Khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế

Theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng TRẦN KHẮC TÂM, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn là khó khăn lớn của năm 2024. Do đó, cần tiếp tục có các giải pháp tín dụng phù hợp để tăng khả năng tiếp cận, đưa vốn vào nền kinh tế, phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Tinh thần đồng hành, hỗ trợ lan tỏa xuống địa phương

- Nền kinh tế và các doanh nghiệp đã vượt qua một năm nhiều khó khăn và thách thức. Theo ông, đâu là nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp tiếp tục vững bước?

- 2023 là một năm khó khăn của cả nền kinh tế, trong đó có doanh nghiệp, do tác động của các yếu tố tiêu cực cả bên trong lẫn bên ngoài. Trong bối cảnh đó, cùng với sự bền bỉ vượt khó của doanh nghiệp, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chính sách quyết liệt để tháo gỡ, hỗ trợ người dân, đặc biệt là doanh nghiệp vượt qua những khó khăn. Ngay sau Kỳ họp thứ Năm của Quốc hội Khóa XV, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh với mục tiêu lớn nhất là tiết giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, người dân nhằm phục hồi nhanh chóng.

Ngoài ra, tinh thần đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp của Quốc hội, Chính phủ cũng lan tỏa tới địa phương. Như tại Sóc Trăng, lãnh đạo tỉnh, sở, ngành coi những khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của cả tỉnh nên luôn chân thành, cầu thị lắng nghe, kịp thời giải quyết các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp một cách hiệu quả. Tôi cho rằng, đây chính là nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp vững bước trong năm 2024.

- Ông nhìn nhận thế nào về cơ hội, triển vọng củadoanh nghiệp trong năm nay?

- Trong tháng đầu năm 2024, một số ngành hàng sản xuất kinh doanh đã có tín hiệu tốt trở lại; theo dự báo của Tổng cục Thống kê, số lượng doanh nghiệp thành lập mới năm nay dự báo tăng 2% so với 2023. Cùng với đó, triển vọng khoảng 68.000 doanh nghiệp quay lại hoạt động, tăng 16%... Nhiều chuyên gia đều đánh giá tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 sẽ có nhiều lạc quan với mức tăng trưởng từ 6 - 6,5%.

Với những nền tảng đã có trong năm 2023, cộng thêm những kết quả trong hoạt động đối ngoại, đặc biệt là việc nâng cấp quan hệ với Mỹ, việc ra tuyên bố chung và ký kết gần 40 thỏa thuận với Trung Quốc… sẽ tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay. Tôi cho đây là cơ hội, triển vọng lớn để doanh nghiệp có thể hy vọng vào sự khởi sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gần đây khẳng định, năm 2024, Quốc hội sẽ tập trung giám sát về thủ tục hành chính, loại trừ tình trạng giấy phép con, sách nhiễu người dân, doanh nghiệp. Tại phiên họp thứ 6 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ cuối năm ngoái, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Tại Hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ cuối cùng của năm 2023, Chính phủ thống nhất chủ đề điều hành của năm 2024 là "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững".

Điều này cho thấy Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh năm 2024 sắp tới vẫn còn nhiều khó khăn, biến động. Nếu sự đồng hành, hỗ trợ là nền tảng để doanh nghiệp vượt khó năm 2023 thì đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp trong năm 2024.

Với Sóc Trăng, đây là thời điểm có tính chất bước ngoặt với sự phát triển của tỉnh khi mà Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và công bố. Trong năm vừa qua hàng loạt các dự án hạ tầng quan trọng như tuyến cao tốc Châu Đốc - Trần Đề, cầu Đại Ngãi đã được khởi công, tỉnh cũng đã có các bước xúc tiến kêu gọi đầu tư vào cảng Trần Đề… Tôi cho rằng, đây là cơ hội lớn, hội đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để bứt phá trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Thể chế đóng vai trò quan trọng để doanh nghiệp vững bước trong năm 2024. Nguồn: ITN

Tiếp cận vốn vẫn là khó khăn lớn nhất

- Theo ông, thách thức lớn nhất với doanh nghiệp trong năm naylà gì?

- Theo tôi, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn sẽ là khó khăn lớn của năm 2024. Lãi suất cho vay vẫn cao trong khi các gói hỗ trợ lãi suất đã kết thúc trong năm 2023 và sẽ không còn tiếp tục trong năm 2024. Các thị trường vốn như thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… vẫn còn khó khăn khi tiền gửi vào ngân hàng năm 2023 tăng tới 13,5 triệu tỷ đồng, dù lãi suất tiết kiệm liên tục hạ. Sự suy giảm của thị trường bất động sản sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều ngành sản xuất có liên quan….

- Để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, doanh nghiệp cần có kế hoạch/chiến lược ra sao?

- Với doanh nghiệp, tôi cho rằng, điều quan trọng nhất chính là phải bền bỉ đồng thời chủ động, linh hoạt khi đối mặt với khó khăn, thách thức. Trong hoàn cảnh hiện nay có thể nói là “thập diện mai phục”, doanh nghiệp buộc phải tự đổi mới, sáng tạo, thay đổi công nghệ, chuyển đổi số, tức là tìm mọi cách để nâng cao năng suất lao động, tăng giá trị sản phẩm, giữ vững thị trường cả trong và ngoài nước. Không làm được điều này, doanh nghiệp không cách gì tồn tại.

Hay như việc các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mở ra thị trường lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng có sự chuyển đổi về chất lượng bởi đây là các thị trường yêu cầu cao, nghiêm ngặt về chất lượng. Đó là trong “cơ” cũng có “nguy” và doanh nghiệp buộc phải thích nghi để phát triển.

- Vậy ông trông đợi gì từ thể chế để doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức?

- Với những cơ hội và cả những khó khăn như đã nói ở trên, tôi cho rằng, sự hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ, các địa phương đối với doanh nghiệp tiếp tục là vấn đề quan trọng nhất.

Về nguồn vốn, tôi cho rằng, các giải pháp tín dụng phù hợp đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; đặc biệt là hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, các ngân hàng cần đơn giản hóa thủ tục cho vay, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế… Mục tiêu là tăng khả năng tiếp cận vốn của của doanh nghiệp, người dân để vốn đi vào nền kinh tế, phục vụ sản xuất kinh doanh.

Tôi cũng cho rằng, Chính phủ cần thúc đẩy mạnh mẽ các dự án, công trình hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia, lấy đầu tư công làm vốn mồi thúc đẩy đầu tư tư nhân; đồng thời huy động hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp luôn mong muốn cơ quan quản lý rà soát lại các văn bản, đơn giản hóa các thủ tục hành chính chính, giảm các giấy phép, bỏ quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật mới không cần thiết, không phù hợp, thiếu tính khả thi.... Đặc biệt, phải tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng bình đẳng, thông thoáng để doanh nghiệp có thể vận dụng năng lực khả năng của mình để đạt được hiệu quả cao trong hoạt động.

- Xin cảm ơn ông!

Vũ Quang thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/khoi-thong-dong-von-cho-nen-kinh-te-i360433/