Khốc liệt cuộc đua vào lớp 10 công lập (Kỳ 2)

Cuộc cạnh tranh kiếm 'tấm vé'' vào lớp 10 công lập ở Hà Nội năm nay được nhận định sẽ khốc liệt hơn bao giờ hết, khi số học sinh tốt nghiệp THCS tăng lên khoảng 5.000 em so với năm học trước. Nhiều phụ huynh mất ăn mất ngủ, 'cân não' tìm trường, nộp hồ sơ cho con.

KỲ II: “CÂN NÃO” CHỌN TRƯỜNG

Cân nhắc chọn nguyện vọng

Có con năm nay thi vào lớp 10, chị Kim Thanh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, trước thông tin số lượng thí sinh năm nay tăng hơn năm ngoái, cơ hội vào trường công vẫn là “cánh cửa hẹp” khiến cả gia đình lo lắng, đứng ngồi không yên.

Thí sinh trao đổi bài sau khi kết thúc môn thi vào lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội năm 2023.

Trong khi đó, lực học của con không tốt lắm, nhất là tổ hợp môn toán, nhưng con vẫn quyết đăng ký nguyện vọng trường THPT Phan Đình Phùng và trường THPT Đống Đa theo các bạn cùng lớp.

Trong khi, đây đều là những trường có điểm chuẩn thuộc top cao. Trường THPT Phan Đình Phùng điểm chuẩn năm ngoái là 42,75; trường THPT Đống Đa là 39,50.

“Khi biết lượng thí sinh có suất vào trường công lập năm nay chỉ khoảng 60%, gia đình tôi rất lo lắng và cân nhắc để tính phương án khác. Khả năng vẫn cho con đăng ký vào trường THPT Phan Đình Phùng là nguyện vọng 1, nhưng ở nguyện vọng 2, 3 sẽ là những trường có điểm chuẩn thấp hơn hẳn mới mong giành được suất vào trường công.

Nếu con không vào được trường công, gia đình dự tính cho con học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, chứ không cho con học trường dân lập vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, trong khi vẫn còn một cháu đang học lớp 5”, chị Thanh chia sẻ.

Cũng có con thi vào lớp 10 sắp tới, anh Ngọc Anh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Chọn trường cho con chưa bao giờ là việc dễ dàng đối với các bậc phụ huynh. Cứ đến lúc con “vượt vũ môn” vào 10 là bố mẹ như “ngồi trên đống lửa”, bạc mặt khi phải tính toán chi li, phân tích thiệt hơn trong chuyện này.

Cả gia đình tôi đã phải tổ chức ít nhất 2 cuộc họp để bàn vấn đề chọn trường cho con. Sau quá trình thảo luận, gia đình liệt kê danh sách các trường phù hợp năng lực, nguyện của con kèm những gạch đầu dòng về ưu, nhược điểm của trường so với mong muốn, bao gồm cả vấn đề khoảng cách từ nhà tới trường, bởi bố mẹ không thể bố trí đưa đón con được”.

Theo anh Ngọc Anh, ngoài vấn đề chất lượng đầu vào, môi trường học tập, yếu tố gần nhà được gia đình anh đặt lên hàng đầu. Khu vực quận Hoàng Mai đông dân, đường thường xuyên tắc, nếu chọn trường quá xa, con đi học rất vất vả. “Đó là chưa kể, đi học xa mỗi ngày, nguy cơ rủi ro cao, có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của con”, anh Ngọc Anh nói.

Tương tự, vợ chồng chị Anh Thư (huyện Thanh Trì, Hà Nội) những ngày này đầu óc luôn căng thẳng vì chuyện chọn trường cho con.

Chị Thư cho biết, mọi năm áp lực thi vào lớp 10 ở Hà Nội đã khó, nay còn khó hơn, thay vì chỉ đăng ký nguyện vọng 1 vào trường THPT Việt Nam - Ba Lan thì nay chị phải làm đơn đăng ký cho con nguyện vọng 2 vào trường THPT Thăng Long (quận Hai Bà Trưng) với hy vọng con có suất học trường công; đồng thời trường học cũng gần cơ quan chị, tiện việc đưa đón.

