Khoảng trống bảo tồn kiến trúc cổ

Hơn 20 năm, các quy chế, chính sách bảo tồn cảnh quan kiến trúc vẫn đang 'thai nghén'. Nhiều công trình có tính di sản không có lớp chắn bảo vệ đã bị 'cuốn phăng' trong cơn lốc đô thị hóa ở TPHCM.  Số còn lại, liệu có được 'cứu' kịp?

Ký ức “rơi rụng” dần

Năm 1993, TPHCM thực hiện chương trình Bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị. Các chuyên gia cho hay, tuy là lần đầu tiên TPHCM thực hiện công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc nhưng chương trình được xem là quy mô nhất cho đến nay. Chương trình Bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị tiến hành trong 5 năm, cho kết quả gồm những đánh giá, phân loại hệ thống cảnh quan kiến trúc tiêu biểu của thành phố. Đồng thời, đề xuất cách phân loại, xếp hạng theo tiêu chí gồm 4 loại: mảng cảnh quan đô thị tiêu biểu, tuyến cảnh quan tiêu biểu, cụm cảnh quan tiêu biểu và điểm cảnh quan kiến trúc. Danh mục 108 đối tượng bảo tồn cảnh quan kiến trúc cụ thể cũng được đề xuất trong chương trình. Từ kết quả này, năm 1996 UBND TP đã chỉ đạo các cơ quan liên quan soạn thảo quy chế để bảo tồn cảnh quan kiến trúc. Tuy nhiên, quy chế bảo tồn chưa kịp soạn thảo xong thì các công trình cảnh quan kiến trúc, thường được xem là “ký ức đô thị”, như cầu trong Thảo Cầm viên, Nhà đèn Chợ Quán, cụm biệt thự cổ quận 3… cứ dần bị tháo dỡ để xây dựng các công trình mới. TS-KTS Lê Quang Ninh, chủ nhiệm chương trình, đã nhiều lần chua xót thốt lên rằng, nghiên cứu của ông đã thất bại!

Song song với chương trình Bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị, năm 2010 UBND TP cũng ban hành quyết định về thực hiện kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn TPHCM, với danh mục 1.400 công trình di tích đã được xếp hạng cả cấp quốc gia lẫn thành phố. Sau vài năm kiểm kê, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch TP khi đó xác định, danh mục 168 công trình đủ điều kiện để lập hồ sơ công nhận di tích. Thế rồi, cũng như các công trình cảnh quan kiến trúc, nhiều công trình di tích bị “xóa sổ” trong khi chờ đợi công nhận di tích, chẳng hạn nhiều ngôi nhà cổ ở phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9 bị di dời để phục vụ cho dự án Khu Công nghệ cao, các hầm bí mật ở Thủ Đức nằm trong nhà dân đã bị lấp vì xuống cấp…

Chờ quy định

Các cơ chế, chính sách về bảo tồn không chỉ khiến nhiều công trình biến mất mà các công trình còn giữ được cũng gặp nhiều nguy cơ. Bên cạnh nguy cơ nội tại như thiếu hướng dẫn kỹ thuật và chi phí trùng tu các công trình xuống cấp, còn có tác động từ bên ngoài như, nhiều khu vực bảo tồn đã bị xây chen, bị lấn át bởi các công trình cao tầng xung quanh, kiến trúc không hài hòa đã tạo nên các khu vực hổ lốn. Một kết quả khảo sát công trình có giá trị di sản tại quận 1 và 3 do Trung tâm Dự báo và Nghiên cứu đô thị (Sở Quy hoạch - Kiến trúc) thực hiện năm 2013, cho thấy trong 377 công trình xác định có giá trị di sản, có đến 9 công trình xuống cấp và có 207 công trình bị phá bỏ hoặc biến dạng.

Chính vì vậy, cũng trong năm 2013, UBND TP đã ban hành Chương trình Hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TPHCM, với mục tiêu xác định các yêu cầu, đối tượng và quan điểm định hướng trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp, chính sách để thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc trên địa bàn thành phố, đồng thời hỗ trợ cho quá trình đầu tư xây dựng, phát triển thành phố. Chương trình dự kiến trong 2 năm 2013-2014, sẽ xác định được danh mục các công trình kiến trúc nghệ thuật, quần thể kiến trúc, các công trình kiến trúc đơn lẻ có giá trị tiêu biểu (đã và dự kiến xếp hạng di tích theo Luật Di sản văn hóa), các đối tượng kiến trúc cảnh quan đô thị cần bảo tồn. Các công trình này sẽ được quản lý bằng công nghệ bản đồ GIS. Đồng thời cũng xây dựng các quy định chung, quy chế trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc trên địa bàn thành phố.

Đến năm 2015, UBND TP lại tiếp tục phê duyệt Chương trình hành động bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TPHCM, giai đoạn 2016-2020, gồm 10 nội dung. Mới đây, báo cáo tiến độ thực hiện các nội dung này, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM cho biết, nội dung kiểm kê, đánh giá biệt thự cũ có nguồn gốc trước năm 1975, do Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc thực hiện đã hoàn tất, gồm 1.250 căn và đã chuyển hồ sơ đến Hội đồng phân loại biệt thự (Viện Nghiên cứu phát triển TP làm chủ tịch) kiểm đếm và dự thảo tiêu chí phân loại để trình UBND TP xem xét. Hai nội dung xây dựng quy định chung về bảo tồn và cơ chế chính sách hỗ trợ công tác bảo tồn, do Viện Nghiên cứu phát triển thực hiện, đã hoàn tất nghiệm thu đề tài, Ban chỉ đạo công trình bảo tồn đã báo cáo UBND TP đề xuất giao Viện Nghiên cứu phát triển tham mưu UBND TP ban hành quản lý theo chức năng nhiệm vụ. Các nội dung còn lại vẫn đang triển khai thực hiện: kiểm kê công trình được xếp hạng di tích (Sở Văn hóa - Thể thao và Sở Quy hoạch - Kiến trúc thực hiện), xác định các khu vực cảnh quan có giá trị bảo tồn (Sở Quy hoạch - Kiến trúc), xây dựng quy chế bảo tồn cảnh quan kiến trúc đối với các khu vực, xây dựng trang web, thành lập cơ quan quản lý bảo tồn, tổ chức tập huấn và hội thảo.

Riêng nội dung xây dựng quy định quản lý kiến trúc đối với khuôn viên biệt thự được phép tháo dỡ vẫn chưa hoàn thành, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Bởi đa số các biệt thự thuộc sở hữu cá nhân, tổ chức nhưng muốn sữa chữa, tháo dỡ đều phải có văn bản báo cáo địa phương, địa phương trình lên Sở Quy hoạch - Kiến trúc và sở sẽ xin ý kiến UBND TP. Tuy nhiên, do chưa có hướng để xử lý chung nên lượng hồ sơ đề nghị tháo dỡ biệt thự cũ và xin chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc mới, còn tồn đọng ở Sở Quy hoạch - Kiến trúc rất nhiều.

Sau nhiều năm khảo sát, nghiên cứu, bàn bạc và tìm kiếm nguồn vật liệu, Nhà thờ Đức Bà đã bắt đầu được trùng tu. Trên địa bàn TPHCM còn nhiều di tích đã hư hỏng nặng vẫn đang chờ duy tu, phục dựng như: Tòa án Nhân dân TP, Cầu Mống, Đình Thông Tây Hội (Gò Vấp)...

KHÁNH LÊ

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/khoang-trong-bao-ton-kien-truc-co-476052.html