Khoảnh khắc không quên về ngày tiếp quản Thủ đô

Cách đây 69 năm, Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô đã đảm nhận nhiệm vụ quan trọng của mình trong ngày Thủ đô giải phóng. Ngày nay, những thành viên của đội đã trải qua thời gian, tóc bạc màu và làn da nhăn nheo hơn, nhưng những ký ức xưa vẫn luôn sống động trong họ.

Chuẩn bị cho công việc tiếp quản Thủ đô trước ngày 10/10/1954, Trung ương Đoàn thanh niên cứu quốc (nay là Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh) đã thành lập Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô với hơn 300 đội viên là học sinh cuối cấp trung học phổ thông trong các trường trung học kháng chiến thuộc các tỉnh từ Thanh Hóa trở ra.

Đội Thanh niên xung phong cùng bộ đội vào tiếp quản Thủ đô. Ảnh: TL

Các đội viên được tuyển chọn đều là những cán bộ Đoàn, giỏi công tác xã hội; trong đó có một số đội viên biết tiếng Pháp để có thể giao tiếp với sỹ quan và nhân viên người Pháp khi tiếp xúc.

Hơn 300 đội viên này được chia thành 30 phân đội, di chuyển về Thủ đô Hà Nội làm 3 đợt: Ngày 6/10, ngày 8/10 và ngày 9/10/1954. Nhiệm vụ chính của họ là hỗ trợ quân đội tiếp quản những cơ sở được bàn giao lại; tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu về chính sách tiếp quản của Đảng và Nhà nước ta, vạch trần những luận điệu phản tuyên truyền của địch; vận động thanh niên và nhân dân tích cực tham gia các hoạt động sôi nổi đón bộ đội và Ban quân quản về tiếp quản Thủ đô.

Bà Đặng Thị Ngữ, sinh năm 1936, quê ở Tuyên Quang (hiện trú tại phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Người thanh niên xung phong năm xưa kể, khi được tin chiến thắng Điện Biên Phủ, cả thị xã Tuyên Quang đổ ra đường mừng vui, cờ hoa, nồi niêu, xoong chảo gõ vang dội, hầu như mọi người không ngủ.

Người dân hạnh phúc khi được sống trong hòa bình không phải chui hầm tránh bom đạn. Liên tiếp tin vui dồn dập, Đảng và Chính phủ quyết định giao cho Trung ương Đoàn Thanh niên cử đồng chí Vương Bích Vượng làm Đội trưởng đội Thanh niên công tác tiếp quản Thủ đô. Bà Ngữ và nhiều người ở trường Tân Trào được cử vào Đội Thanh niên công tác. Những học sinh kháng chiến ở các trường như: Tân Trào, Thái Nguyên, Hùng Vương, Lương Ngọc Quyến… nhanh chóng đến nơi tập kết đúng hẹn (tháng 7/1954).

Bà Ngữ kể, đoàn học sinh xuyên đèo lội suối, băng rừng, qua núi. Ai nấy đều nhỏ bé, mà đi hai ngày qua đèo Khế không biết mệt mỏi, còn vang dội tiếng cười.

“Chúng tôi đến được nơi tập kết, vui quá, khẩn trương bắt tay ngay vào học tập chính trị và các điều lệnh, chính sách tiếp quản. Ban Chỉ huy trang bị cho mỗi người chúng tôi đầy đủ như những tuyên truyền viên. Vào Hà Nội tiếp quản, đi trước chúng tôi là bộ đội. Hai bên dãy phố cờ hoa, có cụ ông, cụ bà nước mắt rưng rưng, lúc này, người tôi gai gai cảm động quá”, bà Ngữ xúc động.

Bà Đặng Thị Ngữ (ngoài cùng bên phải) hàn huyên cùng các thành viên Đội Thanh niên xung phong công tác tiếp quản Thủ đô. Ảnh: Lê Dung

Tiếp sau đó, đoàn thanh niên tiếp quản Thủ đô được phân bổ vào các ngõ xóm để thu dọn vệ sinh, cùng thanh niên đường phố tham gia. Mọi người vào từng ngõ phố dọn dẹp, vào toa xe vận động công nhân giữ máy móc, thiết bị, cùng hợp tác xây dựng cơ sở ban đầu và tuyên truyền cặn kẽ đến Nhân dân.

