Khởi tố, tạm giam hai lãnh đạo của Công ty Xuyên Việt Oil

Hai lãnh đạo của Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil mới đây đã bị khởi tố về tội 'Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí' quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Bị can Mai Thị Hồng Hạnh (trái) và Nguyễn Thị Như Phương (phải) - hai nữ lãnh đạo của Công ty Xuyên Việt Oil. Ảnh: Bộ Công an

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an mới đây đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với: Mai Thị Hồng Hạnh (sinh năm 1979, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil) và Nguyễn Thị Như Phương (sinh năm 1992, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil) về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét nêu trên đã được Viện Kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

Loạt sai phạm của Công ty Xuyên Việt Oil trước khi hai nữ lãnh đạo bị bắt

Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil (Công ty Xuyên Việt Oil) là một trong số gần 40 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn trên cả nước, được Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu ngày 19/11/2021, hiệu lực trong 5 năm.

Đáng chú ý, kết luận thanh tra được Bộ Công Thương thực hiện hồi đầu năm và công bố vào cuối năm 2022, đã chỉ ra nhiều điều bất thường tại doanh nghiệp này.

Cụ thể, một trong những điều kiện quan trọng để Công ty Xuyên Việt Oil có được giấy phép làm đầu mối là đáp ứng về hệ thống phân phối, bên cạnh các quy định về cầu cảng, kho chứa, phương tiện vận chuyển…

Tuy nhiên, năm 2022, Công ty Xuyên Việt Oil không được Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết nhập khẩu xăng, dầu. Lý do được Bộ Tài chính nêu là vì công ty chậm nộp thuế hơn 680 tỉ đồng.

Mới đây, giữa tháng 8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có Quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đối với Công ty Xuyên Việt Oil.

Theo quyết định, Công ty Xuyên Việt Oil phải gửi bản chính giấy phép kinh doanh về Bộ và chuyển nộp ngay toàn bộ số tiền Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước. Công ty Xuyên Việt Oil cũng phải gửi bản sao chứng từ chuyển nộp tiền về Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.

Theo báo cáo 6 tháng đầu năm nay của Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến hết ngày 30/6/2023, Công ty Xuyên Việt Oil nằm trong danh sách những doanh nghiệp đang nợ thuế cao với số tiền lên tới 1.531 tỉ đồng tiền thuế. Đặc biệt, số tiền Quỹ Bình ổn xăng dầu hình thành tại doanh nghiệp này cũng là con số rất lớn, lên tới hàng trăm tỉ đồng.

Tội danh đối với hai lãnh đạo của Công ty Xuyên Việt Oil có thể thay đổi?

Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" như sau:

1. Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

d) Gây thất thoát, lãng phí từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thất thoát, lãng phí 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" được quy định tại Chương XVIII - Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Theo đó, người có hành vi vi phạm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế nói chung chỉ lợi dụng chức vụ quyền hạn làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả, chứ tuyệt đối không có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản hay vì động cơ vụ lợi. Họ chỉ cố ý làm trái và gây thiệt hại.

Cụ thể, hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước chỉ cấu thành tội phạm nếu gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỉ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Nếu hậu quả xảy ra thấp hơn mức quy định trên, người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng phải chịu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 63/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước.

Về mặt luật định, tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" có lỗi cố ý. Về thực tế, người phạm tội biết rõ các quy định của pháp luật, biết rõ là hành vi của mình là trái pháp luật nhưng vẫn vi phạm.

Trong vụ việc trên, hai nữ lãnh đạo của Công ty Xuyên Việt Oil bị khởi tố là những người có chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý tài sản Nhà nước. Hơn ai hết, họ phải là những người nắm vững các quy định của pháp luật có liên quan. Vì vậy, những người có chức vụ quyền hạn đang là bị can không thể nói là không hiểu biết các quy định pháp luật trong lĩnh vực họ được giao quản lý.

Còn vì sao mà họ biết nhưng vẫn làm (tức là động cơ mục đích phạm tội của họ) thì trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng sẽ chứng minh làm sáng tỏ.

Trước sai phạm trên của Công ty Xuyên Việt Oil và việc hai nữ lãnh đạo của công ty bị bắt giam, thấy rằng, việc xử lý các hành vi phạm tội trong lĩnh vực xâm phạm trật tự quản lý kinh tế đòi hỏi phải thật nghiêm khắc. Nhưng việc xử lý đó không nên gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp, người lao động, của nền kinh tế. Đồng thời phải thu hồi tối đa tài sản của Nhà nước bị thiệt hại.

Điều quan trọng nữa là để đấu tranh với những sai phạm trong quản lý kinh tế thì cần hoàn thiện, tăng cường và nâng cao hiệu quả cơ chế giám sát các hoạt động của các tập đoàn kinh tế và của các doanh nghiệp. Phải thiết kế các tầng lớp giám sát khác nhau như: giám sát trong nội bộ doanh nghiệp, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, giám sát của Quốc hội, của nhân dân.

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Nhà nước sẽ giao cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng tài sản nhà nước nhằm phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế quốc gia.

Vậy nên, trong quá trình quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, người được trao quyền phải bảo đảm sử dụng tài sản công đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm. Hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí là hành vi có tính nguy hiểm đáng kể cho xã hội và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Lam Linh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/khoi-to-tam-giam-hai-lanh-dao-cua-cong-ty-xuyen-viet-oil-179230909143142326.htm