Khởi sắc tín dụng đầu năm

Những tháng đầu năm 2022, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế- xã hội cũng như đời sống nhân dân, song tăng trưởng tín dụng lại có sự khởi sắc cho thấy những tín hiệu phục hồi tích cực của nền kinh tế.

BIDV chi nhánh Vĩnh Phúc luôn quan tâm phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho các khách hàng Ảnh: Nguyễn Lượng

Theo thông tin của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, nếu so với cùng kỳ năm 2021, dư nợ tín dụng “âm” thì 2 tháng đầu năm 2022 đạt mức tăng trưởng gần 3% cho thấy nhu cầu hấp thụ nguồn vốn ở nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất- kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, tổng dư nợ cho vay hết tháng 2/2022 trên địa bàn tỉnh đạt hơn 105.000 tỷ đồng, tăng gần 3% so với cuối năm 2021, trong đó, dư nợ ngắn hạn đạt 75.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 70%/ tổng dư nợ; dư nợ trung, dài hạn đạt hơn 31.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 30%/tổng dư nợ.

Đây là tín hiệu khả quan của nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp, số ca bệnh trong cộng đồng liên tục tăng cao tại nhiều địa phương.

Những cơ sở tín dụng có số dư nợ lớn, dẫn dầu trên địa bàn tỉnh phải kể đến Vietcombank chi nhánh Vĩnh Phúc, đạt hơn 11.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 6% so với cuối năm; Vietinbank chi nhánh Vĩnh Phúc đạt hơn 9.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 4%; BIDV chi nhánh Phúc Yên đạt gần 7.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 4%…

Dư nợ cho vay tập trung ở các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, đạt gần 40.000 tỷ đồng, tăng gần 3%; thương mại- dịch vụ đạt gần 60.000 tỷ đồng, tăng hơn 4% so với cuối năm…

Một trong những nguyên nhân giúp tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm đạt tín hiệu khả quan là do các địa phương đã thực hiện hiệu quả chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo tinh thần Nghị quyết số 128 của Chính phủ.

Việc các tỉnh, thành phố đồng loạt mở cửa, đảm bảo thông thương hàng hóa giúp doanh nghiệp trong và ngoài nước yên tâm bắt tay ngay vào kế hoạch sản xuất- kinh doanh và mạnh dạn vay vốn mở rộng quy mô đầu tư.

Các doanh nghiệp và người dân đã thích ứng với tác động của dịch bệnh, vừa đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch vừa phát triển sản xuất, kinh doanh.

Các lĩnh vực thương mại- dịch vụ, đặc biệt là du lịch trong nước có dấu hiệu phục hồi khi lượng khách đi thăm quan, nghỉ dưỡng dịp Tết Nguyên đán tăng cao.

Chính điều đó đã thúc đẩy nhu cầu hấp thụ nguồn vốn ở các lĩnh vực tăng lên; các cơ sở tín dụng cũng mạnh dạn bơm vốn cho doanh nghiệp lữ hành, lưu trú và nhiều loại hình kinh tế khác để mở rộng đầu tư, tăng cường thu hút khách dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán và mùa lễ hội.

Đến nay, các cơ sở tín dụng trên địa bàn tỉnh đã cho vay hơn 3.000 doanh nghiệp với dư nợ đạt gần 49.000 tỷ đồng, tăng 2,62% so với cuối năm, chiếm tỷ lệ hơn 64% tổng dư nợ.

Trong đó, khối doanh nghiệp nhà nước là hơn 1.400 tỷ đồng; doanh nghiệp tư nhân, cổ phần, TNHH là hơn 44.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng tháng 2/2022, các cơ sở tín dụng đã cho vay mới đối với 82 doanh nghiệp với dư nợ hơn 1.500 tỷ đồng.

Nhờ kịp thời được tiếp cận nguồn vốn nên hoạt động sản xuất- kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có điều kiện giữ vững nhịp độ. Qua đó, góp phần đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Ngoài công nghiệp, xây dựng; thương mại- dịch vụ thì dư nợ cho vay các lĩnh vực ưu tiên cũng được các cơ sở tín dụng quan tâm giải ngân như cho vay xuất khẩu lao động, chương trình phát triển nông nghiệp nông thôn với dư nợ đạt gần 27.000 tỷ đồng…

Từ đầu năm đến nay, lãi suất cho vay được các tổ chức tín dụng áp dụng ở mức dưới 6,5%/năm, chiếm tỷ lệ hơn 31%; trên 6,5%/năm đến 9%/năm chiếm tỷ lệ gần 50%, còn lại ở mức trên 9%/năm.

Lãi suất này được đánh giá là phù hợp giúp các tổ chức, doanh nghiệp mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn để mở rộng quy mô đầu tư cũng như đẩy mạnh hoạt động sản xuất- kinh doanh.

Nhằm giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, các tổ chức tín dụng đã không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng, từng bước hiện đại hóa công nghệ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu dịch vụ ngân hàng. Trong đó, chú trọng tăng cường đầu tư công nghệ thông tin, phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, hiện đại, thân thiện, tiện lợi.

Hầu hết, các dịch vụ được tự động hóa, có tính an toàn, bảo mật cao; quy trình giao dịch ngày càng được cải tiến, đảm bảo tiết giảm chi phí cho khách hàng và cả ngân hàng, rút ngắn thời gian giao dịch, đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, tích hợp tạo hệ sinh thái số trải rộng nhiều ngành, lĩnh vực…

Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, trong thời gian tới, các tổ chức cơ sở tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai quyết liệt, thiết thực, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay dựa trên cơ sở cắt giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận.

Ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt, có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh tốt.

Phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán , các dự án BOT, BT giao thông và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp…

Hà Trần

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/74878/khoi-sac-tin-dung-dau-nam.html