Khôi phục cây trà Mã Dọ

TS Văn Thị Phương Như cùng ThS Nguyễn Trần Vũ kiểm tra phôi trà Mã Dọ. Ảnh: LỆ VĂN

Nhận thức được tiềm năng phát triển kinh tế của giống trà đặc hữu ở vùng đất Phú Yên, năm 2020, UBND tỉnh phê duyệt đề tài “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển cây chè Mã Dọ (hay còn gọi là trà Mã Dọ) tại TX Sông Cầu” và giao Trung tâm KH-CN nông nghiệp - sinh học La Hiêng (thuộc Công ty TNHH La Hiêng, TP Tuy Hòa) triển khai thực hiện.

Đề tài do TS Văn Thị Phương Như làm chủ nhiệm, phối hợp cùng các cộng sự ở Trung tâm KH-CN nông nghiệp - sinh học La Hiêng triển khai thực hiện trong vòng 36 tháng. Qua 2 năm triển khai, bước đầu đề tài cho nhiều kết quả tích cực, lạc quan, nhất là đã ươm tạo thành công giống trà quý này.

Bảo tồn, nhân giống

Theo ThS Nguyễn Trần Vũ (Trung tâm KH-CN nông nghiệp - sinh học La Hiêng), qua khảo sát về hình thái của lá, hoa, trái và hạt trà Mã Dọ, giống trà này thuộc họ trà Camelliaceae, vốn là loại cây mọc nhiều ở khu vực đèo Cù Mông (xã Xuân Lộc, TX Sông Cầu) trên vùng đồi núi có độ cao trên 500-700m so với mực nước biển. Hằng năm, cứ vào tiết lập xuân, người dân địa phương lại rủ nhau lên các ngọn núi trên đỉnh Cù Mông hái trà Mã Dọ về sử dụng làm thức uống hàng ngày. Gần đây, khi thấy được giá trị dược liệu và giá trị kinh tế của trà Mã Dọ, một số người dân sau khi thu hái về đã chế biến và bán với giá từ 1,5-2 triệu đồng/kg. Một số hộ dân dưới chân đèo Cù Mông còn lấy trà Mã Dọ sấy ngâm rượu bán cho du khách trong và ngoài tỉnh.

Chính việc khai thác quá mức và không có kế hoạch bảo tồn, cây trà Mã Dọ đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt dần. Nhận thức được tiềm năng phát triển kinh tế cũng như cần phải bảo tồn giống trà đặc hữu ở vùng đất Phú Yên, sự hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách, TS Văn Thị Phương Như và các cộng sự đã nghiên cứu để nhân giống, bảo tồn cây trà Mã Dọ.

Theo TS Văn Thị Phương Như, khi bắt tay vào thực hiện đề tài này, công việc đầu tiên của nhóm nghiên cứu là tiến hành khảo sát đặc điểm sinh học cây trà Mã Dọ trên địa bàn TX Sông Cầu; xây dựng quy trình nhân giống cây trà Mã Dọ, xây dựng quy trình, chăm sóc, thu hoạch trà Mã Dọ; xây dựng quy trình sản xuất và chế biến trà Mã Dọ đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, quy trình nhân giống trà Mã Dọ là khâu khó khăn, mất nhiều công sức và thời gian nhất…

ThS Nguyễn Trần Vũ cho biết: “Ban đầu, chúng tôi tiến hành di thực 3 cây trà Mã Dọ từ rừng về vườn ươm để trồng và nghiên cứu, sau đó chọn những cành khỏe để tiến hành giâm hom… nhưng hiệu quả không cao. Vì vậy, nhóm tiếp tục nghiên cứu và xây dựng quy trình nhân giống cây trà Mã Dọ bằng phương pháp nuôi cấy mô invitro”.

Sau gần 1 năm, nhóm đã cho ra gần 10.000 mẫu, đưa ra vườn ươm trồng thực nghiệm. Bước đầu, mô phôi sinh trưởng tốt, có khả năng chống chịu được sâu bệnh. Sau gần 2 năm trồng ở vườn ươm, nhóm tiến hành thu hoạch trà búp tươi và tiếp tục nghiên cứu quy trình sản xuất, chế biến trà Mã Dọ.

Cũng theo ThS Nguyễn Trần Vũ, hiện nay, nhóm đã ươm giống thành công gần 5.000 cây trà Mã Dọ chuyển giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Cầu tiến hành trồng trên diện tích khoảng 3ha trong mùa mưa này. Đồng thời tiếp tục ươm tạo và nuôi cấy hàng ngàn mẫu mô phôi cây trà Mã Dọ để chuyển giao cho người dân trồng.

