Khởi sắc nông thôn mới trên quê hương cách mạng Minh Thanh

Xã Minh Thanh nằm ở phía Tây Bắc huyện Sơn Dương, trong Khu di tích lịch sử cách mạng An toàn khu (ATK) Tân Trào (Tuyên Quang). Nơi đây được ví là 'đốm lửa' cách mạng đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang - nơi khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất cả nước trong Cách mạng tháng Tám 1945. Phát huy tinh thần ngoan cường vùng quê cách mạng, địa phương đang nỗ lực xây dựng nông thôn mới, quyết tâm đổi thay diện mạo làng quê...

Vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Theo lịch sử Đảng bộ huyện Sơn Dương và lịch sử Đảng bộ xã Minh Thanh, ngày 10/3/1945, dưới sự lãnh đạo của Phân khu ủy Phân khu Nguyễn Huệ, do đồng chí Song Hào làm Bí thư, nhân dân xã Thanh La (nay là xã Minh Thanh) là một trong những chính quyền cách mạng cấp xã đầu tiên trong cả nước đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Tiếp đà thắng lợi, quân khởi nghĩa tiến đánh và giải phóng đồn Đăng Châu (ngày 16/3/1945), thành lập chính quyền cách mạng châu Tự Do - một trong những chính quyền cách mạng cấp châu (huyện) đầu tiên trong cả nước.

Trụ sở UBND xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Ảnh: KC

Khởi nghĩa Thanh La thắng lợi là phát súng đầu tiên trong cao trào tiền khởi nghĩa năm 1945 của tỉnh Tuyên Quang. Chính quyền cách mạng của nhân dân xã Thanh La, huyện Sơn Dương ra đời, là điều kiện tiên quyết để lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định chuyển từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) lãnh đạo cao trào Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 đi đến thắng lợi cuối cùng, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam. Đó cũng là điều kiện để Tuyên Quang trở thành Thủ đô Khu giải phóng, nơi Trung ương Đảng, Bác Hồ đã ở, làm việc và lãnh đạo Cách mạng tháng Tám thành công.

Ngày 10/3/1945 đã trở thành mốc son lịch sử chói lọi của xã Thanh La nói riêng và tỉnh Tuyên Quang nói chung. Chính tại đình Thanh La đã diễn ra cuộc mít tinh và khởi nghĩa giành chính quyền ở cấp xã đầu tiên trong cả nước, tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Trong 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, nhân dân các dân tộc xã Thanh La (nay là xã Minh Thanh) đóng góp nhiều sức người, sức của để bảo vệ An toàn khu (ATK); đùm bọc, giúp đỡ các cơ quan, đơn vị, cán bộ của Việt Minh hoạt động trên địa bàn...

Người dân Minh Thanh hăng hái hiến công, hiến của làm đường giao thông nội đồng xây dựng NTM. Ảnh: KC

Sức bật từ xây dựng nông thôn mới

Xã Minh Thanh hiện có diện tích tự nhiên 3.308 ha với trên 1.500 hộ, gồm 7 dân tộc cùng chung sống ở 14 khu dân cư. Trên địa bàn xã hiện có 36 di tích lịch sử, trong đó 09 di tích thời kỳ tiền khởi nghĩa, 27 di tích thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Với điểm xuất phát thấp, nguồn lực, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, còn hạn chế, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Nhưng với sự chỉ đạo của tỉnh, huyện, sự hỗ trợ tích cực của các sở, ngành và cả hệ thống chính trị, cộng với tích cực, chủ động phát huy nội lực của người dân trong xã, nên bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên…

Trò chuyện với chúng tôi, ông Ma Triệu Phú, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Minh Thanh phấn khởi cho biết: “Được sự quan tâm Đảng, Nhà nước qua chương trình NTM, diện mạo xã thay đổi nhanh chóng, đường giao thông nông thôn, đường nội đồng đều được bê tông hóa khang trang. Dân làng ai cũng biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ trở nên khấm khá...,Người dân chúng tôi rất phấn khởi và ơn Đảng, Nhà nước!”.

Còn ông Phạm Văn Minh, ở thôn Cảy, xã Minh Thanh bộc bạch: “Từ khi có Chương trình xây dựng NTM, các công trình phục vụ dân sinh được đầu tư bài bản, hệ thống kênh, mương nội đồng được xây dựng, nạo vét, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, sản xuất tốt hơn; nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó thu nhập của người dân được nâng lên đáng kể”.