“Sở dĩ tôi phải đăng ký nguyện vọng 2 cho con ở quận khác vì rút kinh nghiệm 2 năm trước, con đầu của tôi cũng vì tự tin đăng ký một trường ở gần nhà, nhưng sau đó điểm chuẩn cao nên không đỗ.

Vợ chồng tôi đành cho con học ở một trung tâm giáo dục thường xuyên, nhưng quả thật là không như mong muốn. Rút kinh nghiệm sâu sắc, lần này ngay từ đầu tháng 3, tôi đã nộp hồ sơ cho con vào trường THPT dân lập Tạ Quang Bửu.

Tuy nhiên, vào trường tư là phương án cuối cùng vì kinh tế gia đình không dư dả, trong khi quá nhiều thứ khác vẫn phải lo”, chị Thư cho biết.

Chọn trường dân lập để "mua" sự yên tâm

Trước áp lực về việc chọn một trường phù hợp để con có thể vào lớp 10 trường công, bên cạnh đồng hành, động viên con cố gắng, nhiều phụ huynh chọn giải pháp tìm một trường THPT dân lập để giảm áp lực cho con và cũng là “mua” sự yên tâm cho mình.

Chị Phương Thúy (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) có con trai đang học lớp 9 trường THCS Trung Hòa cho biết, lực học của con chỉ ở mức khá nên rất khó để giành được suất vào trường THPT Nhân Chính hay THPT Yên Hòa theo đúng tuyến, thậm chí các trường top 2 cũng khó có cơ hội.

“Gia đình đã hết sức tạo điều kiện cho con đi học thêm ở các trung tâm, thuê gia sư về nhà kèm cặp. Dù vậy, trong lòng tôi vẫn thấp thỏm, đầu óc luôn căng thẳng về việc thi cử, chỗ học của con.

Sau khi tìm hiểu một số trường dân lập, vợ chồng tôi quyết định đăng ký nộp hồ sơ vào trường THPT dân lập Lương Văn Can gần nhà, với mức học phí hệ chuẩn là 2 triệu đồng/tháng, hệ chất lượng cao 3,5 triệu đồng/tháng.

Giờ tôi đỡ lo, nếu chẳng may con trượt công lập vẫn còn có chỗ học. Mà không học thì biết làm gì ở lứa tuổi “vô lo vô nghĩ” ấy”, chị Thúy chia sẻ.

Chị Kim Huệ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có con trai chuẩn bị thi vào lớp 10 tâm sự: “Vợ chồng tôi quê ở Tuyên Quang, sinh sống và làm việc tại Hà Nội tính đến nay xấp xỉ 16 năm. Thu nhập không ổn định vì cả hai đều làm nghề tự do, bản thân tôi bị bệnh mãn tính thường xuyên phải dùng thuốc.

Nhà có hai con đang tuổi ăn học nên nguyện vọng duy nhất của gia đình là con được học trường công lập để giảm bớt gánh nặng tài chính. Do vậy, nếu con trượt công lập, chúng tôi đành cho con về quê ở cùng ông bà nội để học THPT, sau đó cho con đi học nghề hoặc đi nghĩa vụ quân sự”.

Lựa chọn, quyết định nguyện vọng học tập phù hợp

Cô Đỗ Việt Hiền, Hiệu trưởng trường THCS Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, phụ huynh không nên quá lo lắng, gây áp lực tâm lý học sinh.

Ngoài hệ thống trường THPT công lập còn có các trường dân lập, trường cao đẳng... Nhiều trường cao đẳng vừa đào tạo nghề, vừa dạy văn hóa. Sau 3 năm, học sinh vừa có bằng tốt nghiệp vừa có bằng nghề, có thể đi làm, hoặc tiếp tục học lên các bậc học cao hơn.

