Khởi sắc vùng cao

Những năm qua, cùng với triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước, huyện Thuận Châu đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào vùng cao.

Mô hình trồng dứa Queen xã Co Mạ.

Mô hình trồng dứa Queen xã Co Mạ.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Toàn huyện có 6 xã vùng cao, gồm: Co Mạ, Long Hẹ, Co Tòng, É Tòng, Pá Lông và Mường Bám, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú, Kháng sinh sống. Đảng bộ huyện đã ban hành nghị quyết và đề án về “Phát triển kinh tế - xã hội của 6 xã vùng cao giai đoạn 2021-2025”; UBND huyện xây dựng kế hoạch chi tiết và chỉ đạo, phối hợp các cơ quan, đơn vị, các xã tổ chức thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng các mục tiêu đề ra, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương.

Trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, Tổ đề án đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng và triển khai 7 mô hình sản xuất nông nghiệp mới làm cơ sở để đánh giá, nhân rộng; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư triển khai các dự án phát triển cây dược liệu; vận động chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả; phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung trang trại, gia trại, nuôi nhốt chuồng gắn với trồng cỏ; thực hiện tốt công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng... Kết quả, từ năm 2021 đến nay, huyện vận động nhân dân trồng mới 20 ha cây dược liệu tại xã Long Hẹ, nâng tổng diện tích cây dược liệu trên địa bàn 6 xã lên hơn 60 ha; trồng mới 9,5 ha dứa tại xã Mường Bám; mở rộng diện tích trồng rau các loại trên 149 ha; trồng mới và bảo vệ 20.674 ha rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 47,2%... Đồng thời hỗ trợ một số doanh nghiệp, HTX trong và ngoài địa bàn tỉnh liên kết sản xuất, thu mua, bao tiêu 230 tấn xoài, 240 tấn mận, 550 tấn sơn tra cho bà con xã vùng cao.

Trong phát triển kết cấu hạ tầng, từ năm năm 2021 đến nay, đưa vào sử dụng 7 dự án xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 20 tỷ đồng, triển khai thi công 3 dự án trụ sở làm việc xã Mường Bám, Co Mạ, É Tòng; đầu tư kiên cố hóa cơ sở trường, lớp, đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các trạm y tế đạt chuẩn... Đến nay, 6 xã vùng cao có 40,96% số bản có đường ô tô được cứng hóa; 99,2% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 94,54% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố, bán kiên cố, không thiếu phòng học; 42% số bản có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng...

Đến xã Co Mạ - trung tâm của 6 xã vùng cao, chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi nhanh chóng của vùng đất này. Nhiều loại hình dịch vụ phát triển rất nhanh ở khu vực trung tâm xã; vài năm trước, muốn đến nhiều bản vùng cao phải đi bộ nửa ngày đường rất vất vả, giờ đây, với sự đầu tư của Nhà nước, đã có đường xe máy, ô tô đến tận bản. Ông Vì A Sềnh, Chủ tịch UBND xã Co Mạ, phấn khởi: Với sự đầu tư của Nhà nước cuộc sống bà con thay đổi rất nhiều. UBND xã chỉ đạo các bản vận động bà con trồng cây xoài, nhãn, dược liệu, trồng lúa hữu cơ. Toàn xã hiện có 300 ha cây sơn tra, trên 150 ha nhãn, xoài, chanh leo; chăm sóc, bảo vệ 7.273 ha rừng, khoanh nuôi 41,3 ha rừng tái sinh; đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc theo mô hình trang trại, gia trại với đàn trâu bò từ 20-50 con. Hiện, tổng đàn gia súc của xã đạt gần 6.300 con.

Tại xã Long Hẹ, những tuyến đường lầy lội trước đây đã được đổ bê tông; trên các sườn đồi đa dạng các loại cây ăn quả. Ông Sùng Chờ Nó, Bí thư Đảng ủy xã, chia sẻ: Đảng bộ xã luôn phát huy tinh thần đoàn kết, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, vận động nhân dân không trông chờ, ỷ lại Nhà nước, tích cực phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao mức sống... Hiện nay, bà con đã thâm canh 694 ha lúa nương, lúa ruộng hai vụ; 418 ha ngô, 326 ha sắn; trồng 16 ha nhãn, 15 ha xoài, 539 ha sơn tra. Bên cạnh đó, xã còn khuyến khích nhân dân kinh doanh dịch vụ, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; vận động người dân thực hiện tốt cam kết “5 có, 5 không” trong đồng bào dân tộc Mông.

Ông Vàng Giống Xào, năm nay ông 82 tuổi, ở bản Há Tầu, xã Long Hẹ, nói: Ở bản bây giờ không còn hộ đói, không còn di cư tự do, không còn tảo hôn và không trồng cây thuốc phiện, các hủ tục lạc hậu bị loại khỏi đời sống, nhân dân tích cực trồng cây ăn quả và phát triển chăn nuôi, số hộ khá, giàu ngày càng tăng, con cháu đến tuổi được đến trường học chữ.

Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, bộ mặt các xã vùng cao Thuận Châu đang từng ngày thay đổi, huyện Thuận Châu tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án về “Phát triển kinh tế - xã hội của 6 xã vùng cao giai đoạn 2021-2025”; đẩy mạnh sản xuất nông lâm nghiệp; thu hút đầu tư vào địa bàn, tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng... để đời sống đồng bào vùng cao ngày càng ấm no hơn.

Thủy Ngân

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/khoi-sac-vung-cao-54796