Khơi dậy đam mê nghiên cứu, sáng tạo trong học sinh

Trong cuộc sống hiện đại, các em học sinh ngày càng tự tin, năng động và mong muốn được trải nghiệm ở nhiều hoạt động, trong đó có việc nghiên cứu, sáng tạo. Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Hòa Bình là một trong những sân chơi bổ ích, lành mạnh, góp phần khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy, sáng tạo trong lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu tham quan giải pháp "Nâng cao nhận thức cho học sinh Trường THCS Hữu Nghị trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường Hòa Bình thông qua việc tìm hiểu, giữ gìn trang phục nữ dân tộc Mường”.

Để có sức lan tỏa rộng rãi, ngay sau khi phát động Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng năm học 2022 - 2023, Ban tổ chức đã đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn cụ thể về lĩnh vực, yêu cầu, tiêu chuẩn đánh giá, hồ sơ dự thi.

Cuộc thi có 129 giải pháp tham gia của các em học sinh đến từ 10 huyện, thành phố. Trong đó, một số đơn vị có số lượng giải pháp dự thi tăng nhiều hơn so với những năm trước đó, điển hình là: TP Hòa Bình có 30 giải pháp (tăng 12 giải pháp); huyện Lạc Sơn có 29 giải pháp (tăng 18 giải pháp)... Trong đó, những lĩnh vực các em quan tâm là các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế; phần mềm tin học; dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em. Cùng với đó là hàng nghìn giải pháp tham gia cuộc thi cấp huyện. Những con số trên là điều đáng mừng cho thấy ngành GD&ĐT tỉnh luôn quan tâm, động viên, khuyến khích phong trào nghiên cứu, sáng tạo của học sinh trong các trường học. Nhờ vậy ngày càng thu hút đông đảo học sinh các trường học tham dự.

Tưởng chừng các trường học ở khu vực thành phố, thị trấn sẽ thuận lợi hơn về điều kiện, môi trường học tập, tiếp cận gần hơn với khoa học, công nghệ, thế nhưng ngay cả học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn cũng rất hăng say nghiên cứu, sáng tạo. Điển hình như giải pháp "Sử dụng Scatch và Microbit để nhận diện sâu bệnh trên một số cây trồng và đưa ra giải pháp trị bệnh” của 2 học sinh Bùi Tiến Hảo, Bùi Đăng Khoa, Trường TH&THCS Phúc Tuy (Lạc Sơn) đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi. Theo Bùi Đăng Khoa, từ thực tế gia đình làm nông nghiệp, chúng em thấy việc nhận diện các loại bệnh hại trên cây trồng chủ yếu dựa theo kinh nghiệm hay tư vấn của người bán thuốc bảo vệ thực vật, hầu như chưa có sản phẩm nào giúp nhận diện sâu bệnh hại. Trong phòng trừ sâu bệnh hại, việc ứng dụng Scratch và Microbit nhận diện sâu bệnh trên cây trồng dựa trên ảnh chụp từ lá, quả của cây trồng bị bệnh nhằm đề xuất giải pháp phòng trị kịp thời cho người dân một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất trên cây trồng của mình. Chính vì vậy, nhóm em đã có ý tưởng "Sử dụng Scatch và Microbit nhận dạng sâu bệnh trên cây trồng” và triển khai thực hiện để tham gia dự thi.

Nhiều giải pháp đã tạo được dấu ấn riêng, có tính ứng dụng vào thực tiễn để mang lại hiệu quả cao. Trong đó, không thể không nhắc đến giải pháp "Phần mềm Game to learn English” của nhóm tác giả Bùi Như Quỳnh, Bùi Minh Châu, Vũ Đăng Khoa, học sinh Trường TH&THCS Tân Lập (Lạc Sơn); giải pháp "Thành phố thông minh” của nhóm tác giả Nguyễn Toàn, Nguyễn Nhật Minh, Đặng Tiến Quân, học sinh Trường Liên cấp Dạ Hợp (TP Hòa Bình)... Các nhà trường đều có kế hoạch, hướng dẫn học sinh nghiên cứu, sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và nhóm đối tượng học sinh tham gia.

Giải pháp "Nâng cao nhận thức cho học sinh Trường THCS Hữu Nghị trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường Hòa Bình thông qua việc tìm hiểu, giữ gìn trang phục nữ dân tộc Mường” của 2 học sinh Trương Hoàng Yến và Đinh Nguyễn Gia Bảo, học sinh Trường THCS Hữu Nghị (TP Hòa Bình) đoạt giải ba trong cuộc thi. Trương Hoàng Yến chia sẻ: "Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng giúp chúng em trau dồi kiến thức, khuyến khích nghiên cứu khoa học, rèn luyện kỹ năng sáng tạo; xây dựng và thực hiện ước mơ được trở thành những doanh nhân, nhà sáng chế, nhà khoa học trong tương lai. Với riêng em, tham dự cuộc thi, em được tìm hiểu, sưu tầm, thu thập và giới thiệu về bản sắc văn hóa dân tộc Mường Hòa Bình. Từ đó có ý thức giữ gìn và phát huy, lan tỏa tình yêu quê hương, dân tộc đến bạn bè bốn phương. Đồng thời, quảng bá, thu hút khách du lịch, góp phần xây dựng quê hương Hòa Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh, hội nhập”.

Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng không chỉ là sân chơi khoa học bổ ích và trí tuệ dành cho học sinh mà còn giúp khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo thông qua việc áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn với những ý tưởng khoa học mới, mang tính ứng dụng cao.

Linh Nhật

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/218/183314/khoi-day-dam-me-nghien-cuu,-sang-tao-tr111ng-hoc-sinh.htm