Khoảng lặng của sân khấu

Năm 2022, đánh dấu sự trở lại của ngành sân khấu. Tuy nhiên, bên cạnh hào quang của các vở diễn thì giải thưởng vẫn còn đó những khoảng lặng, những bất cập đã tồn tại trong một thời gian dài.

Nhiều tác phẩm sân khấu dù giành giải cao nhưng không thu hút được sự quan tâm của khán giả.

Trong số 130 tác phẩm tham dự các Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức năm 2022, có 3 tác phẩm đạt Giải Xuất sắc, 27 tác phẩm đạt Huy chương Vàng và 32 tác phẩm đạt Huy chương Bạc.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm cộng, “bảng vàng” thành tích, thì thực trạng của ngành sân khấu vẫn đang đặt ra những dấu hỏi về cơ hội để thích nghi với xu thế phát triển của xã hội trong cơ chế thị trường hiện nay. Theo TS Nguyễn Đăng Chương - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, thực tế nhiều vở diễn đạt giải nhưng khi biểu diễn phục vụ công chúng lại không có người xem.

Ông Chương cũng cho rằng năm 2022 có ít vở diễn hay vì sân khấu đang khan hiếm kịch bản hay. Cũng bởi lẽ đó mà mỗi lần tham dự liên hoan, các đơn vị nghệ thuật phải chấp nhận dàn dựng lại những kịch bản cũ, thậm chí còn sử dụng những kịch bản đã dàn dựng cách đây khoảng 30,40 năm.

Về việc này các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị nghệ thuật, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đều biết nhưng chưa tìm được giải pháp khắc phục. Hơn 10 năm qua, hai cơ sở đào tạo nghệ thuật lớn nhất cả nước là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không tuyển được học viên theo học chuyên ngành biên kịch sân khấu.

Trong khi đó, nhìn lại toàn cảnh bức tranh sân khấu trong nhiều năm qua vẫn đang tồn tại nhiều bất cập, trong đó nổi bật là thiếu vắng những tác phẩm đề cập về đề tài đương đại, về những vấn đề nóng bỏng đang tác động nhiều mặt, làm thay đổi con người và đời sống xã hội. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều sân khấu chưa thể thường xuyên “sáng đèn” phục vụ khán giả.

Theo NSND Lê Tiến Thọ - nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, đội ngũ sáng tạo của sân khấu chưa lý giải được mâu thuẫn xung đột của thời đại và con người hôm nay nên phải tạm “khoanh tay, bó gối” trước hiện thực đời sống đang ngồn ngộn chất liệu và vẫn cuồn cuộn trôi đi từng ngày. Đây có lẽ là một nguyên nhân khiến nghệ thuật sân khấu chưa kéo được khán giả tới các nhà hát. Theo ông Thọ, hiện nay khán giả đang cần nghệ thuật sân khấu đưa ra những thông điệp định hướng và mang tính dự báo từ thực tiễn đời sống. Phản ánh chân thực về xã hội, con người để tháo gỡ những nút thắt, góp phần cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Sân khấu phải diễn tả sinh động mọi hỉ nộ, ái ố. Dùng thủ pháp nghệ thuật để truyền tải niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc, đắng cay của con người trong đời sống hiện đại, nhân rộng lên những điều đẹp đẽ nhân văn, gạt bỏ bớt những gì đang trở thành chướng ngại vật cản đường cho sự phát triển.

Không chỉ câu chuyện chất lượng nghệ thuật, có một thực tế hiện nay nhiều đơn vị, nhà hát vẫn đang thiếu những người “chỉ huy” tạo ra những chiến lược thu hút khán giả đến với sân khấu. Dưới góc độ quản lý, bà Trần Ly Ly - quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng, làm lãnh đạo của một nhà hát nghệ thuật khó hơn làm CEO (giám đốc điều hành) của một doanh nghiệp. Vì nghệ thuật đòi hỏi rất nhiều yếu tố, chọn sai người, sai định hướng nghệ thuật thì sẽ đi theo hướng khác.

Vẫn theo bà Ly Ly, muốn thu hút khán giả đến sân khấu thì mỗi đơn vị nghệ thuật cần phải có phải có bố cục định hướng, tài chính, con người, đánh giá nguồn nhân lực, tầm nhìn, vị thế của sản phẩm, hệ thống PR, marketing... Tác phẩm phải được xây dựng thế nào, sản xuất ra mắt khán giả thời điểm nào, chi phí bao nhiêu, định hướng giá trị gia tăng cho tác phẩm... Làm nghệ thuật chuyên nghiệp, người chỉ đạo nghệ thuật phải hiểu nghệ thuật và phải đóng vai “CEO”, nếu không, tác phẩm hay chương trình sẽ khó thành công.

“Sân khấu Việt Nam đang rất cần những chỉ đạo nghệ thuật thực sự có tài năng và tâm huyết, đổi mới quy trình sáng tạo tác phẩm, dám làm, dám chịu và phải thực sự nhạy bén dàn dựng ra những tác phẩm nghệ thuật thật sự hấp dẫn, đáp ứng được thị hiếu công chúng hôm nay” - NSƯT Trần Ly Ly nói.

Còn theo NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, nếu không tìm được giải pháp thì nghệ thuật sân khấu, nhất là các loại hình của sân khấu truyền thống có nguy cơ tụt hậu. “Một trong những việc cần thiết là giới thiệu nghệ thuật truyền thống trong trường học nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa đang có nguy cơ thất truyền, đồng thời tạo ra thế hệ khán giả trẻ của sân khấu” - bà Mùi nói.

Theo tác giả Lê Thế Song, muốn thu hút khán giả trẻ thì sân khấu phải đổi mới. Trước hết cần dàn dựng những vở diễn mang hơi thở thời đại với những vấn đề gai góc của xã hội và thể hiện bằng những mảng miếng hấp dẫn, mới lạ. Muốn vậy, người viết kịch bản ngoài trình độ học vấn, còn cần bề dày kinh nghiệm, đam mê, dũng cảm chọn thử thách, đổi mới và sáng tạo từ trong căn cốt của truyền thống, biết chắt lọc những nét tinh hoa truyền thống kết hợp hài hòa với những yếu tố hiện đại, được yêu thích, như công nghệ sân khấu mới, “bắt tay” giữa các loại hình nghệ thuật khác nhau… để sáng tạo ra một tác phẩm sân khấu hấp dẫn. Chúng ta phải coi con đường nghệ thuật không bao giờ có đỉnh, đôi lúc tưởng chạm đến rồi nhưng còn đỉnh cao khác chờ đón, nếu nghĩ rằng mình đã đến đỉnh thì đương nhiên chỉ còn tụt dốc mà thôi.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/khoang-lang-cua-san-khau-5710214.html