Chia sẻ về tinh thần đoàn kết, và sự đồng thuận của nhân dân trong xây dựng NTM, đồng chí Nguyễn Ngọc Hứa, Bí thư Đảng ủy xã Minh Thanh cho biết: "Là địa phương có điểm xuất phát thấp, quá trình xây dựng NTM, chúng tôi gặp phải không ít khó khăn, song có sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, sự quyết tâm của hệ thống chính trị, mọi khó khăn đều được hóa giải. Năm 2022, địa phương triển khai nâng cấp tuyến đường DH7, DH8 và trục đường xã, đường liên thôn tổng chiều dài 16km. Mặc dù không được đền bù nhưng có gần 400 hộ dân bị ảnh hưởng đã tự nguyện chặt bỏ cây cối, phá dỡ tường rào, công trình vật kiến trúc để hiến đất làm đường...".

Địa phương thường xuyên, phối hợp các ngành chức năng, tổ chức các lớp chuyển giao, tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người dân góp phần nâng cao năng suất canh tác nông nghiệp. Ảnh: KC

Việc làm ý nghĩa của 400 hộ dân ở vùng quê Cách mạng này đã tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa trong cộng đồng, từ đó các hộ gia đình trong xã cũng hiểu được lợi ích thiết thực, lâu dài của việc làm đường giao thông nông thôn nên đều tự nguyện góp công sức, góp của, hiến đất phục vụ làm đường NTM mà không hề tính toán thiệt hơn.

Sau 12 năm triển khai xây dựng chương trình nông thôn mới (NTM), với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, hiện xã Minh Thanh đã đạt 13/19 tiêu chí NTM. Đến nay, kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, các công trình phúc lợi được đầu tư, nâng cấp, tạo ra bộ mặt nông thôn khang trang, sạch đẹp, người dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền.

Nhờ chương trình NTM của Chính phủ, trường học, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập Cộng đồng xã được đầu tư xây dựng khang trang, với đầy đủ trang thiết bị phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của người dân; và các thôn bản đều có nhà văn hóa.

Các tiêu chí về môi trường, hộ nghèo, nhà ở cũng được ưu tiên triển khai, thực hiện. Theo đó, xã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về vệ sinh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng cách ra quân tổng vệ sinh thường xuyên giúp cho cảnh quan môi trường địa phương luôn phong quang, xanh - sạch - đẹp.

Hưởng lợi từ Chương trình xây dựng NTM, công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được đặc biệt quan tâm, từ đó cải thiện điều kiện lao động, sản xuất, ổn định thu nhập, giảm nghèo bền vững. Cạnh đó, địa phương cũng thường xuyên, phối hợp các ngành chức năng, tổ chức các lớp chuyển giao, tiến bộ khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, góp phần tạo việc làm ổn định cho người dân. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt trên 38 triệu đồng/năm.

Đặc biệt, xã chú trọng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, như vùng sản xuất chè, vùng thâm canh lúa, rau màu; hệ thống kênh mương được kiên cố hóa, đảm bảo 100% nước tưới tiêu cho sản xuất. Hiện xã có 2 sản phẩm nông nghiệp hàng hóa được đăng ký thương hiệu đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao gồm: Gạo La Khai và sản phẩm chè sạch mang thương hiệu Thanh Trà.

Cùng với đó, xã cũng đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp với gần 800ha diện tích gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC. Đồng thời, chủ động tìm các giải pháp, xây dựng kế hoạch, từng bước hình thành tour, tuyến du lịch trọng điểm nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch địa phương như du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm tham quan các di tích lịch sử văn hóa.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Hứa, Bí thư đảng ủy xã Minh Thanh tự tin khẳng định: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ phát huy mạnh những kết quả, kinh nghiệm đã đạt được để giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí của NTM. Địa phương sẽ tiếp tục sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình, dự án được hỗ trợ để đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và phát triển nông nghiệp. Mặc dù mục tiêu Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 phấn đấu đến năm 2025 xã về đích NTM. Để đạt được mục tiêu trên, địa phương đang nỗ lực vượt qua những khó khăn, phát huy tối đa các tiềm lực, lợi thế nhằm tạo những bứt phá xây dựng quê hương cội nguồn Cách mạng ngày càng giàu đẹp, văn minh và trở thành vùng quê đáng sống”./.

Kim Chiến

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/khoi-sac-nong-thon-moi-tren-que-huong-cach-mang-minh-thanh-640652.html