Khôi phục Lễ hội Đền Mẫu Thượng-Chùa Quang Sơn: Niềm vui sau 40 năm đợi chờ

Lần đầu tiên được khôi phục sau hơn 40 năm, Lễ hội Đền Mẫu thượng-Chùa Quang Sơn (thành phố Tam Điệp) đã tạo không khí phấn khởi, thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân và du khách thập phương.

Thực hiện nghi thức truyền thống tại Lễ hội Đền Mẫu Thượng.

Cụ Lê Văn Tửu ở thôn Bãi Sải, xã Quang Sơn năm nay bước qua tuổi 93. Cụ Tửu nguyên là lãnh đạo xã Quang Sơn từ những năm đầu thị xã Tam Điệp mới được thành lập. Cụ Sải nói, Quang Sơn ngày đó nghèo lắm, chủ yếu là nhà tranh, vách đất, trường học là tranh tre nứa lá.

Hôm nay về lại chốn xưa, sự đổi mới của quê hương khiến cụ sững sờ. Những đồi dứa xanh mướt gợi lên sắc màu no ấm. Di tích lịch sử - văn hóa của quê nhà được trùng tu, tôn tạo khang trang, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Ngày quê hương mở hội, lễ hội đầu tiên trong suốt hơn 40 năm kể từ khi thành lập thị xã Tam Điệp (nay là thành phố Tam Điệp), ai cũng hân hoan, đón chờ. Bản thân cụ Tửu sức khỏe kém nhưng vẫn cố gắng để được dự lễ hội Đền Mẫu Thượng-Chùa Quang Sơn của quê hương mình.

Cụ Tửu kể, theo tư liệu của địa phương, Chùa Quang Sơn xưa kia nằm tại thôn Tân Trung. Ngôi chùa được xây dựng từ rất sớm, trải qua nhiều đời trụ trì nhưng do dân cư thưa thớt, lại là vùng rừng thiêng nước độc nên các vị trụ trì chỉ lưu dấu một thời gian rồi đi nơi khác, chùa vắng bóng tăng ni. Trong đó, có cố hòa thượng Thích Thanh Tích, trụ trì Chùa trong khoảng thời gian 17 năm (1920-1937) và đặt tên Viên Quang Tự.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nơi đây đã từng là Bệnh viện kháng chiến tiền phương, có nhiều đóng góp vào chiến dịch Tây Nam Ninh Bình và mặt trận Liên khu 4. Nơi đây cũng từng là trụ sở hội họp của Ban Chấp hành Đảng bộ Quân khu 3, điểm giao liên nối liền Khu căn cứ Cách mạng Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan và chiến khu Ngọc Trạo, tỉnh Thanh Hóa. Có một thời gian, Chùa là nơi tổ chức học văn hóa cho con em địa phương.

Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, Chùa bị phá hủy hoàn toàn. Sau này, Chùa được nhân dân trong vùng phục dựng lại và tọa lạc bên cạnh đền Mẫu Thượng, tại vị trí ngày nay thuộc thôn Tân Thượng, xã Quang Sơn. Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, ngôi chùa có được cảnh quan trang nghiêm như hiện nay.

Bên cạnh chùa là Đền Mẫu Thượng, xưa kia gọi là Đền Thượng được xây dựng từ thời Lê. Đây là nơi thờ thánh mẫu Liễu Hạnh, là thần chủ của đạo mẫu. Ngoài ra còn thờ Mẫu Thượng ngàn-Mẫu Thoải, Đức thánh Trần (tức Trần Hưng Đạo). Có câu "Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ" là nói về ngày giỗ của hai vị thánh được Nhân dân thờ cúng. "Cha" là đức thánh Trần Hưng Đạo, còn "Mẹ" chính là Bà chúa Liễu Hạnh.