Như vậy, với học sinh khối 9, cơ hội rất rộng mở. "Các trường đều tổ chức các buổi thi thử, đánh giá năng lực học sinh. Căn cứ vào kết quả thi đó, giáo viên tư vấn, định hướng cho phụ huynh học lực của các em. Cha mẹ không nên gây quá nhiều áp lực cho các em", cô Hiền nói.

Là người có kinh nghiệm nhiều năm dạy toán lớp 9, cô giáo Thu Hiền (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Việc lựa chọn nguyện vọng nào là thuộc quyền của học sinh, phụ huynh. Tuy nhiên, căn cứ năng lực học tập của từng học sinh trên lớp, giáo viên có tư vấn để đảm bảo việc chọn trường phù hợp”.

Cũng theo giáo viên này, trước khi đặt bút đăng ký nguyện vọng, các em và gia đình buộc phải tính toán. Có gia đình coi như “canh bạc”, đặt nguyện vọng khá cao nhằm “được ăn cả ngã về không” vì có phương án 2 học trường ngoài công lập. Tuy nhiên, cũng có em vì quá run, dù học tốt vẫn không dám đặt nguyện vọng 1 là trường top đầu, cuối cùng thừa 4-5 điểm, rất đáng tiếc.

Theo các chuyên gia, học sinh nên lấy bảng điểm chuẩn của các năm học trước phân chia thành các top trường và kết hợp với điểm năng lực để làm cơ sở chọn nguyện vọng.

Điểm năng lực của học sinh có thể dựa trên kết quả học tập năm lớp 9 của 3 môn văn, toán, ngoại ngữ và đặc biệt là bài kiểm tra cuối năm. Nên lấy điểm 3 môn này nhân với hệ số theo quy định của kỳ thi.

Sau khi có kết quả dự đoán, học sinh nên chọn nguyện vọng 1 là trường yêu thích và tương ứng với sức học. Nguyện vọng 2 nên ưu tiên trường gần nhà hoặc các quận lân cận nhưng vẫn nằm trong khả năng của mình.

“Việc chăm lo và chuẩn bị phương án dự phòng cho con của cha mẹ học sinh là chính đáng. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý năng lực học tập thực cũng như điều kiện kinh tế gia đình để lựa chọn, quyết định nguyện vọng học phù hợp”, một chuyên gia đưa ra lời khuyên.

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, theo quyết định phê duyệt Quy hoạch mạng lưới trường học TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, những năm qua, Hà Nội đã tập trung quan tâm đầu tư cải tạo nâng trường chuẩn quốc gia, xây dựng thêm nhiều trường mới dành chỗ học cho các em học sinh.

Đến thời điểm này, thành phố đã đầu tư cải tạo, xây dựng được 1.362 dự án trường học, trong đó có 1.017 trường công lập và 45 trường ngoài công lập, vượt so với chỉ tiêu đề ra là 676 trường.

Theo thống kê đến năm học 2022-2023, toàn thành phố có 2.845 trường gồm: 1147 trường mầm non, 788 trường tiểu học, 673 trường THCS và 237 trường THPT.

Tuy số lượng trường, lớp tăng lên đáng kể nhưng lãnh đạo ngành giáo dục Thủ đô nhìn nhận, thực tế phát triển mạng lưới trường học theo quy hoạch không bắt kịp so với tốc độ gia tăng dân số.

Tăng dân số cơ học của Hà Nội rất nhanh, bình quân mỗi năm tăng từ 50.000 - 60.000 học sinh, tương ứng với việc cần phải xây mới từ 30 - 35 trường học mới đáp ứng đủ nhu cầu.

(Còn nữa)

Thanh Hòa

Dân sinh

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/khoc-liet-cuoc-dua-vao-lop-10-cong-lap-ky-2-20240412204621963.htm