Sau ngày đón tiếp lực lượng quân đội từ năm cửa ô tiến vào Hà Nội, ông Nguyễn Đình Thọ, sinh năm 1935 (hiện trú tại phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội) được cử xuống công tác tại khu vực bến phà Đen. Nhiệm vụ của ông Thọ là tăng cường và phối hợp với đồn Công an Lò Đúc phát hiện tình hình, nắm bắt phân loại kẻ xấu, trấn áp ngăn chặn kịp thời các vụ phá hoại, gây rối loạn để giữ gìn trật tự an ninh đảm bảo tính mạng, tài sản cho Nhân dân.

Ông Nguyễn Đình Thọ cho biết, bến phà Đen dài rộng, cỏ cây hai bên bờ còn rậm rạp. Nhà cửa kho bãi thô sơ lộn xộn, hàng hóa bừa bãi, ngổn ngang nhất là gỗ, tre nứa, lá, than, củi. Hằng ngày, thuyền bè xuôi ngược qua lại cập bến rất đông. Các mặt hàng hầu như là lương thực thực phẩm như: Gạo, muối, nước mắm, hàng tươi sống, hoa quả…

Ngoài ra, còn các mặt hàng vật liệu xây dựng rất quan trọng đối với đời sống của Nhân dân. Hằng ngày kẻ mua, người bán đến nhận hàng, chuyển đi, không khí nhốn nháo từ sáng sớm đến đêm khuya.

Phương tiện bốc xếp hàng hóa rất thô sơ, chủ yếu dùng sức người là chính. Ở đây xảy ra nhiều chuyện phức tạp. Ông Thọ tích cực tuyên truyền đến bà con làm ăn sinh sống ở đây.

“Chúng ta đều là Nhân dân lao động cả. Hầu hết là lao động chân tay vất vả đi sớm, về khuya, công việc nặng nhọc, không kể giờ giấc để kiếm tiền sinh sống. Vì vậy, chúng ta phải đoàn kết, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, phải bảo vệ lẽ phải, không làm điều xấu, không tranh giành bắt nạn nhau làm lộn xộn, mất trật tự bến bãi”, ông Thọ kể.

Ông Chu Điềm (quê ở Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, lực lượng cách mạng về tiếp quản Thủ đô, trong đó, Đội Thanh niên công tác tiếp quản Thủ đô thực hiện đúng với nhiệm vụ trung tâm tiến vào Hà Nội, ông và những đội viên vinh dự, tự hào khi được Đảng và Đoàn tin cậy tập hợp bồi dưỡng, giao nhiệm vụ.

"Chúng tôi là những học sinh, đoàn viên ưu tú trong các trường trung học kháng chiến lớn vào công tác để hòa nhập, giải thích, tuyên truyền, vận động mọi người tin tưởng, hiểu biết chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để yên tâm, phấn khởi chấp hành tốt chính sách tiếp quản trong những ngày đầu Thủ đô được giải phóng”, ông Chu Điềm bày tỏ.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, một lực lượng lớn của Thanh niên xung phong trở thành cán bộ của Đoàn Thanh niên Hà Nội để tiếp tục xây dựng các phong trào thanh niên. Lực lượng thứ 2 đi học nước ngoài: Liên Xô, Tiệp Khắc, Ba Lan, Trung Quốc... Lực lượng thứ 3 về các cơ quan của Đảng và Nhà nước.

Những thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô năm xưa đã góp phần làm rạng rỡ thêm trang sử vẻ vang của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, đồng thời thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết cho thế hệ thanh niên ngày nay.

16 giờ ngày 9/10/1954, những tên lính thực dân cuối cùng rút qua cầu Long Biên, quân và dân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố.

Ngày 10/10/1954, hàng vạn người dân Hà Nội vỡ òa trong niềm vui đón đoàn quân chiến thắng trở về, giải phóng Thủ đô.

Ngày 10/10 đã trở thành biểu tượng của Thủ đô “ca khúc khải hoàn.” Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu sự kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ, hy sinh nhưng oanh liệt và vẻ vang của nhân dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.

Minh Chí

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khoanh-khac-khong-quen-ve-ngay-tiep-quan-thu-do-post267932.html