Lễ hội truyền thống Đền Mẫu Thượng-Chùa Quang Sơn là một trong các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống. Theo các bậc cao niên kể lại, xưa kia vào ngày mùng 2 tháng 3 hàng năm, nhân dân trong làng chuẩn bị các lễ vật, tế cáo yết khai mạc lễ, sau đó có rước kiệu, hầu văn, giá đồng. Ngày mùng 3 tháng 3, đội tế nữ quan lễ tế tạ Mẫu và tổng kết lễ. Sau đó, các cửa họ và dân làng thụ lộc. Tuy nhiên, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, do ảnh hưởng tàn phá của chiến tranh, cùng nhiều yếu tố khách quan, một thời gian dài lễ hội không được tổ chức.

Bà Trần Thị Phượng giới thiệu cho du khách về sản vật địa phương.

Không chỉ nhiệt tình tham gia vào các hoạt động tại lễ hội, bà con địa phương còn coi đây là dịp để quảng bá, giới thiệu các sản vật của địa phương đến với du khách thập phương, để lưu lại hình ảnh đẹp về mảnh đất và con người Quang Sơn. Bà Trần Thị Phượng về làm dâu ở thôn Tân Nhuận, xã Quang Sơn được hơn 40 năm. Lần đầu được dự hội tại Cụm Di tích ở địa phương, bà Phượng rất xúc động và háo hức như thời xuân trẻ.

Về với lễ hội, bà Phượng còn mang tới những mặt hàng nông sản của quê hương như dứa, chè để giới thiệu tới du khách. Bà Phượng chia sẻ: Tôi muốn giới thiệu với du khách thập phương những sản vật gắn liền với cuộc sống của người dân địa phương, đặc biệt là quả dứa. Dứa là loại cây trồng có từ lâu rồi nhưng trước kia muốn bán được, chúng tôi phải đi khắp nơi, bây giờ thì thương lái ở các nơi tìm về vào mỗi vụ thu hoạch. Nhà tôi trồng 2 ha dứa, cây trồng này cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Trừ các khoản chi phí thì nguồn thu từ dứa cũng đủ để chúng tôi chăm lo cho gia đình, cho sự học của con cái. Chúng tôi luôn nỗ lực để thêm nhiều người biết về chất lượng, thương hiệu cây dứa Quang Sơn.

Ông Trương Văn Hiên, Chủ tịch UBND xã Quang Sơn cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của di sản văn hóa, đặc biệt là các di sản văn hóa phi vật thể, trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền xã Quang Sơn luôn quan tâm, làm tốt công tác gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; coi đây là nhiệm vụ quan trọng, nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và giá trị truyền thống của địa phương.

Đặc biệt, nhằm tiếp tục thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, trong đó lễ hội truyền thống giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng; là sản phẩm sáng tạo thể hiện sự gắn kết cộng đồng, được sự quan tâm và tạo điều kiện của Thành ủy, UBND thành phố, xã Quang Sơn tổ chức khôi phục lại Lễ hội truyền thống Đền Mẫu Thượng - Chùa Quang Sơn xuân Giáp Thìn năm 2024.

Sự kiện đã đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của nhân dân trong xã và du khách thập phương. Là năm đầu tiên khôi phục Lễ hội và cũng là lần đầu tiên tổ chức Lễ hội tại địa phương trong hơn 40 năm kể từ khi thành lập thị xã Tam Điệp (nay là thành phố Tam Điệp), do đó ngoài phần lễ với các nghi thức trang trọng còn có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian phong phú, hấp dẫn, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

Về với Lễ hội Đền Mẫu Thượng, Chùa Quang Sơn, nhân dân và du khách được thưởng thức không gian văn hóa tâm linh độc đáo của các nghi lễ truyền thống, thể hiện sự tôn kính với Thánh Mẫu thượng ngàn, các vị thần linh, anh hùng, nghĩa sỹ, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, muôn dân được an lành, ấm no, hạnh phúc.

Đây cũng là dịp để tôn vinh các di sản văn hóa phi vật thể với giá trị bền vững và sức sống mãnh liệt; khẳng định những nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hóa và Lễ hội truyền thống Đền Mẫu Thượng - Chùa Quang Sơn. Đồng thời, tiếp tục nâng cao trách nhiệm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong những năm tiếp theo.

Đào Hằng-Anh Tú

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/khoi-phuc-le-hoi-den-mau-thuong-chua-quang-son-niem-vui-sau/d20240408144211409.htm