Khôi phục căn cứ cũ ở nước ngoài - đòn tâm lý chiến của Nga?

Giới chuyên gia cho rằng tuyên bố của Nga về việc khôi phục căn cứ ở Cuba và châu Á không mang nhiều ý nghĩa chiến lược thực tế.

Tuyên bố của Nga gần đây về việc xem xét mở lại một số căn cứ quân sự cũ ở nước ngoài như Lourdes ở Cu Ba đã thu hút sự chú ý của giới quân sự và truyền thông thế giới.

Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tuy nhiên các chuyên gia phân tích cho rằng việc Nga mở lại các căn cứ quân sự sẽ không mang lại nhiều giá trị chiến lược và tuyên bố nói trên của Moscow chủ yếu mang tính chất nâng tầm biểu trưng cho quân sự nhiều hơn là đưa vào thực tế.

Đây cũng không phải lần đầu tiên nhà chức trách Nga để ngỏ khả năng mở lại căn cứ ở Lourdes, Cuba và một số quốc gia khác.

Hồi mùa hè năm 2014, Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho biết nước này sẽ khôi phục hoạt động tại các căn cứ quân sự cũ trên toàn thế giới - bên cạnh thiết lập thêm ở một số địa điểm mới, từ Singapore đến Argentina. Tuy nhiên, trong chuyến thăm của ông Putin tới Mỹ Latinh, vị Tổng thống nước Nga đã bác bỏ đề xuất này.

Trung tâm vô tuyến điện tử ở Lourdes đi vào hoạt động ở Cuba vào năm 1967 với nhiệm vụ thu thập tín hiệu điện thoại và vô tuyến điện trên lãnh thổ Mỹ. Thời điểm đó, Liên Xô có khả năng truy cập tới 75 % tất cả thông tin từ các cuộc điện thoại và radio.

Tuy nhiên vào năm 2001, các nhà chức trách Nga đã đóng cửa trung tâm Lourdes để cải thiện quan hệ với chính quyền của Tổng thống George W. Bush. Điều được xem là dấu hiệu của sự thiện chí và tình đoàn kết với Mỹ, khi đất nước này bị rung chuyển bởi các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9.

Tuy nhiên, cũng có lý do khác cho rằng, sau khi Moscow ngừng cấp các khoản trợ cấp nhiều tỷ USD cho Cuba, chính quyền nước này đã yêu cầu Nga phải trả số tiền 200 triệu cho việc thuê cơ sở Lourdes, một khoản tiền đủ lớn khiến các lãnh đạo quân sự hàng đầu nước Nga băn khoăn.

Ngoài ra, các thiết bị ở Lourdes cũng đã lỗi thời và không đáp ứng các yêu cầu cơ bản trong việc thu thập các dữ liệu tình báo Mỹ. Bên cạnh đó, hoạt động tình báo hiện nay chủ yếu thực hiện thông qua vệ tinh, không còn là các trạm trên mặt đất.

Mặc dù vậy, phát ngôn viên của điện Kremlin Dmitry Peskov không xác nhận thông tin về sự trở lại của các cơ sở ở Lourdes nhưng cũng không phủ nhận điều này.

Trong khi đó ý định khôi phục hoặc thiết lập mới một số căn cứ quân sự ở châu Á cũng được cho là điều khó thực thi và không mang lại lợi ích đáng kể cho Nga.

"Lập các căn cứ hải quân ở một số quốc gia ở châu Á giờ đây không còn mang ý nghĩa chiến lược - không có quá nhiều mối đe dọa trên Biển Đông và Ấn Độ Dương đối với Moscow", Vladimir Frolov, chuyên gia về quan hệ quốc tế nói với Russia Direct. "Ngoài ra, dù giả dụ có thuê được cơ sở tại đây, sẽ không có chuyện Moscow chỉ phải trả mức phí thuê tượng trưng như trước kia".

Nhà báo Eugene Bai lập luận rằng, các nước Đông Nam Á cũng không mặn mà với việc cần Nga hiện diện tại đây như một quyền lực thứ ba trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông vốn đã có Trung Quốc và Mỹ can dự.

Nói về ý nghĩa thật sự trong tuyên bố của Nga về việc mở lại các căn cứ quân sự cũ, Dario Citati, một học giả thuộc Chương trình nghiên cứu Âu Á, tại Viện Nghiên cứu cao cấp về địa chính trị (Rome) cho rằng: "Trong bối cảnh hiện tại, tuyên bố của Nga giống như một đòn tâm lý. Moscow muốn chứng minh tầm nhìn mang tính toàn cầu của họ không bị giới hạn trong thời đại hậu Xô viết".

Tương tự như vậy, liên quan đến sự trở lại của các căn cứ quân sự ở Lourdes, khả năng thực hiện là không lớn. Washington đã khôi phục lại quan hệ ngoại giao và kinh tế với Cuba. Điều này có nghĩa rằng La Habana sẽ cân nhắc lợi ích cho sự trở lại của các cơ sở Nga, ngay cả khi điện Kremlin đồng ý cung cấp cho Cuba dầu miễn phí.

Ngoài ra, Nga hiện nay đã thành lập căn cứ không quân Khmeimim ở thành phố Latakia và triển khai tên lửa S-400 của mình ở đó. Cùng với việc thiết lập căn cứ hải quân chính thức của Nga ở Tartus cũng khiến Moscow phải tập trung nhiều nguồn lực và thời gian nếu muốn làm sống dậy những căn cứ khác.

Như chuyên gia Alexander Golts lập luận, việc thành lập căn cứ quân sự của Nga cần phải mang ý nghĩa chiến lược trong sự đối đầu với tầm ảnh hưởng của Mỹ.

Theo đánh giá của bình luận viên Vadim Makarenkov, với sự gia tăng căng thẳng giữa các bên liên quan trên toàn cầu đang trở nên phổ biến, Nga đang gửi một tín hiệu đến Mỹ rằng "Washington nên thực tế hơn ở Syria và Ukraine, nếu không sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với Moscow, mà còn cả Washington".

Quốc Vinh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/khoi-phuc-can-cu-o-cuba-viet-nam-don-tam-ly-chien-cua-nga-a303976.html