Khơi gợi niềm tin hòa bình ở Chad

Đầu tuần này, tại Thủ đô Doha, Qatar, chính quyền quân sự của Chad đã ký một thỏa thuận hòa bình với hơn 40 nhóm đối lập để khởi động cuộc đối thoại hòa giải dân tộc. Thỏa thuận quy định các bên tham gia ngừng bắn vĩnh viễn; chính quyền quân sự cũng cam kết không tiến hành các hoạt động quân sự hoặc triển khai lực lượng ở các nước lân cận để chống lại các nhóm tham gia ký kết thỏa thuận.

Quang cảnh lễ ký thỏa thuận hòa bình, mở đường cho cuộc đối thoại quốc gia giữa chính quyền quân sự và 42 nhóm nổi dậy ở Chad. Ảnh: Reuters

Quang cảnh lễ ký thỏa thuận hòa bình, mở đường cho cuộc đối thoại quốc gia giữa chính quyền quân sự và 42 nhóm nổi dậy ở Chad. Ảnh: Reuters

Theo thỏa thuận, các cuộc đàm phán nhằm mở đường cho một cuộc bầu cử Tổng thống sẽ bắt đầu vào ngày 20/8 tới đây. Truyền thông khu vực cho biết, kể từ tháng 3, Qatar đã làm trung gian giữa các nhóm đối lập và chính quyền quân sự của tướng Mahamat Idriss Deby Itno. Bộ Ngoại giao Qatar cho biết, các cuộc đàm phán sẽ được tổ chức tại Thủ đô N’Djamena của Chad nhằm tìm kiếm hòa giải dân tộc toàn diện. Hiệp định Doha cam kết các bên ký kết ngừng bắn trong các cuộc đàm phán N’Djamena. Chính quyền quân sự cũng đã đảm bảo an toàn cho các thủ lĩnh phe nổi dậy tham dự các hoạt động đối thoại.

Tuy nhiên, Chad hiện có 47 nhóm nổi dậy và mới chỉ có 42 nhóm ký thỏa thuận, còn 5 nhóm bao gồm nhóm nổi dậy lớn nhất của đất nước Trung Phi này có tên gọi Mặt trận vì sự thay đổi và hòa giải ở Chad (FACT) đã từ chối tham gia thỏa thuận với tuyên bố rằng, cuộc đối thoại quốc gia này sẽ không được đối xử bình đẳng và yêu cầu một ủy ban mới được thành lập để tổ chức các cuộc đàm phán. Đồng thời, FACT yêu cầu thả các thành viên của nhóm đang bị chính quyền quân sự giam giữ và nhấn mạnh sẵn sàng tham gia đối thoại nếu phù hợp.

Theo giới quan sát khu vực, Chad đã có rất ít sự ổn định kể từ khi giành được độc lập vào năm 1960 đến nay. Các cuộc đàm phán sắp tới được dư luận châu Âu quan tâm vì nước này được coi là đồng minh chủ chốt trong các nỗ lực quốc tế chống lại các nhóm vũ trang nổi dậy tại khu vực. Chad là đồng minh của Pháp và các nước phương Tây trong cuộc chiến chống các tay súng Hồi giáo cực đoan ở khu vực Sahel của châu Phi.

Sau khi thỏa thuận hòa bình được ký kết, Liên minh châu Âu (EU) đã ra tuyên bố hoan nghênh các bên ở Chad, đồng thời đánh giá cao việc Qatar ủng hộ tiến trình này. EU khẳng định sự ủng hộ và khuyến khích tất cả các nhóm chính trị - quân sự chưa ký kết thỏa thuận hòa bình sẽ sớm tham gia nhằm khởi động một cuộc đối thoại quốc gia thực sự mang tính toàn diện. EU cũng cho biết thêm, khối sẽ vẫn giữ cam kết hỗ trợ một quá trình chuyển đổi có thể đảm bảo việc khôi phục nhanh chóng trật tự hiến pháp và đáp ứng các nguyện vọng của người dân Chad, đồng thời sẵn sàng đóng góp vào việc thực hiện thỏa thuận trên cùng với các đối tác của mình.

Giới quan sát an ninh châu Phi cho rằng, việc chính quyền quân sự và số đông các nhóm nổi dậy cùng ký thỏa thuận hòa bình vừa qua phản ánh nguyện vọng và ý chí chung của các phe phái đối lập về một đất nước hòa bình, ổn định để hướng tới sự phát triển thịnh vượng. Việc thỏa thuận chưa thể quy tụ được toàn bộ các nhóm nổi dậy cũng được xem là lẽ thường tình, bởi nỗ lực quy mô lớn này đòi hỏi phải có thêm nhiều thời gian, cũng như sự đoàn kết dân tộc phải từng bước được gây dựng.

Ở góc độ tích cực, giới quan sát đánh giá, việc 42 nhóm nổi dậy cùng chính quyền quân sự của Chad ký thỏa thuận hòa bình được xem là một “bệ phóng” hữu hiệu cho các nỗ lực đối thoại quốc gia. Giới chuyên gia chính trị, an ninh tin rằng, dù tín hiệu tích cực ở Chad mới chỉ được nhen nhóm, song, có thể tin tưởng rằng, khi phần lớn các bên có chung ý chí và nguyện vọng, việc gắn kết thêm các phe phái còn lại sẽ là điều có thể làm được nếu tiếp tục giải quyết được căn bản lợi ích của các bên liên quan, nhất là khi các nhóm chưa ký thỏa thuận vẫn cho thấy sự sẵn sàng tham gia thỏa thuận hòa bình.

Trước mắt, việc đình chiến của số đông nhóm nổi dậy đã có thể mang tới một bầu không khí “dễ thở” hơn, an toàn và ổn định hơn cho người dân của đất nước này.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khoi-goi-niem-tin-hoa-binh-o-chad-post453451.html