hay do không có bằng đại học nên không thể thể ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp. Và cũng chính vì thế mà anh ta không được hưởng bất kỳ chế độ nào từ công ty, ngoài vài lần nhận lương bổng.

Cũng theo lời trình bày của Đạt, sau một thời gian “cắp cặp” cho tổng giám đốc, bị cáo được điều chuyển sang làm chuyên viên của phòng kế hoạch đầu tư. Tuy nhiên, suốt ngày bị cáo chỉ “ngồi chơi xơi nước” và không được làm bất cứ việc gì.

“Do thấy quá gò bó nên tháng 10-2007, bị cáo xin nghỉ làm ở Vinashinlines” – Đạt khai. Vậy nhưng đến tháng 4-2008, do nể Liêm nên tiếp tục quay lại công ty làm việc và được Liêm cử sang London- Vương quốc Anh đàm phán về việc tàu của công ty bị bắt giữ.

Cùng thời điểm nêu trên, Đạt được cựu Tổng giám đốc Vinashinlines bổ nhiệm làm Quyền Trưởng phòng kinh doanh của công ty với nhiệm vụ chuyên đi tìm tàu biển để mua và tìm đối tác để công ty cho thuê tàu.

Ngay trước khi phải trả lời từng câu hỏi về hành vi tội phạm, Giang Kim Đạt cho biết, bị cáo bỏ trốn sang Campuchia từ trước khi bị khởi tố. Giải thích về việc này, cựu Trưởng phòng kinh doanh của vinashinlines cho biết, bị cáo từng ký nháy vào một văn bản khi công ty mua con tàu Hoa Sen.

Vì thế khi những sai phạm liên quan đến con tàu Hoa Sen bị cơ quan pháp luật “sờ đến”, bị cáo thấy sợ nên trốn sang Campuchia ngay từ thời điểm đó. Ngày 7-7-2015, Đạt bị bắt theo lệnh truy nã ở quốc gia láng giềng.

Cho hết bố đẻ tiền “hỏa hồng” mua tàu

Tiếp tục phải trả lời các câu hỏi về quy trình cũng như diễn biến mua 3 con tàu cho Vinashinlines, Giang Kim Đạt trình bày, sau khi sáp nhập phòng khai thác và kinh doanh thành phòng kinh doanh, tháng 8-2006, bị cáo được bổ nhiệm làm quyền trưởng phòng kinh doanh. Ngay sau đó, bị cáo lần lượt liên hệ mua 8 tàu. “Khoản tiền chênh lệch ở 3 con tàu trong đó, bị cáo hiểu đó là lệ phí môi giới hay nói cách khác tiền “hoa hồng” của công ty môi giới.

Theo bị cáo Đạt, trước khi quyết định mua 3 tàu (được xác định trong vụ án), Vinashinlines đã khảo sát tới 5 tàu và bị cáo Liêm cùng người bạn trực tiếp khảo sát. Khi chốt mua tàu, bị cáo và Liêm cùng phải sang tận nơi gặp chủ tàu để đối chứng tất cả các tài liệu. Bị cáo Đạt cũng cho rằng để mua được một con tàu phải trải qua rất nhiều công đoạn.

Nói về khoản tiền hơn 11 tỷ đồng hưởng bất chính trong việc mua tàu, Đạt trình bày, ngay sau khi mua bán tàu thành công, bị cáo hỏi xin công ty môi giới Marvin Shipping ít tiền nhưng không được. Về sau, bị cáo nói lại với nhân viên công ty này và họ đồng ý. Tiếp đến, họ yêu cầu bị cáo đưa tài khoản để chuyển tiền. Trước tòa, Đạt quả quyết lệ phí công ty môi giới được hưởng từ 1- 5,75% giữa bên bán tàu và bên môi giới là thông lệ quốc tế.

Lý giải về khoản tiền hơn 711.000 USD nhận được nhưng chỉ trích lại cho bị cáo Liêm Liêm 150.000 USD, cựu Quyền trưởng Phòng kinh doanh Vinashinlines cho rằng: “Đó là tiền công ty môi giới cho bị cáo và vì anh Liêm không quan tâm chuyện đó, không chỉ đạo bị cáo nên bị cáo chủ động biếu như vậy”.

Trước lời khai trên, HĐXX căn vặn: “Nếu đó là tiền hợp pháp sao không chuyển vào tài khoản của bị cáo” thì Đạt trả lời: “Vì bị cáo cho bố và nếu không hợp pháp thì đã chuyển vào tài khoản cá nhân của bị cáo”.

Chiều nay (17-2), phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/phap-luat/khong-bang-cap-van-duoc-uu-ai-nam-giu-chuc-vu-quan-trong/718471.antd