Khơi dậy niềm tự hào, khát vọng tuổi trẻ qua văn hóa, nghệ thuật dân tộc

'Đưa đoàn viên đến các nhà hát nghệ thuật truyền thống là một sáng kiến thiết thực, góp phần tạo điều kiện cho thế hệ trẻ tiếp cận và hiểu sâu sắc hơn về giá trị của nghệ thuật truyền thống', Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông khẳng định.

Ngày 5/3, tại Hà Nội, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ VHTTDL chủ trì phối hợp với Nhà hát Tuồng Việt Nam, Đoàn Thanh niên các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, tổ chức biểu diễn vở tuồng Tình mẹ. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình Đưa đoàn viên đến nhà hát nghệ thuật truyền thống năm 2024 của Bộ VHTTDL.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông.

Vở tuồng Tình mẹ được Nhà hát Tuồng Việt Nam phục dựng, kể về cuộc đời của chiến sĩ Lê Viết Thuật - tấm gương tiêu biểu của phong trào cách mạng Việt Nam. Đồng thời, vở diễn còn đưa khán giả sống lại thời điểm những năm 1930 - 1931, khi cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh lôi cuốn hàng vạn công nhân, nông dân đứng lên đấu tranh đòi quyền làm chủ, xây dựng đời sống mới. Đó là anh Lê, chị Lý - đại diện những người hy sinh tình yêu cho lý tưởng; mẹ Lê cống hiến trọn đời và chấp nhận hy sinh cả con trai cho cách mạng…

Hình ảnh vở diễn.

Thông qua vở Tình mẹ, Đoàn Thanh niên Bộ VHTTDL mong muốn khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước đến với đoàn viên thành niên. Đồng thời, nhắc nhở về sự hy sinh của người chiến sĩ cộng sản ngay từ những ngày đầu chuẩn bị thành lập Đảng và tinh thần bất khuất của người mẹ Việt Nam, sống mãi cùng trang sử vẻ vang của đất nước. Chương trình cũng gửi gắm đến thế hệ trẻ về trách nhiệm gìn giữ và vun đắp những giá trị trường tồn của dân tộc.

Đặc biệt, vở diễn Tình mẹ còn như một minh chứng cho những nghệ sĩ trẻ - những đoàn viên thanh niên chứng tỏ năng lực bản thân, để khẳng định nghệ thuật truyền thống đang có một lực lượng kế cận hùng hậu.

Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông: "Nghệ thuật truyền thống không chỉ là nguồn cảm hứng bất tận cho sự sáng tạo mà còn là cầu nối giữa quá khứ và tương lai, giữa bản sắc văn hóa và hội nhập quốc tế. Thế hệ trẻ chính là những người kế thừa và phát triển các giá trị văn hóa, nghệ thuật của dân tộc, qua đó giữ vai trò chủ chốt trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở giai đoạn hiện đại”.

"Đưa đoàn viên đến các nhà hát nghệ thuật truyền thống là một sáng kiến thiết thực, góp phần tạo điều kiện cho thế hệ trẻ tiếp cận và hiểu sâu sắc hơn về giá trị của nghệ thuật truyền thống. Đồng thời, tôi kỳ vọng chương trình sẽ mở ra những trải nghiệm phong phú, đặc sắc, từ đó khơi gợi tình yêu và niềm tự hào về văn hóa, nghệ thuật dân tộc trong lòng mỗi người trẻ”, Thứ trưởng khẳng định.

Quyền Bí thư Đoàn Bộ VHTTDL Lê Minh Đức.

Quyền Bí thư Đoàn Bộ VHTTDL Lê Minh Đức bày tỏ hy vọng vở tuồng Tình mẹ sẽ mở ra một một niềm say mê yêu thích mới với nghệ thuật truyền thống, một trải nghiệm văn hóa đầy thú vị và sáng tạo.

"Đoàn Thanh niên Bộ VHTTDL mong muốn sẽ là cầu nối tri thức văn hóa nghệ thuật tới các bạn đoàn viên, thanh niên để mỗi cá nhân hãy coi mình như một đại sứ văn hóa trẻ, góp phần gìn giữ và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, Quyền Bí thư Đoàn Bộ VHTTDL Lê Minh Đức bày tỏ.

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/khoi-day-niem-tu-hao-khat-vong-tuoi-tre-qua-van-hoa-nghe-thuat-dan-toc-2256273.html