Khốn khổ vì mua “suất đi Nhật”

Tin rằng có thể “lo suất” cho con em đi hợp tác lao động tại Nhật, hàng chục gia đình nghèo ở Củ Chi đã rơi vào cảnh nợ nần, tiền mất tật mang.

Có mặt tại ấp Bàu Điều, xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, chúng tôi đã gặp nhiều gia đình có người thân tin lời hứa hão. Hầu hết họ đều là những người nghèo, để có tiền lo cho con đi xuất khẩu lao động phải vay tiền “nóng” nộp cho đường dây này. Bà Phan Thị Lá (mẹ của Cao Trí Cường, SN 1983, ngụ H. Củ Chi) cho biết, nghe người thân nói có chỗ lo cho đi lao động Nhật với giá 8.000USD/suất, đưa trước 42 triệu đồng, nên bà đã vay tiền ngoài ngân hàng để lo cho con. Nhưng đến nay gia đình bà phải lâm vào cảnh tiền mất, nợ mang. Bà Huỳnh Thị Dạ (mẹ của Đỗ Văn Khanh, SN 1988, ngụ H. Củ Chi) cũng cho biết, gia đình bà phải chạy đôn chạy đáo mới đủ số tiền nộp cho Lê Công Thành (SN 1979, ngụ Q. Bình Thạnh), đổi lại gia đình họ đã nhận được bản “hợp đồng vay tài sản có điều kiện đảm bảo” được Phòng Công chứng số 6 chứng nhận hẳn hoi.

Theo số điện thoại mà những người đi Nhật bằng “bánh vẽ” để lại, chúng tôi đến ấp Bàu Điều, xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi để tìm gặp bà Nguyễn Thị Nhị - người đã giới thiệu họ vào đường dây lo đi Nhật. Tiếp chúng tôi, bà Nhị than trời: “Đầu dây mối nhợ là hồi tháng 6-2012, chị gặp người quen là chú Nguyễn Văn Sơn (ngụ ấp Sa Nhỏ, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi) nói với chị là có mối lo cho đi hợp tác lao động Nhật Bản với giá 8.000USD/người, trả trước 42 triệu, sang bên đó đi làm có lương trả tiếp. Sơn kêu chị kiếm người, nhận hồ sơ. Bởi vậy nên chị giới thiệu cho anh em con cháu trong dòng họ, mỗi một bộ hồ sơ kèm theo 3 triệu đồng và có nhận thêm 500USD để dằn cọc. Hồ sơ và tiền chị giao cho chú Sơn. Thời gian đầu Sơn đưa chị 500.000 đồng/bộ hồ sơ, sau đó nâng lên 1 triệu đồng/bộ. Phần còn lại Sơn dẫn người xuống Bình Thạnh nộp tiền cho Thành, lập hợp đồng công chứng thì chị không biết. Chỉ đến khi sự việc vỡ lở, những người chị giới thiệu với Sơn không đi được quay về đòi tiền chị mới té ngửa. Thực tế chị chỉ nhận mỗi bộ hồ sơ 3 triệu đồng, một số người có đóng tiền cọc sau đó chị đã trả hết”.

Hợp đồng cho vay tiền có điều kiện của Lê Công Thành với ngư ời có nhu cầu đi lao động tại Nhật

Theo số điện thoại bà Nhị cung cấp, chúng tôi đã liên lạc với ông Nguyễn Văn Sơn thì được ông Sơn cho biết, năm 2012, thông qua người quen tên Phong ở Phú Nhuận, ông Sơn gặp và được Thành giới thiệu là có ông chú đang nhận hồ sơ với những trường hợp đã đi Nhật lao động rồi nhưng hết hạn, về nước nộp hồ sơ thi lại sẽ được đi tiếp và đề nghị Sơn tìm người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Tin lời, Sơn về địa phương đặt hàng với chị Nhị và cũng trực tiếp tìm người. Khi gặp người có nhu cầu, Sơn dẫn họ xuống gặp Thành và giao tiền. Sơn cho biết, bản thân cũng có cho Thành mượn 378 triệu đồng. Số người Sơn dẫn đi gặp Thành để nộp tiền, làm hợp đồng khoảng 16 - 18 người nên số tiền đã nộp cũng lên tới hàng tỷ đồng.

Anh Nguyễn Hoàng Nguyên (SN 1983, quê Bến Tre) cho biết: “Ngày 28-9-2012, thông qua một người tên Chung Thị Thùy Tr. (quê Tiền Giang, tạm trú Q8), anh Nguyên được Tr. đưa đến gặp Thành ở địa chỉ 47/10 Nguyễn Văn Đậu, P6, Q. Bình Thạnh để làm hồ sơ đi lao động Nhật đóng trước 42 triệu đồng, đến 30-4-2013 sẽ hoàn tất thủ tục giấy tờ. Tin lời Thành, anh Nguyên chờ đợi nhưng đến hẹn được dời tới cuối tháng 9-2013. Đến cuối tháng 9-2013 Thành khóa điện thoại. Anh Nguyên cùng những người khác đã tìm đến nơi ở của Thành thì được hàng xóm cho biết người thuê nhà đã dọn đi trước đó. Tìm đến địa chỉ đăng ký thường trú mà Thành sử dụng khi công chứng hợp đồng, anh Nguyên té ngửa khi biết gia đình đã bán nhà từ ba năm trước. Số điện thoại của người giới thiệu tên Tr. cũng trong tình trạng tắt máy.

Tham khảo hợp đồng có công chứng mà Thành đã ký với những trường hợp có nhu cầu đi Nhật, chúng tôi nhận thấy chỉ là hợp đồng vay tài sản có điều kiện đảm bảo, nhưng không có tài sản thế chấp. Được biết, hiện nay hàng chục người đã đưa đơn đến cơ quan điều tra công an Q. Bình Thạnh để tố giác hành vi của Thành. Thiết nghĩ, Lê Công Thành nên sớm chủ động gặp cơ quan công an và những người liên quan đến vụ việc, để làm sáng tỏ vấn đề.

Qua vụ việc này, một lần nữa người dân cần nâng cao cảnh giác với những đường dây chạy việc lao động hợp tác tại nước ngoài. Cơ quan công an đã từng bóc trần hàng trăm vụ dùng thủ đoạn lừa đảo đưa người đi xuất khẩu lao động rồi chiếm đoạt tiền của họ.

Những người có nhu cầu lao động nước ngoài cần tìm hiểu kỹ thông tin về nơi tuyển dụng, điều kiện tuyển dụng. Để tránh trường hợp bị lừa đảo, khi có thông tin về những nơi tuyển dụng lao động, người dân nên tham khảo thông tin tại Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số điện thoại đường dây nóng 04.38249517, hoặc số điện thoại 04.39366633 và Email: hotrolaodongngoainuoc@gmail.com của Văn phòng hỗ trợ lao động ngoài nước để tham khảo và được tư vấn.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=681&id=512038&mod=detnews&p=