ThS Nguyễn Trần Vũ và ThS Đào Lệ Tuyền kiểm tra việc sinh trưởng của cây trà Mã Dọ ở vườn ươm. Ảnh: LỆ VĂN

ThS Nguyễn Trần Vũ và ThS Đào Lệ Tuyền kiểm tra việc sinh trưởng của cây trà Mã Dọ ở vườn ươm. Ảnh: LỆ VĂN

Mở ra hướng mới cho cây trà Mã Dọ

Là người dân địa phương có thâm niên trong việc thu hái lá trà Mã Dọ ngoài tự nhiên, đối với ông Từ Văn Mười (xã Xuân Lộc, TX Sông Cầu), việc TS Văn Thị Phương Như và các cộng sự nghiên cứu, bảo tồn thành công giống trà Mã Dọ là một tín hiệu vui cho ông và những người dân trong vùng. Ông Mười phấn khởi nói: “Thấy lá trà Mã Dọ có giá trị kinh tế cao, nhiều người dân đổ xô hái, bẻ cành, chặt cả cây xuống để hái ngọn, thậm chí đốt làm củi than, tôi rất xót xa. Dần dà, diện tích vùng trà tự nhiên ngày càng thu hẹp, có nguy cơ cạn kiệt. Giờ đây, cây trà Mã Dọ được nghiên cứu, nhân giống, bảo tồn, đồng thời tạo sinh kế cho người dân địa phương, chúng tôi rất mừng”.

Theo ông Mười, trà Mã Dọ như một loại thuốc chữa ho, có tác dụng chữa mất ngủ, kích thích ăn ngon miệng và chữa các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Người ta dùng lá trà già vò nấu nước tắm để chữa ghẻ, ngứa, rôm sảy cho trẻ em hoặc lấy lá trà tía cho phụ nữ mới sinh uống lợi sữa, ăn ngon, ngủ tốt.

“Qua nghiên cứu, phân tích, chúng tôi nhận thấy lá trà Mã Dọ có mùi thơm tự nhiên, nước trà có màu đỏ tươi rất đẹp. Ngoài ra, trong lá trà Mã Dọ có các hợp chất như: Caffein, Polyphennol, Annthranoid, Alcaloid, Acid hữu cơ, Saponnin, Tanin, Axit Chlorogenic, Ecg, Egc, Egcg, Carachin là những chất có khả năng chống oxy hóa cao và rất tốt cho sức khỏe”, ThS Đào Lệ Tuyền, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.

Theo TS Văn Thị Phương Như, trà là loại cây trồng mà sản phẩm của nó có giá trị hàng hóa và giá trị xuất khẩu cao, thị trường tiêu dùng có nhu cầu ngày càng cao. Cây trà trồng một lần có thể thu hoạch từ 30-40 năm hoặc lâu hơn, tùy thuộc vào điều kiện chăm sóc. Giá trị trà trên thị trường thế giới trong những năm gần đây khá ổn định, bình quân từ 1.200-1.900 USD/tấn trà đen và từ 200-300 USD/tấn trà xanh, trà vàng. Vì vậy, việc phát triển và bảo tồn cây trà Mã Dọ không chỉ bảo tồn được nguồn gen quý có nguy cơ tuyệt chủng, mà còn góp phần đa dạng cây trồng, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân. Đồng thời, việc trồng cây trà Mã Dọ còn góp phần nâng cao việc sử dụng hiệu quả đất đai vùng miền núi trung du.

Đánh giá đề tài, Giám đốc Sở KH-CN Dương Bình Phú cho rằng kết quả của đề tài “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển cây chè Mã Dọ tại TX Sông Cầu” không chỉ bổ sung dẫn liệu về đặc điểm thực vật học cây trà Mã Dọ, mà còn là cơ sở dữ liệu về tính thích ứng của cây trà này ở TX Sông Cầu để có kế hoạch định hướng bảo tồn và phát triển cây trà Mã Dọ tại Phú Yên.

Về kinh tế - xã hội và môi trường, việc phát triển cây trà Mã Dọ sẽ mang lại nguồn thu nhập kinh tế cho người dân, tạo việc làm ổn định, góp phần phát triển làng nghề của địa phương; đồng thời góp phần tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường đất, giảm nguy cơ tác động bất lợi đối với môi trường nông nghiệp trước sự biến đổi khí hậu như hiện nay.

Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN

VĂN TÀI

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/79/288146/khoi-phuc-cay-tra-ma-do.html